Mùa tuyển sinh và những lưu ý khi chọn ngành, chọn trường

Học sinh khối 12 tại các trường đang nỗ lực học tập, ôn luyện để chuẩn bị cho kỳ thi cuối cấp quan trọng sắp tới; cùng với đó là vô vàn những băn khoăn về việc chọn trường, chọn ngành của phụ huynh lẫn học sinh, đặc biệt là khi hiện nay, các trường ĐH, CĐ có đa dạng phương thức tuyển sinh.

Chuẩn bị cho kỳ thi quan trọng sắp tới, Trần Quốc Nguyên - học sinh lớp 12 tự nhiên 2, trường THPT Thới Lai (huyện Thới Lai, thành phố Cần Thơ) chia sẻ: "Hiện tại em đang trong quá trình ôn luyện để đến với kỳ thi và chuẩn bị một tinh thần sẵn sàng. Trong lúc này em cũng đang có cảm giác hơi lo sợ, sợ mình làm không tốt nhưng mà cũng phải cố gắng để ôn, để mình làm tốt nhất có thể.

Xác định đây là kỳ thi qua trọng, cần sự chăm chỉ và nỗ lực nên giai đoạn này, ưu tiên hàng đầu của Nguyên là việc học. Ngoài giờ học chính thức trên lớp, em còn dành nhiều thời gian để tự mình ôn lại các kiến thức đã được học, thử giải các đề thi để kịp thời bổ sung những kiến thức còn thiếu hụt".

Cùng với việc ôn tập, nắm vững kiến thức, Nguyên cũng tranh thủ tham gia các buổi tư vấn, hướng nghiệp ở cả hình thức offline và online, lắng nghe chia sẻ của các anh, chị sinh viên đi trước và chủ động tìm hiểu thông tin về các ngành nghề mình quan tâm qua internet. Bởi hiện nay, khi đứng trước nhiều sự lựa chọn và đặc biệt là sự định hướng của gia đình, em không tránh khỏi sự băn khoăn: Cha mẹ ở nhà thì cũng định hướng em học ngành y, dược mà theo năng lực của em thì em không thể thi thi được cái tới ngành đó. Mà hiện tại thì em đang định hướng ngành truyền thông đa phương tiện.

Là bạn cùng khóa với Nguyên, nhưng may mắn hơn khi em Nguyễn Thị Kim Ngọc nhận được sự ủng hộ lớn từ phụ huynh trong việc lựa chọn ngành học.

Cô bạn cho biết, nhờ sự hướng dẫn ôn luyện và tư vấn hướng nghiệp tận tâm của thầy cô, nhà trường mà hiện nay em đã có sự lựa chọn cho riêng mình về ngành học và môi trường đào tạo: "Em được anh, chị giới thiệu, thầy cô giới thiệu nên em đã lựa chọn được ngành, nghề và khối mình thi. Em chọn ngành logistic và tài chính ngân hàng A01, thi vào trường Đại học Cần Thơ. Đối với em thì cũng đã được tư vấn từ những anh, chị đi trước là thi như thế nào nên em cũng không lo lắng, hồi hợp gì nhiều. Em cũng đang mong đến kỳ thi".

Kỳ thi cuối cấp 3 là một trong những kỳ thi quan trọng nhất trong cuộc đời học sinh. Ảnh nh hoạ: Q.H

Nhằm giúp học sinh trang bị kỹ năng lựa chọn ngành, nghề khi đứng trước ngưỡng cửa đại học, cao đẳng, trường THPT Thới Lai luôn cố gắng lồng ghép các nội dung hướng nghiệp phù hợp. Vào mỗi chiều thứ 7 hàng tuần, Nhà Trường còn dành riêng một tiết học hướng nghiệp để giáo viên chủ nhiệm có thể lắng nghe và trao đổi nhiều hơn với học sinh về các phương thức tuyển sinh được áp dụng hiện nay cũng như những đặc trưng, yêu cầu cơ bản của các ngành, nghề mà học sinh quan tâm.

Cùng với trường THPT Thới Lai, thời gian này, các trường THPT cũng đang nỗ lực giúp học sinh tự tin và chủ động nhất trong việc lựa chọn con đường tương lai bởi theo thông tin mới nhất được công bố thì các em học sinh chỉ còn vỏn vẹn 4 tháng để chuẩn bị cho bước ngoặt quan trọng của cuộc đời.

Về thông tin tuyển sinh đại học, nhìn chung năm 2023 vẫn cơ bản giữ ổn định như năm 2022, trong đó việc ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả các khâu tuyển sinh sẽ triệt để hơn. Học sinh sẽ thực hiện đăng ký dự thi, đăng ký xét tuyển và nhập trên hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ. Các trường xét tuyển sớm nhưng chỉ xét tuyển có điều kiện, việc xét tuyển chính thức sẽ thực hiện chung trên hệ thống của Bộ GD&ĐT. Tuy nhiên, thời gian xét tuyển sẽ đẩy sớm hơn so với năm ngoái.

Bà Nguyễn Thu Thuỷ- Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT cho biết: "Kế hoạch tuyển sinh của năm 2023 theo dự kiến của chúng tôi sẽ được đẩy sớm hơn so với năm 2022. Bởi vì chúng ta đã kiểm soát rất là tốt dịch bệnh COVID-19 và chúng ta có thể quay trở lại nhịp độ bình thường như những năm trước COVID. Lịch thi tốt nghiệp trung học phổ thông sẽ vào khoảng cuối tháng 6, thì kỳ tuyển sinh của chúng ta sẽ đẩy sớm, để đến tháng 9 là các em đã có thể có kết quả xét tuyển xong và đã nhập học, khai giảng rồi".

Cũng theo bà Nguyễn Thu Thuỷ, dù quy chế, quy trình xét tuyển đại học áp rất tương đồng so với năm 2022, nhưng có một số điều khoản, quy định mới bắt đầu có hiệu lực từ năm nay thí sinh cần lưu ý, trong đó có việc tính điểm ưu tiên khi xét tuyển: Như điểm ưu tiên khu vực thì chúng ta sẽ được hưởng điểm ưu tiên này trong 2 năm liên tiếp, tức là năm mà các em thi tốt nghiệp, tức là năm nay, cộng thêm 1 năm liền kề nữa là năm sau.

Ngoài ra, khi các em đã đạt được một mức điểm giỏi cho tổng điểm 3 môn xét tuyển, chẳng hạn, tổng điểm là 30. Nếu như các em đã đạt điểm giỏi từ 22,5 điểm trở lên thì điểm ưu tiên cộng vào khi xét tuyển sẽ giảm dần, để sao cho đến khi các em đạt 30 điểm thì sẽ không cần phải cộng điểm ưu tiên đấy nữa.

Thêm một lưu ý khác là các trường hiện đã được tự chủ trong tuyển sinh, do vậy có rất nhiều phương thức để đăng ký xét tuyển. Thí sinh cần tìm hiểu rất kỹ các thông tin về ngành nghề đào tạo, tổ hợp, điều kiện xét tuyển, điều kiện đảm bảo chất lượng, mức học phí và các hình thức đào tạo khác nhau.

Một số điều khoản, quy định mới bắt đầu có hiệu lực từ năm nay thí sinh cần lưu ý, trong đó có việc tính điểm ưu tiên khi xét tuyển. Ảnh nh hoạ: Q.H

Năm nào cũng vậy, cứ vào thời điểm thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học thì nhiều gia đình lại đứng ngồi không yên vì chuyện thi cử, lựa chọn ngành, nghề. Bởi tương lai là của con nhưng lại mang theo sự mong đợi, kỳ vọng to lớn của mẹ cha. Vậy cần làm gì để sự quan tâm, định hướng của mẹ cha không là áp lực của con? 

So với nhiều năm trước thì giờ đây, việc tiếp cận thông tin về các ngành nghề và môi trường đào tạo đã thuận tiện và dễ dàng hơn rất nhiều. Không nhất thiết phải đến tận khoa, tận trường để được nghe tư vấn về ngành học, hiện nay phụ huynh và học sinh có thể cùng ngồi tại nhà, chỉ cần có thiết bị có kết nối mạng là đã có thể thoải mái cập nhật thông tin về các ngành nghề đào tạo thông qua các chương trình tư vấn tuyển sinh của nhiều trường.

Đó là chưa kể các chương trình ấy còn có sự chia sẻ của nhiều khách mời là những người am hiểu đang làm việc trong các lĩnh vực liên quan. Đây thật sự là điều kiện thuận lợi để phụ huynh và học sinh cùng chia sẻ quan điểm, lắng nghe nhau và rồi lựa chọn được ngành nghề phù hợp nhất.

Tuy nhiên, trong thực tế, không phải gia đình tận dụng được lợi thế này. Thiếu tiếng nói chung nên đôi khi con thích một đường nhưng cha mẹ lại kỳ vọng một nẻo. Từ đó, việc lựa chọn ngành, nghề đã khó lại trở nên khó khăn và áp lực hơn rất nhiều với các bạn trẻ.

Vì vậy, thay vì áp đặt tương lai con cái vào một ngành nghề nào đó do cha mẹ định trước, cha mẹ, gia đình hãy cùng con chia sẻ tâm tư nguyện vọng, để con tự do trong việc lựa chọn và định hướng nghề nghiệp bản thân. Đó cũng là cách giúp các con ý thức được trách nhiệm với sự lựa chọn của mình.

Nói như vậy cũng không có nghĩa là các em được nuông chiều bản thân theo kiểu thích ngành nào thì thi ngành đó mà cần phải có sự tìm hiểu kỹ về ngành nghề mình thích. Mình thích vì điều gì? Mình thích nhưng tổ hợp các môn xét điểm mình có đạt yêu cầu không? Nếu thi thì liệu khả năng có đáp ứng hay không? Nhu cầu về nguồn nhân lực với ngành, nghề này ở thời điểm hiện tại và tương lai ra sao? Sau khi học xong có thể vận dụng kiến thức làm việc ở những môi trường nào?...

Và rất nhiều những câu hỏi khác các em cần tự đặt ra và đi tìm lời giải cho chính mình bởi suy cho cùng ngành học tốt nhất không phải là ngành học giúp các em tìm được một công việc lương cao nhất mà đó phải ngành học mang đến cho các em cơ hội được làm những nghề nghiệp phù hợp nhất, phù hợp với sở thích, đam mê, năng lực cá nhân và phù hợp với nhu cầu, xu thế của xã hội.

Và để lựa chọn được ngành, nghề phù hợp như đã nêu, bên cạnh sự chủ động của mỗi cá nhân, các em cũng cần biết lắng nghe sự tư vấn và hỗ trợ thật phù hợp từ gia đình, thầy cô, những người đi trước, từ đó có thêm cơ sở cho sự lựa chọn của mình. Bởi ở độ tuổi thanh thiếu niên, khi chưa có nhiều trải nghiệm và gánh trên vai nhiều áp lực như áp lực thi cử, áp lực từ sự kỳ vọng của gia đình, bản thân, xã hội và đặc biệt là áp lực đồng trang lứa. Các em rất có thể sẽ rơi vào cảnh học ngành theo số đông, chọn trường theo bạn bè thay vì cân nhắc đến đam mê, phẩm chất và năng lực của chính mình.