Tại khu vực ền Tây, những ngày này, khi đang giai đoạn cuối thu hoạch vụ Đông Xuân, vụ lúa chính trong năm, nhiều cánh đồng lại chìm trong màn khói mịt mù từ những đám rơm rạ bị đốt bỏ. Thay vì thu gom rơm ra khỏi đồng ruộng, một số nông dân vẫn thường đốt đồng để xử lý đất chuẩn bị cho vụ kế tiếp. Trên các tuyến đường hai bên có đồng ruộng, không khó để bắt gặp cảnh khói đốt đồng.
Khói trắng cuồn cuộn, lơ lửng trên mặt ruộng rồi tràn ra đường, che khuất tầm nhìn gây khó khăn và nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Anh Trần Việt Khải, ở huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang cho hay: "Quá trời rơm luôn, đốt cho nó sạch rạ bớt đặng cho nữa mình mần nó ngon một chút. Xới cho nó lên đất. Này có 2 công mấy hà".

Di chuyển qua Quốc lộ 61C, tài xế Phan Chí Dũng ở huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu cho biết, cứ vào “mùa” đốt đồng, việc lái xe trở thành một thử thách cho anh và các tài xế khác bị khói đốt đồng che khuất tầm nhìn:
"Mỗi lần đốt, khói với bụi che khuất tầm nhìn của xe nên có khi là xe không thấy nên những cái ngã ba, ngã tư đi ra có thể tông nhau hoặc là cháy cả những chiếc xe đậu ven đường".
Không chỉ người đi ô tô, xe tải mà những người đi xe máy cũng lo lắng những khi gió to gặp khói bay ngang mặt vì vừa cay mắt, khó thở vừa có nguy cơ xảy ra tai nạn do mất phương hướng giữa màn khói dày đặc. Tài xế, Phạm Văn Gõ, ở thị xã Ngã 5, tỉnh Sóc Trăng bày tỏ:
"Rất là nguy hiểm như mình tới chỗ đốt, khói nó lên nếu như mình đi tốc độ nhanh có thể gây ra rất là nguy hiểm. Tới chỗ nhiều khói, rà thắng lại, có thể là giảm nguy hiểm hơn".
Thực tế, hoạt động đốt rơm rạ, phụ phẩm cây trồng sau thu hoạch vẫn diễn ra khá phổ biến tại các địa phương. Tình trạng này làm phát sinh các loại khí thải gây ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng môi trường không khí xung quanh, sức khỏe con người và hoạt động giao thông vận tải.
Theo Chị Lữ Thị Nhật Hằng, ở huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang rơm là nguồn nguyên liệu quý nếu sử dụng đúng, hoàn toàn có thể hái ra tiền thay vì đốt bỏ. Cứ mỗi vụ mùa, chị Hằng đều đứng ra thu mua rơm cuộn mang về nông trại của mình để trồng nấm: "Xưa nay, xong vụ bà con mình thường đốt rơm ảnh hưởng tới môi trường rất nhiều. Thứ hai nữa là dễ cháy lan, gây thiệt hại rất là nhiều, thay vì mình làm nấm thì mình lấy cái giá thể đó mình nuôi trùng quế luôn. Cái rơm cuộn thì đem về chị nuôi bò. àm như vậy sẽ có lợi cho nông dân người ta được nguồn thu từ rơm thay vì phải đốt bỏ".

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, rơm rạ là nguồn chất hữu cơ khổng lồ, chiếm đến 50% trọng lượng của cây lúa. Trung bình, mỗi hec-ta trồng lúa có từ 10-12 tấn rơm rạ. Rơm rạ nói riêng và phế phụ phẩm trong quá trình trồng lúa có giá trị rất lớn. Bằng việc áp dụng khoa học công nghệ, người dân có thể chế biến thành phân bón hữu cơ, trồng nấm, sử dụng làm thức ăn gia súc, hoặc xa hơn là trở thành nguyên liệu cho các lò đốt công nghiệp.
Tuy nhiên, việc thu gom khối lượng rơm rạ như ước tính vừa nêu là điều không hề đơn giản. Theo GS.TS Nguyễn Bảo Vệ, nguyên Trưởng khoa Nông nghiệp Trường Đại học Cần Thơ, lâu nay người dân tại ĐBSCL có thói quen vùi rơm rạ dưới ruộng sau khi thu hoạch, điều này sẽ sản sinh ra nhiều độc chất trong đất như khí metan, axit hữu cơ hại rễ lúa, suy thoái đất. GS.TS Nguyễn Bảo Vệ cho rằng, hiện nay, chúng ta đang giảm phát thải khí nhà kính. Do vậy, canh tác lúa thì bà con phải tìm giải pháp khác. Tuy nhiên, để khai thác tốt giá trị của rơm cần phải chuẩn bị cơ giới hóa.
"Đốt thì cũng giải tán được rơm rạ nhưng mà tôi gọi là đốt tiền. Còn bán rơm tức là đem rơm rạ đó bán ra khỏi ruộng cũng được nữa nhưng mà tôi gọi đó là bán máu. Bị vì dinh dưỡng trong rơm rạ này rất lớn, mình đốt là nó bay đi hết, mình bán thì coi như mất mà cái tiền mình bán bù lại nó cũng không đủ giống như mình bán máu vậy, nên hai cái đó là tôi không đồng tình. Còn cách thứ ba là mình gom rơm rạ chở về một góc ruộng rồi ủ nó thành phân hữu cơ, trả lại cho ruộng lúa. Thì cái chuyện đó nó được là nó giảm phát thải, giảm đủ thứ vì nó thành phân hữu cơ, nó sẽ rất là tốt", GS.TS Nguyễn Bảo Vệ cho biết.
Theo các chuyên gia, để giải quyết dứt điểm tình trạng đớt rơm rạ sau mỗi vụ thu hoạch thì rất cần tiếp tục đẩy mạnh các mô hình nông nghiệp tuần hoàn và phát thải thấp, khuyến khích nông dân áp dụng các phương pháp thu gom và tái sử dụng rơm rạ thay vì đốt bỏ. Đồng thời, cần có sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng trong việc nâng cao nhận thức, cung cấp công nghệ và các chính sách khuyến khích canh tác bền vững.
Chỉ khi áp dụng được những giải pháp đồng bộ, hiệu quả, vấn đề đốt rơm rạ sẽ dần được khắc phục, góp phần bảo vệ môi trường, sức khỏe cộng đồng và phát triển nông nghiệp bền vững.