Câu chuyện dài về hành trình gần 10 năm đi tìm công lý của 230 hộ dân Thanh Trì (Hà Nội). Hơn 50.000 m2 đất canh tác nông nghiệp dài hạn do nhà nước giao cho họ bỗng chốc bị “phù phép” chuyển quyền sử dụng cho một công ty danh tiếng, đang đảm nhiệm những dự án quy mô, trọng yếu tại Thủ đô.
Không khí cả một làng quê vốn yên bình trở nên náo loạn, tranh chấp mâu thuẫn, xung đột triền ên, khi ồn ào, lúc âm ỉ. Những chi tiết kỳ lạ, những uẩn khúc có một không hai, những sai phạm nghiêm trọng về trình tự thủ tục của chính quyền địa phương, những bức xúc và cả những nỗi lo của hàng trăm người nông dân thật thà, chất phác… đã thôi thúc nhóm PV VOV Giao thông vào cuộc tìm hiểu theo lá đơn phản ánh của người dân ở bãi Tân Bồi 3, xã Vạn Phúc, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.
NGƯỜI ĐÃ CHẾT VẪN KÝ GIẤY CHUYỂN NHƯỢNG!?
Cầm giấy chứng tử của bố đẻ là ông Nguyễn Văn Mão (mất năm 2005), chốc chốc, bà Nguyễn Thị Kim Thoa (trú tại thôn 3, xã Vạn Phúc, huyện Thanh Trì, Hà Nội) lại ngước mắt sang một văn bản kỳ lạ có chữ ký của ông Mão vào năm… 2007.
Trong cái gọi là “hợp đồng chuyển nhượng” 160m2 đất nông nghiệp giữa gia đình bà Thoa với Công ty TNHH Xây dựng công trình Hoàng Hà mà UBND xã Vạn Phúc chứng thực, có rất nhiều sự lạ: Từ người chết, người đi học ở xa, đến người không biết chữ đều ký tên vào hợp đồng.
Bản thân bà Thoa cũng có tên, có chữ ký, nhưng lại chưa từng nhìn thấy hợp đồng cho đến khi được xã gọi lên nhận:
“Khi xã trả giấy thì chúng tôi mới biết là giấy đất chuyển nhượng. Tôi thắc mắc, bố tôi mất 2 năm rồi mà sao có chữ ký. Mọi người tập hợp lại không đồng ý việc chuyển nhượng. Vì chúng tôi chỉ cho thuê thôi, bây giờ lại thành giấy chuyển nhượng. Trong giấy đó có chữ ký của 4 người nhà tôi, có bố đã mất, mẹ tôi không biết chữ và em trai tôi lúc đó đang đi học, không có ở địa phương”.
Trong hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp bãi Tân Bồi 3 khác giữa hộ gia đình bà Phạm Thị Sửu với công ty Hoàng Hà cũng lắm điều oái oăm. Bản thân bà Sửu bị đổi cả họ, người con út trong hợp đồng đối chiếu vào ngày ký thì đang ở… Sơn La:
“Tôi không chuyển nhượng nên xã gọi lên thì tôi không lấy sổ đỏ. Tôi còn bản gốc bản cho thuê đây. Tên của tôi họ Phạm, mà trong hợp đồng chuyển nhượng lại họ Nguyễn. Con út tôi lúc ấy đang ở Sơn La, làm thế nào nó về nó ký được. Tôi lên xã nói như thế, người ta không nghe. Nhà thì có 6 người, mà văn bản chỉ có 2 thành viên ký. Xã làm cũng giỏi thật!”
Tương tự, bà Nguyễn Văn Hương vô cùng sửng sốt và chua chát, khi hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng 158m2 đất nông nghiệp giữa gia đình bà với Công ty Hoàng Hà chỉ có tên và chữ ký của chủ hộ chồng bà – Ông Lã Văn Lượt, vợ chủ hộ lại ghi tên… hàng xóm, là Đinh Thị Loan. Chưa dừng lại, bà Hương cho biết, ở ngoài đời, cô Đinh Thị Loan có bố là em trai của chồng, tức là cháu cùng họ. Tên đầy đủ phải là Lã Thị Loan.
“Gia đình tôi có 4 người con, 2 vợ chồng là 6 người. Mà trong giấy chuyển nhượng lại lấy tên vợ con của hàng xóm. Các anh xem trong giấy mà xem, không phải tên con tôi. Đứa đầu nhà tôi là Huệ, thứ nhì là Huế, đến Hựu, Hiện. Nhưng tên vợ và con là của hàng xóm. Tôi mới bảo, các ông cán bộ này làm ba lăng nhăng, vớ vẩn”, bà Hương nói.
Lần theo các tài liệu đã được công khai, có thể xâu chuỗi câu chuyện như sau: Từ năm 2003, các hộ dân bãi Tân Bồi 3 có thỏa thuận cho Công ty TNHH Xây dựng công trình Hoàng Hà thuê lại quyền sử dụng đất nông nghiệp với giá 90.000 đồng/m2 thời hạn 14 năm.
Nguồn gốc đất các hộ dân được Nhà nước giao canh tác nông nghiệp dài hạn theo Nghị định 64 năm 1997. Một điều trùng hợp: Thời hạn 20 năm Nhà nước giao cho các hộ dân sẽ hết vào năm 2017, trùng với thời điểm hết hạn hợp đồng Công ty Hoàng Hà thuê lại quyền sử dụng đất của người dân. Trong quá trình ký biên bản cho thuê, công ty này đã thực hiện thêm một động tác: “Mượn” Giấy chứng nhận (sổ đỏ) của người dân để làm thủ tục xin chuyển mục đích sử dụng thành bãi chứa vật liệu xây dựng.
Thời gian cứ thế trôi qua, đến năm 2016, trong khi người dân vẫn đinh ninh về quyền sử dụng đất của mình được bảo lưu, khi hết hạn cho thuê, quyền sử dụng của họ sẽ được gia hạn và đất sẽ được trả lại, thì họ bất ngờ nhận thông báo của UBND xã Vạn Phúc mời đến nhà văn hóa thôn để lấy bản sao hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa họ với công ty Hoàng Hà.
Theo ông Chử Sơn Hải, họ chưa từng nhìn thấy loại giấy tờ này. Từ biên bản họ ký là cho thuê đã bị “hô biến” thành biên bản chuyển nhượng: “Tôi chân yếu không làm được nông nghiệp nên cho ông Lâm thuê lại. Tôi không ký bất cứ hợp đồng chuyển nhượng nào. Tôi khẳng định chỉ cho thuê thôi. Tôi chưa từng nhìn thấy hợp đồng chuyển nhượng của họ”.
Ông Hoàng Văn Hòa cùng nhiều hộ dân khác ở bãi Tân Bồi 3 yêu cầu cung cấp hợp đồng chuyển nhượng bản chính để xác nh thì bị từ chối. Điều kỳ lạ là loại văn bản này cần có ít nhất hai bản cho bên mua và bán giữ, nhưng bên bán không được cầm bất cứ bản nào.
Với hiện tượng chữ ký có dấu hiệu bị giả mạo, thông tin cá nhân trong hợp đồng sai lệch rất ấu trĩ, người dân đặt dấu hỏi về vai trò của chính quyền, các ban ngành, đoàn thể của xã Vạn Phúc, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội trong việc chứng thực các văn bản chuyển nhượng, biên bản nhận tiền bồi thường và bàn giao mặt bằng.
“Ví dụ bố tôi họ Hoàng, trong văn bản chuyển nhượng lại họ Nguyễn. Chữ ký cũng là người khác. Rất bất cập, không có thực. Các ông tự vẽ ra hợp đồng, chứ làm gì có hợp đồng đấy. Cái này có phần của cán bộ, nói như thế cho chính xác. Có dấu của xã đấy, nhưng hợp đồng photo thôi, bản gốc đâu ra. Các ông nặn ra, rồi bảo mất bản gốc. Nếu thế, tôi hỏi thế này, nhà tôi, bố tôi họ tên là Hoàng Văn Hợi, cái ông ký trong bản photo hợp đồng chuyển nhượng, chỉ cho tôi xem thôi, không cho cầm, là Nguyễn Văn Hợi. Thế ông giao cho Nguyễn Văn Hợi thì tìm ông ấy mà lấy đất, sao lại lấy đất của gia đình tôi”, ông Hoàng Văn Hoà cho biết.
Trao đổi với phóng viên, Luật sư Hải Lăng, Giám đốc Công ty Luật Hồng Hạnh Vân Canh, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các hộ dân bãi Tân Bồi 3 trong vụ việc đã có những nhận định ban đầu về các chi tiết “kỳ lạ” vừa nêu:
"Theo tôi, với các chứng cứ này thì mình chỉ có kết luận là có dấu hiệu, nhưng việc làm rõ dấu hiệu này cũng không khó vì thực ra chữ ký của mỗi người là duy nhất, như vân tay hay mống mắt. Do đó mình chỉ cần đưa đi giám định chữ ký của Viện Khoa học-Hình sự, Bộ Công An thì sẽ ra ngay là người đó có ký hay không. Khi xác định đúng là không phải người ta ký thì rõ ràng đây là giả mạo".
Những thắc mắc, kiến nghị của người dân đã được các cấp chính quyền, lực lượng chức năng giải đáp, hướng dẫn như thế nào? Công ty TNHH Xây dựng công trình Hoàng Hà đã từng bước “thâu tóm” diện tích hơn 5 héc-ta đất nông nghiệp và hợp thức hóa việc này ra sao?
Vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương đến đâu khi để xảy ra khiếu nại kéo dài, chưa được xử lý dứt điểm?
PHA "PHÙ PHÉP" TÀI TÌNH CỦA DOANH NGHIỆP VÀ CÁN BỘ XÃ
Trong hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp, người chết vẫn ký, chủ hộ bị thay đổi họ, tên vợ bị nhầm thành… vợ hàng xóm. Những tình huống oái oăm, ngược đời ấy trong văn bản vẫn được chứng thực bởi chính quyền xã và các ban ngành, đoàn thể địa phương.
Dẫu chuyện lạ ở xã Vạn Phúc đã được thanh tra và cho kết luận một loạt sai phạm, nhưng vẫn chưa được giải quyết thấu đáo, dứt điểm.
Bên cạnh việc chưa từng nhìn và cầm bản gốc giấy chuyển nhượng quyền sử dụng đất, các hộ dân bãi Tân Bồi 3 còn bức xúc khi xuất hiện thêm biên bản buổi họp chi trả tiền bồi thường về đất, bàn giao mặt bằng, diện tích đất nông nghiệp thực hiện dự án đầu tư bãi chứa vật liệu xây dựng cho Công ty TNHH xây dựng công trình Hoàng Hà.
Điển hình như 2 biên bản ngày 21/11/2016 có thành phần tham dự hùng hậu của chính quyền, đoàn thể, từ Chủ tịch UBND xã Vạn Phúc, đến Chủ tịch Mặt trận tổ quốc, Trưởng thôn, Chủ nhiệm HTX; có đại diện công ty Hoàng Hà là Tổng giám đốc Hoàng Văn Lâm; còn phía chủ hộ gia đình (bên bàn giao) chỉ có chữ ký của ông Lã Văn Chiến, một người không biết chữ.
Bà Phạm Thị Sửu, vợ ông Chiến chia sẻ, hễ có ý định kéo nhau đi khiếu nại lại bị một số đối tượng đe dọa:
“Ông nhà tôi có biết ký đâu, không có văn hóa, chỉ điểm chỉ thôi. Toàn là giả mạo hết thôi. Chúng tôi lên xã hỏi thì người ta bảo, các bà cầm tiền chuyển nhượng rồi còn đòi hỏi gì nữa. Chúng tôi gọi nhau để tập trung lên huyện hỏi, thì người ta toàn đe dọa. Đe là cứ đi lên công an huyện thì chúng nó sẽ đem bom bỏ vào nhà, nếu ra đường thì đánh gãy chân. Đàn bà chị em chúng tôi thì cũng sợ chết, về sau không dám đi”.
Thời điểm năm 2016, trong số những người ký xác nhận các biên bản, có ông Nguyễn Văn Vụ, chủ tịch UBND xã, nay đã qua đời. Còn ông Chử Mạnh Thắng, Phó Chủ tịch HĐND xã thời đó thì nay là đương kim Chủ tịch UBND xã Vạn Phúc.
Phóng viên liên hệ làm việc để xác nh thông tin, được lãnh đạo xã Vạn Phúc phân công ông Nguyễn Văn Sinh, Phó Chủ tịch UBND xã trả lời. Theo ông Sinh, một số hộ dân đồng tình chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho ông Hoàng Văn Lâm và công ty Hoàng Hà, một số khác thì không.
Về các cuộc họp đại diện chính quyền thống nhất chủ trương chuyển nhượng đất cho công ty Hoàng Hà, ông Sinh giải thích:
“Sau khi có ý kiến nhân dân, chúng tôi đã xem lại văn bản đó công ty Hoàng Hà đang thuê đất của nhân dân và đặt vấn đề với các cấp có thẩm quyền và nhận chuyển nhượng để người ta có chủ quyền, diện tích đất đó. Người ta đã đối thoại với nhân dân và được nhân dân đồng tình. Khi đồng tình rồi người ta có đến chính quyền để có cuộc họp và xin ý kiến.
Sau văn bản đó, với trách nhiệm quản lý, chúng tôi thấy biên bản đó phù hợp và chỉ đạo nghiên cứu vào thời điểm đó để nhà nước cho ông Lâm xin mua diện tích đất để làm bãi tập kết vật liệu của ông Lâm”.
Chi tiết quan trọng được vị Phó Chủ tịch xã chỉ ra: Công ty Hoàng Hà chưa làm thủ tục biến động giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Và vì vậy, hợp đồng chuyển nhượng đến thời điểm hiện tại không có giá trị pháp lý.
“Nếu vào thời điểm đó mà làm biến động chuyển nhượng ngay thì một số hợp đồng phù hợp với pháp luật. Tuy nhiên đến giờ phút này, một số hợp đồng không còn giá trị pháp lý. Chúng tôi cũng nói rõ với người dân và ông Lâm phối hợp, nếu đúng chuyển nhượng cho nhau thì phải ra phòng công chứng để làm thủ tục chuyển nhượng và làm biến động theo đúng quy định của pháp luật. Chúng tôi cũng đã hướng dẫn nhân dân và trao đổi nếu 2 bên không đồng tình là hợp đồng chuyển nhượng mà là hợp đồng cho thuê thì có thể khởi kiện ra tòa để giải quyết tiếp”.
Phóng viên tiếp tục “gõ cửa” UBND huyện Thanh Trì và nhận được thông tin huyện đã lập đoàn kiểm tra sự việc vào năm 2018. Đoàn kiểm tra đã phát hiện nhiều thiếu sót, sai phạm từ phía doanh nghiệp và chính quyền xã..
Cụ thể, biên bản hội nghị ngày 26,27,28 tháng 9 năm 2016 thống nhất về việc chuyển nhượng, giá chuyển nhượng đất nông nghiệp nhưng lại không có chữ ký của thành phần quan trọng nhất là các hộ dân xóm 1,2, 4.
UBND xã Vạn Phúc không nhận hồ sơ qua cơ chế “một cửa” trong việc chứng thực hợp đồng chuyển nhượng, không có phiếu yêu cầu công chứng, chứng thực, không có lời chứng, không có số chứng thực, không lưu trong sổ chứng thực.
Đoàn kiểm tra xác nhận, có 2 trường hợp chủ sử dụng đất đã chết vẫn ký hợp đồng; 89 trường hợp không công nhận chữ ký; 83 trường hợp không đầy đủ chữ ký thành viên hộ gia đình; Công ty Hoàng Hà không có tài liệu thể hiện sau khi ký hợp đồng chuyển nhượng đã trả công dân hợp đồng gốc.
Bất chấp những “lỗ hổng” như vậy ngay từ khâu chuyển nhượng quyền sử dụng đất, hàng loạt các sở ngành, địa phương của thành phố Hà Nội vẫn xem xét, hướng dẫn, tạo điều kiện, và vào năm 2010 chính thức cho phép Công ty Hoàng Hà thuê gần 5 héc-ta đất bãi Tân Bồi 3 để mở bãi chứa vật liệu xây dựng Vạn Phúc!?
Người dân được đoàn thanh tra UBND huyện Thanh Trì hướng dẫn có thể khởi kiện ra Tòa án nhân dân huyện theo Luật Tố tụng dân sự.
Mặc dù vậy, theo quan điểm của Luật sư Hải Lăng, Giám đốc công ty Luật Hồng Hạnh Vân Canh, vụ việc đã có dấu hiệu của các hành vi vi phạm Luật tố tụng hình sự.
“Các chứng thực này đều sai về trình tự thủ tục, không có đơn xin đề nghị chứng thực, không vào sổ chứng thực, không có lời chứng và nhiều sai phạm khác. Theo điều 41 của nghị định 75/2000/NĐCP, chỉ cần thiếu một trong các điều này thì chứng thực không có giá trị. Vậy mà công ty Hoàng Hà lại dựa vào tất cả các chứng thực không có giá trị đó lập dự án để lừa dối cơ quan chức , tìm cách chiếm đoạt diện tích 5 héc-ta đất nông nghiệp của bãi Tân Bồi 3 của 230 hộ dân. Giá trị rất lớn, số lượng người rất đông mà công ty Hoàng Hà vẫn làm được thì tôi cho rằng, đây là tội phạm có tổ chức và nguy hiểm cho xã hội”.
Về lý thuyết, người dân bãi Tân Bồi 3 được giao đất từ năm 1997 theo Nghị định 64 của Chính phủ. Đến năm 2017 đã hết hạn được giao đất và Nhà nước có quyền thu hồi đất nếu sử dụng không đúng mục đích.
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra: Vì sao các ban ngành, đoàn thể, chính quyền xã Vạn Phúc, đứng đầu là ông Nguyễn Văn Vụ - cố Chủ tịch UBND xã lại đồng lòng nhất trí và làm việc thần tốc, kể cả tổ chức các hội nghị không có người dân tham dự, thực hiện chứng thực không đúng quy định để giao đất cho công ty Hoàng Hà?
Tại sao phát sinh hợp đồng chuyển nhượng nhưng công ty Hoàng Hà không cung cấp 1 bản hợp đồng gốc cho người dân khi được yêu cầu? Dư luận có cơ sở nghi ngờ đây là những vi phạm nghiêm trọng có chủ đích, có tổ chức, hệ thống để qua mặt những nông dân cao tuổi, hiểu biết pháp luật hạn chế, nhằm “thâu tóm” 5 héc-ta đất nông nghiệp ở bãi Tân Bồi 3, xã Vạn Phúc.
Bà Nguyễn Thị Kim Thoa, có bố là ông Mão đã chết nhưng vẫn có chữ ký trong hợp đồng chuyển nhượng, tiết lộ một chi tiết đáng lưu ý: Ông Hoàng Văn Lâm, Tổng Giám đốc công ty TNHH Xây dựng công trình Hoàng Hà chính là công dân, người làng ở xã Vạn Phúc. Theo bà, ông Lâm và công ty này có cách hoạt động rất tinh vi, và liên kết rất chặt chẽ với chính quyền địa phương:
“Ông chủ công ty này là người dân ở đây. Dân làng mới tin tưởng. Khi gửi tiền thuê đất thì ông ấy không xuất hiện, chỉ cử cán bộ công ty. Đôi khi có cả họ hàng người ta cũng cho thuê. Nên thôi, giờ trồng ngô mà chuột phá thì thôi cho thuê rồi làm nghề khác. Không nghĩ là mọi chuyện ra cớ sự thế này. Xã khi phát hiện ra thì các cán bộ thời điểm đó nghỉ rồi, những người mới họ nói không biết, và mỗi người lại một lý do”.
SỰ IM LẶNG KỲ LẠ VÀ NIỀM TIN VÀO CÔNG LÝ
Vụ lùm xùm tranh chấp đất đai tại bãi Tân Bồi 3, xã Vạn Phúc, huyện Thanh Trì, Hà Nội đã diễn ra âm ỉ hàng thập kỷ qua. Nguyên nhân chính do các sai phạm không được ngăn chặn triệt để, một phần từ sự tắc trách của dàn cán bộ chính quyền địa phương, một phần do sự ngây thơ, kém hiểu biết pháp luật của người dân bị lợi dụng.
Chính quyền, cơ quan điều tra nói gì? Phản ứng của doanh nghiệp khiến bà con điêu đứng suốt những năm qua? Đã đến lúc nh bạch và giải quyết dứt điểm câu chuyện này.
Sau khi nhận được phản hồi các cơ quan chức năng, những người thực hiện chuyên mục Hành trình phóng viên tiếp tục gửi công văn tới công ty TNHH xây dựng công trình Hoàng Hà để xác nh thông tin, tìm hiểu hướng giải quyết tranh chấp.
Tuy nhiên, qua nhiều lần liên lạc bằng điện thoại, tới tận trụ sở tại công trường Vành đai 2,5, ông Hoàng Xuân Biên - Phó Tổng Giám đốc công ty này vẫn cáo… bận.
Được biết, công ty Hoàng Hà là chủ đầu tư nhiều dự án lớn tại Thủ đô Hà Nội như Khu đô thị Đại Kim, dự án BT vành đai 2,5, dự án án khu đô thị Dịch Vọng. Do đó, nhu cầu tập kết vật liệu xây dựng rất cao. Vị trí 5 héc-ta đất bãi Tân Bồi 3 lại rất tiện lợi cho đường bộ và đường sông. Điều này phần nào lý giải cho sự khao khát có được mảnh đất của công ty Hoàng Hà.
Trở lại chi tiết mấu chốt người dân xã Vạn Phúc khiếu nại, là cáo buộc công ty Hoàng Hà giả mạo chữ ký trong hợp đồng chuyển nhượng “tự vẽ”. Ông Nguyễn Văn Sinh, Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Phúc nêu quan điểm theo kiểu… nước đôi. Dù các hợp đồng được dàn lãnh đạo địa phương trước đó đã chứng thực:
“Chúng tôi đã trả lời nhân dân là nếu các bác không đồng tình chữ ký đó có thể khởi kiện ra tòa để cấp thẩm quyền vào rà soát kiểm tra chữ ký, còn đối với chức năng của xã không có bản chính vì không lưu nên xem hồ sơ chỉ là chữ ký photo thì không thể là biết được chữ ký như thế nào.
Đó cũng là hợp đồng giữa ông Lâm và các hộ dân. Ông Lâm đã khẳng định là chữ ký đúng, còn người dân nói chữ ký đó không đúng thì 2 bên có thể khởi kiện ra tòa”.
Ông Chử Sơn Hải, thôn 3, xã Vạn Phúc phản bác lập luận có chữ ký và hợp đồng chuyển nhượng. Ông và hàng trăm hộ dân chỉ ký hợp đồng cho thuê, rồi xã báo làm sổ đỏ mới, lúc ấy mới biết việc cho thuê bị “phù phép” thành chuyển nhượng:
“Tôi ký là ký 2 lần tiền cho thuê thôi. Bên A cầm một cái, bên B cầm một cái hợp đồng cho thuê. Sau khi dồn điền đổi thửa, xã bảo lấy sổ đỏ mới về, nhưng sổ đỏ thiếu đất tôi không lấy. Xã vẫn đang cầm sổ đỏ. Trong khi đấy, đã có một đợt mời dân ra có máy múc ra dọn để trả đất cho dân. Mà chả hiểu sao xã làm kiểu gì là mất đất luôn”.
Theo lá đơn gửi VOV Giao thông, sau khi được hướng dẫn của chính quyền các cấp, đại diện 230 hộ dân Tân Bồi 3 đã gõ cửa Tòa án nhân dân huyện Thanh Trì để kiện công ty TNHH xây dựng công trình Hoàng Hà. Tuy nhiên, Tòa án và các sở ngành phát hiện vụ việc có dấu hiệu hình sự, đã hướng dẫn bà con gửi đơn tố giác lên Công an huyện Thanh Trì, Công an Tp.Hà Nội.
Trao đổi với phóng viên, Thiếu tá Lê Thành Trung, Đội trưởng Đội Cảnh sát Kinh tế, Công an huyện Thanh Trì xác nhận, đã thụ lý đơn tố giác của người dân về việc công ty Hoàng Hà có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản thông qua việc thuê đất rồi tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất của các hộ dân:
“Cơ quan cũng tiếp nhận tin báo, phân công xử lý, có biên bản trao đổi để làm các bước quy trình để tiến hành điều tra theo luật tố tụng hình sự. Sau khi nhận được phản ánh của người dân, Công an huyện Thanh Trì cũng mời đại diện công ty Hoàng Hà đến để làm việc.
Hiện tại công ty Hoàng Hà đã cũng cấp được các tài liệu liên quan vụ việc và khẳng định không có các sự việc giả mạo chữ ký. Tuy nhiên cơ quan cảnh sát điều tra sẽ căn cứ tài liệu thu thập được của các bên cũng như cơ quan chức năng của nhà nước để có đánh giá rõ nét nhất về sự thật của vụ việc.
Sau đó chúng tôi sẽ trao đổi với VKS để đánh giá tài liệu vụ án và sẽ thông tin đến cơ quan báo chí khi có kết quả điều tra vụ việc”.
Trước sự im lặng kỳ lạ từ công ty TNHH xây dựng công trình Hoàng Hà, những động thái mới nhất từ phía cơ quan chức năng đã thắp lên hy vọng cho người dân bãi Tân Bồi 3.
Luật sư Hải Lăng, Giám đốc công ty Luật Hồng Hạnh Vân Canh khẳng định: "Để có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt đất của khoảng 230 hộ dân mà công ty Hoàng Hà làm được thì không phải 3 đầu 6 tay mà chắc chắn có sự giúp sức của một số lãnh đạo trong lĩnh vực tài nguyên môi trường, cán bộ xã, thôn. Cụ thể khi cơ quan cảnh sát điều tra vào làm việc thì sẽ lộ rõ dần.
Còn lại theo tôi, để làm giả chữ ký của 83 hộ dân mà người dân khẳng định không ký thì là giả mạo, mà chữ ký giả mạo thì công ty Hoàng Hà sẽ vi phạm điều 341 của bộ luật hình sự là làm giả giấy tờ tài liệu.
Vì giấy tờ hợp đồng mua bán này có đóng dấu của xã thì hoàn toàn có đủ dấu hiệu để cấu thành tội phạm. Như vậy, theo tôi nghĩ chính vì có một số sự hợp tác khá mật thiết thì công ty Hoàng Hà mới làm được. Mà cũng chính sự liên kết với nhau như vậy thì vụ việc mới kéo dài triền ên, đến nay là 18 năm, gần một thế hệ rồi."
18 năm, một hành trình nhiều chông gai, nguy hiểm, có lúc bị đe dọa, có lúc bị cô lập, nhưng chưa khi nào, 230 hộ dân Tân Bồi 3 hết hy vọng, niềm tin vào công lý. Họ không chỉ mong đòi lại công bằng cho bản thân, mà cả cho những người đã khuất, bị giả mạo chữ ký, bị lợi dụng danh dự.
Những sai phạm đã được chỉ rõ trong kết luận của thành tra UBND huyện Thanh Trì. Những dấu hiệu vi phạm hình sự đã được một số cơ quan chức năng nhận diện. Hy vọng rằng, vụ việc sẽ sớm kết thúc, trả lại sự yên bình vốn có cho vùng quê ven sông Hồng.
Theo Luật sư Hải Lăng, sự việc là bài học sâu sắc về công tác chính quyền trong việc thực hiện chính sách đất đai ở cơ sở. Sự lỏng lẻo, chủ quan, thiếu trách nhiệm, thiếu giám sát có thể dẫn tới thiệt hại lớn cho người dân. Đây cũng là một kinh nghiệm để công tác tuyên truyền pháp luật tới bà con được bài bản và hiệu quả hơn, để “dân biết, dân bàn, dân cùng làm, dân cùng kiểm tra”.
“Theo tôi, để khắc phục kẽ hở chỉ có điều duy nhất là phải phổ biến kiến thức đến người dân để họ hiểu và nắm vững quy trình thủ tục chứng thực như thế nào. Chứng thực phải có đơn đề nghị chứng thực, lời chứng thực, vào sổ lưu, công bố chứng thực đó là những bước cơ bản của chứng thực, người dân phải nắm được. Khi người ta nắm như vậy mà cán bộ không thực hiện đúng thì người ta sẽ biết ngay”
Đúng và sai trong câu chuyện tranh chấp đất đai ở Vạn Phúc, Thanh Trì sẽ sớm được cơ quan điều tra nh định. Và một khi đã xác định được nguyên nhân, bản chất sự việc, các cơ quan chức năng Hà Nội vẫn luôn có cơ hội để khắc phục những sai lầm, sai phạm (nếu xảy ra), để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân.