Trường hợp hết thời hạn trên mà cá nhân vẫn không thực hiện nghĩa vụ của mình thì có thể bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt bằng một số hình thức như: Khấu trừ một phần lương hoặc một phần thu nhập, khấu trừ tiền từ tài khoản của người vi phạm.
Kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt để bán đấu giá. Thu tiền, tài sản khác của người bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính do người khác đang giữ, trong trường hợp người vi phạm cố tình tẩu tán tài sản.
Lỗi chồng lỗi, tính lãi tiền phạt
Nhìn nhận ở góc độ pháp lý, Luật sư Trần Tuấn Anh, Giám đốc công ty luật Minh Bạch nêu quan điểm: “Khi bị cảnh sát giao thông phát hiện lỗi vi phạm và đề nghị kiểm tra mà anh không chấp hành, anh bỏ xe thì ở đây bị xem là hành vi chống đối hoặc không chấp hành hiệu lệnh hướng dẫn hay yêu cầu kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ. Người thực hiện hành vi này có thể bị phạt tiền từ 4 triệu đến 6 triệu đồng với cá nhân và từ 8 triệu đến 12 triệu với tổ chức.
Chính vì vậy nên người dân khi bị kiểm tra thì tốt nhất là nên phối hợp với các cơ quan, lực lượng chức năng chứ không thể có tâm lý, vì đi cái xe 1-2 triệu nên bị bắt về hành vi vượt đèn đỏ là chúng ta bỏ xe, không phối hợp với lực lượng chức năng, chúng ta bỏ đi. Tôi khẳng định đây là lỗi chồng lỗi, tức là thêm một hành vi vi phạm pháp luật nữa”.
Ngoài ra, theo Thông tư 24 năm 2023 của Bộ Công an, người vi phạm trật tự, an toàn giao thông mà không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, thì chưa được giải quyết đăng ký xe. Sau khi chấp hành xong quyết định xử phạt vi phạm, mới được đăng ký xe theo quy định.
Luật sư Trần Tuấn Anh cho biết thêm: "Trường hợp người bị xử lý vi phạm giao thông chưa có tiền nộp phạt thì sẽ bị tính lãi trên số tiền bị xử phạt. Đồng thời bị xem rằng chưa chấp hành nghiêm chỉnh các quyết định hành chính của nhà nước. Do vậy, khi đi thực hiện một giao dịch nào đó về lĩnh vực hành chính họ sẽ bị hạn chế quyền của mình".
Nâng mức phạt để tăng tính răn đe, bảo vệ người tham gia giao thông
Theo Nghị định 168, nhiều lỗi vi phạm giao thông sẽ bị tăng mạnh mức xử phạt từ ngày 1/1/2025. Cụ thể, tài xế ô tô tham gia giao thông vượt đèn đỏ sẽ bị phạt 18 - 20 triệu đồng. Mức phạt này cao gấp hơn 3 lần so với quy định hiện hành là 4-6 triệu đồng. Tài xế vi phạm nồng độ cồn ở mức 0,25-0,4 mg/lít khí thở hoặc 50 - 80 mg/100ml máu sẽ bị phạt 18-20 triệu đồng, tăng 2 triệu đồng.
Ngoài ra, một số hành vi như vận chuyển hàng trên xe không chằng buộc chắc chắn; cản trở, không chấp hành yêu cầu kiểm tra, kiểm soát của người thực thi công vụ; không chấp hành hiệu lệnh chỉ dẫn của người điều khiển giao thông... sẽ có mức phạt cao gấp từ 3 đến 30 lần so với hiện hành.
Theo Đại tá Phạm Quang Huy, Phó cục trưởng Cục CSGT (Bộ Công an), nâng mức xử lý vi phạm hành chính là để răn đe, giáo dục một bộ phận nhỏ người dân tham giao thông ý thức chưa tốt. Đồng thời khích lệ động viên và bảo vệ đại đa số người tham gia giao thông. Đã đến lúc phải thay đổi những thói quen xấu khi tham gia giao thông vì nó làm méo mó hình ảnh văn nh đô thị, hình ảnh của đất nước.
Đại tá Phạm Quang Huy cho biết: “Làm sao để giáo dục, răn đe và đánh vào những tồn tại từ rất lâu rồi các cơ quan chức năng đã tổ chức tuyên truyền, vận động và giáo dục nhưng chưa có sự thay đổi nhiều trong nhận thức của một số những người tham gia giao thông. Do đó, căn cứ vào những tình hình tai nạn giao thông, căn cứ vào thực trạng vi phạm như thế, chúng tôi thấy rằng cần phải triệt tiêu những nguyên nhân gây ra tai nạn để xử lý nghiêm, giải quyết những bức của xã hội trong thời gian gần đây”.
Được biết, ngay trong ngày đầu áp dụng Nghị định 168, lực lượng Cảnh sát giao thông các địa phương đã phát hiện xử lý hơn 13.500 trường hợp và phạt tiền gần 28 tỷ đồng vi phạm giao thông.