Lo hàng hóa tăng theo lương

Còn vài ngày nữa là đến ngày 1/7, thời hạn cải cách tiền lương. Bên cạnh việc háo hức chờ tăng lương thì một số người dân cũng lo ngại giá cả hàng hóa cũng sẽ “nối gót” tăng theo tiền lương.

 

Từ 1/7 tới lương cơ sở tăng từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng (tương đương 30%) cho tất cả cán bộ, công chức. Ngoài niềm vui lương tăng thì nhiều bà nội trợ lại tiếp tục lo giá cả sẽ còn tăng bởi tình trạng "té nước theo mưa"...

Ghi nhận tại các chợ, cửa hàng, đơn vị kinh doanh hàng hoá đầu năm đến nay giá của nhiều mặt hàng đã tăng mạnh, trong khi thu nhập vẫn chưa hồi phục vì kinh tế khó khăn đã tạo ra áp lực lớn đến kinh tế nhiều hộ gia đình.

Có mặt tại chợ Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang từ sáng sớm, bà Trương Thị Xưa cẩn thận lựa chọn thực phẩm cho gia đình. Vừa ngồi xuống lựa mớ cá đồng, bà Xưa cho biết, là lao động tự do nên nguồn thu nhập của bà chủ yếu nhờ vào mớ rau bán mỗi sáng. Ngày nào bán ít bà kiếm được cỡ một trăm rưỡi, hai trăm ngàn đồng. Ngày nào rau nhiều thì thu nhập khá hơn từ hai trăm đến ba trăm ngàn đồng. Tình hình kinh tế khó khăn, gia đình bà cũng như nhiều người nội trợ khác phải “liệu cơm gắp mắm”.

Người tiêu dùng lo ngại lương tăng, giá hàng hóa sẽ tăng theo. (Thanh Phê)

Trước chuyện tiền lương sắp tới sẽ tăng so với hiện tại, bà trăn trở, với những cán bộ, công chức thì đỡ, còn lao động tự do như bà thì nếu giá hàng hoá tăng theo lương sẽ khiến cuộc sống trở nên không “dễ thở”. Bà Xưa bộc bạch: Đồ nó mắc hơn, cái gì cũng lên giá hết. Lúc trước hà tiện một chút thì đủ còn bây giờ thì hơi thiếu. Gạo tiền đồ thì khoảng hai trăm, hai trăm rưỡi. Tệ gì ít thì cũng một trăm rưỡi là tệ dữ. Hồi qua Tết tới giờ cái gì cũng tăng hết á. Ở trong vườn, thí dụ mình kiếm hái cái này cái kia đồ được. Còn như mấy người không có vườn, rẫy đồ đó, ở ngoài lộ thì bắt buộc phải mua hàng ngày. Cũng phải lo chứ, mình không có lương, mình phải bươi, quào, kiếm cái này rau rác đồ mình kiếm thêm.

Nỗi lo của bà Xưa cũng là tâm trạng của bà Thị Kiều, ở thành phố Vị Thanh. Mấy ngày nay đi chợ, nghe mấy khách quen khoe sắp được tăng lương, bà mừng thầm cho họ, hy vọng sẽ bán được hàng hoá nhiều hơn. Bởi lẽ thường, khi thu nhập cao hơn, người ta sẽ chi tiêu nhiều hơn. Thế nhưng, nhìn xung quanh những bà con buôn gánh, bán bưng như mình, bà Kiều cũng khá lo lắng: Cũng không dễ gì đâu, bẻ rau cũng khó muốn chết. Đi kiếm bẻ bán một ngày được một trăm ngoài, hai trăm vậy đó. Bây giờ cái gì cũng mắc, cá cũng mắc hơn mọi lần luôn. Rồi sau đồ cũng mắc. Bây giờ mình nói hà tiện lắm đó, tiền ăn không cũng năm, sáu chục ngàn đó. Đó là hà tiện dữ lắm luôn đó. Càng ngày thì càng mắc rồi đó. 

Là tiểu thương kinh doanh thịt heo tại chợ Phường 3, thành phố Vị Thanh bà Nguyễn Thị Kim Thu cho biết, thời gian gần đây, nhiều khách hàng của bà đã bắt đầu thắt chặt chi tiêu trong gia đình. Theo bà Thu, nguyên nhân do giá một số mặt hàng đã rục rịch tăng hơn so với trước, phần vì kinh tế khó khăn nên nhiều tiểu thương như bà cũng buôn bán cầm chừng, lượng hàng vừa đủ.

Bà Kim Thu chia sẻ: Mức giá thì ổn định, bình thường, còn người dân thì mua cũng như hạn chế một chút vậy đó. Nhưng mà mình bán chậm hơn một chút. Người ta mua cũng ít ít, đủ ăn rồi thôi hà. Có ngày thứ 7 với chủ nhật thì người ta mua hơi nhiều một chút cho ngày thứ hai người ta đi làm. Có thu nhập mua nhiều, cán bộ cũng có nữa. Dân thì ít, người ta mua đủ cho gia đình người ta vậy đó. Người dân người ta mua rẻ rẻ, đủ ăn trong gia đình vậy đó. Thời điểm bây giờ người ta làm không ra tiền, người ta ăn hạn chế dữ lắm, ăn đủ hà, không có ăn dư. Ép người ta không có được.

Việc tăng lương là rất cần thiết, tăng thu nhập cho cán bộ, công nhân, viên chức, người lao động, tạo động lực thúc đẩy tăng năng suất lao động. Việc thực hiện chính sách cải cách tiền lương cũng cần thiết nhằm kích cầu, tăng tiêu dùng trong nước trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, nếu không có giải pháp hợp lý thì việc tăng lương sẽ khiến giá cả hàng hóa tăng theo. Bởi trước đây,sau những đợt điều chỉnh tiền lương đã xuất hiện tình trạng "té nước theo mưa", "nước nổi bèo nổi", thậm chí lương chưa kịp tăng giá cả đã đẩy lên.

Do đó, điều quan trọng là cần có các biện pháp kiểm soát tránh tình trạng "té nước" theo lương, giữ ổn định nền kinh tế. Tăng cường thanh tra kiểm tra quá trình niêm yết giá, trong đó kiểm tra yếu tố hình thành giá, không để tăng lương dẫn đến tình trạng tăng giá bất hợp lý làm mất đi ý nghĩa việc tăng lương, gây ảnh hưởng đời sống người lao động.

Nhất là phải kiểm tra kiểm soát, đặc biệt với các mặt hàng lương thực thực phẩm thiết yếu, niêm yết giá tại các chợ truyền thống. Chỉ khi giá cả hàng hóa được kiểm soát, nói cách khác, chỉ khi hạn chế được tình trạng "lương chưa tăng, giá đã tăng", "giá tăng theo lương" thì mục đích của việc tăng lương cho người lao động mới thật sự có ý nghĩa.