Liên kết với doanh nghiệp EU để tham gia vào chuỗi cung ứng

Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA) qua 3 năm thực thi đã mang lại nhiều kết quả nổi bật cho doanh nghiệp hai nước.

Tuy nhiên, còn nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa nắm bắt tốt cơ hội trong liên kết với các doanh nghiệp, đối tác từ EU để tận dụng thuế quan ưu đãi, tiếp cận nguồn nguyên liệu và công nghệ chất lượng, tham gia vào chuỗi cung ứng từ một khu vực kinh tế hàng đầu thế giới.

Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (VAFIE)

"Vấn đề là chúng ta phải nâng tầm doanh nghiệp Việt lên để tham gia vào chuỗi giá trị thông qua công nghiệp hỗ trợ và thông qua các liên kết làm ăn, hợp đồng hợp tác kinh doanh. Chúng ta phải làm sao doanh nghiệp xứng đáng làm được việc đấy. Phải nói rằng những năm gần đây công nghiệp hỗ trợ Việt Nam phát triển khá tốt về số lượng nhưng chất lượng chưa cao. Chúng ta tham gia vào chuỗi giá trị xuất khẩu và chuỗi giá trị hàng hóa của họ ở phân khúc công nghệ trung bình và thấp, chưa có phân khúc công nghệ cao", ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (VAFIE) chia sẻ tại Tọa đàm: “Liên kết với doanh nghiệp EU, tận dụng hiệu quả EVFTA" ngày 6/10.

Theo ông Toàn, các doanh nghiệp Việt Nam phải phát huy đổi mới sáng tạo, đầu tư công nghệ, chất xám, đầu tư vào con người mới có thể hợp tác với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài một cách bình đẳng. 

Dệt may là một trong những ngành được hưởng nhiều lợi ích từ Hiệp định EVFTA. Ảnh moit.gov.

Còn theo ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng, Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương, Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ xu thế dịch chuyển đầu tư của EU. Liên kết hợp tác chuyển giao công nghệ Việt Nam – EU có lợi ích hai chiều.

"Doanh nghiệp EU cũng rất quan tâm đến việc chia sẻ công nghệ hay nâng cao trình độ của các cán bộ, công nhân người Việt Nam để từ đó làm sao có lợi ích hai chiều. Đối tác Việt Nam có tiêu chuẩn tốt, tiêu chuẩn cao và có nhân lực tốt thì rõ ràng họ cũng được lợi", ông Khanh nhận định.

Theo ông Ngô Chung Khanh, chúng ta phải xác định làm với EU là làm chuẩn, bài bản, phải cùng một tư duy với họ, cùng một đẳng cấp với họ. Thứ hai cần chú ý đó là phải tương thích dần về các tiêu chuẩn kỹ thuật. Thứ ba, cần phải chú ý nâng cao trình độ quản trị và đặc biệt phải quan tâm đến phần truy xuất nguồn gốc, truy xuất xuất xứ. Thứ tư là quan tâm đến vấn đề sở hữu trí tuệ. Cuối cùng nhưng rất quan trọng đó là chúng ta phải quan tâm đến lao động và môi trường, phát triển bền vững. 

"Tôi nghĩ đó là 5 điểm mà doanh nghiệp Việt Nam cần chú ý và chúng ta làm được thì cơ hội để chúng ta tham gia vào chuỗi cung ứng EU trong thời gian tới sẽ rất mạnh",  ông Ngô Chung Khanh nhấn mạnh.

Tọa đàm: “Liên kết với doanh nghiệp EU, tận dụng hiệu quả EVFTA"

Nhìn nhận ở góc độ doanh nghiệp, ông Phan Minh Thông - Chủ tịch HĐQT Phúc Sinh Group chia sẻ, EU là khu vực đi đầu trong vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Khi làm với EU chúng ta rất cần quan tâm đến chất lượng, bởi vì chất lượng vào EU kiểm soát khá chặt chẽ và đấy là cũng là  thế mạnh của họ. Cho nên nếu hợp tác với họ thì có một thuận lợi là chúng ta có thể đi theo họ và có thể phát triển tốt so với phần còn lại của thế giới.

"Khi xuất được vào EU thì chúng ta có thể xuất được rất nhiều thị trường khác trên thế giới, ví dụ như Đài Loan hay thậm chí Hàn Quốc họ lấy tiêu chuẩn của EU. Thứ hai nữa EU cũng dẫn đầu về phát triển bền vững. Ví dụ như ESG bây giờ đã nâng cấp về phát triển bền vững, EU là một trong những nước họ đi đầu trong vấn đề ESG và phần còn lại trên thế giới đi theo EU. Máy móc của EU trong các vấn đề phát triển về thực phẩm khá tốt, hiện đại", ông Phan Minh Thông chia sẻ.