Lấp lỗ hổng né thuế thương mại điện tử xuyên biên giới (Bài 3): "Trái ngọt" của sự nỗ lực, đổi mới

Sau hơn 1 năm triển khai các giải pháp, ngành tài chính đã thu được những kết quả ra sao? Với tốc độ phát triển liên tục và nhanh chóng của hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới, liệu các công cụ thuế này có đang thực sự phát huy hiệu quả?

Tháng 4/2022, Kênh VOV Giao thông đã đăng tải loạt bài viết: Lấp “lỗ hổng” né thuế từ nền tảng xuyên biên giới, tìm hiểu về thực trạng, nhận diện những “lỗ hổng” thu thuế từ hoạt động này. Qua đó, ghi nhận những giải pháp đột phá đã được ngành tài chính triển khai nhằm chống thất thu ngân sách nhà nước, tạo môi trường bình đẳng trong kinh doanh.

Đến nay, sau hơn 1 năm triển khai các giải pháp, đặc biệt là Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài chính thức đưa vào hoạt động, ngành tài chính đã thu được những kết quả ra sao? Với tốc độ phát triển liên tục và nhanh chóng của hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới, liệu các công cụ thuế này có  đang thực sự phát huy hiệu quả?

Nội dung này sẽ được Kênh VOV Giao thông cập nhật qua phần 2 của loạt phóng sự: “Lấp lỗ hổng né thuế từ nền tảng xuyên biên giới”.

 

Sau hơn 1 năm chính thức đưa Cổng Thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài vào hoạt động, từ năm 2022 đến quý 1/2023, với số thu thuế từ các đơn vị này lên tới 5.200 tỷ đồng. Có thể thấy, việc đưa vào quản lý và tạo các kênh kê khai, nộp thuế thuận lợi cho các dịch vụ thương mại điện tử xuyên biên giới của Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan có hiệu quả “rõ rệt”.

Cung cấp những số liệu mới nhất với Kênh VOV Giao thông, bà Nguyễn Thị Kim Oanh, Trưởng phòng kê khai kế toán thuế và cơ sở dữ liệu doanh nghiệp lớn - Cục thuế doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) cho biết: "Từ khi Cổng thông tin điện tử hoạt động hiện đã có 52 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký, khai thuế và nộp thuế qua Cổng TTĐT đến từ nhiều quốc gia như Hoa Kỳ, Hà Lan; Hàn Quốc, Singapore, Hong Kong; Ireland; Lithuania; Thuỵ Sĩ; Úc.

Cùng với số thuế thu được đến nay là 5.200 tỷ đồng. Kết quả thu thuế này đã góp phần vào thành tích vượt thu NSNN năm 2022 của ngành tài chính và thuế".

Đáng nói, những thành quả này có được là nhờ sự chỉ đạo sát sao của Đảng ủy Bộ, lãnh đạo Bộ Tài chính.  Theo đó, việc ban hành Quyết định số 2146 về kế hoạch tổng thể thực hiện các giải pháp tại đề án “Quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử tại Việt Nam” của Bộ Tài chính được xem là căn cứ thực hiện công cụ quản lý thuế theo hướng hiện đại hóa áp dụng công nghệ và nâng cao tính tuân thủ của Nhà cung cấp nước ngoài.

Hơn 50 nhà cung cung cấp nước ngoài từ nhiều quốc gia trên thế giới đã đăng ký, khai thuế và nộp thuế.

 

Tuy nhiên, để đạt được kết quả này không phải điều dễ dàng, bởi Cổng Thông tin điện tử dành cho Nhà cung cấp nước ngoài là phương thức quản lý thuế mới đối với cơ quan thuế và cả với các nhà cung cấp.

Do đó, ngay trong giai đoạn đầu triển khai, ngành tài chính đã thực hiện nhiều hình thức, giải pháp như tuyên truyền, trao đổi trực tiếp các nhà cung cấp của nước ngoài như Meta (Facebook), Google, Apple… hoặc gián tiếp thông qua các đại sứ quán (có các nhà cung cấp nước ngoài lớn hoạt động tại Việt Nam).

Ông Nguyễn Lâm Thanh, đại diện Tiktok tại Việt Nam đánh giá: "Với cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài, thì với chúng tôi, những nhà cung cấp dịch vụ từ nước ngoài như chúng tôi có điều kiện để hoàn thành những nghĩa vụ đối với Nhà nước".

Cũng thông qua một số hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam và các đơn vị tư vấn thuế lớn như Ernst & Young, KPMG, PWC, Deloitte, cơ quan thuế đã trao đổi để hoàn thiện các giải pháp đăng ký thuế, khai thuế và nộp thuế tại Cổng đảm bảo các nhà cung cấp nước ngoài có thể dễ dàng thực hiện. …

Bà Hương Vũ, Tổng giám đốc E&Y Consulting nói: "Cổng Thông tin điện tử khá là thành công, vì các nhà cung cấp nước ngoài đã tiến hành đăng ký và kê khai thuế, và đến bây giờ chúng ta có thể khẳng định chúng ta là 1 trong 4 nước trong Đông Nam Á đã thành công trong vấn đề là dành quyền chủ động trong việc quản lý đối với các nhà cung cấp nước ngoài".

Rõ ràng, không chỉ góp phần vượt thu ngân sách nhà nước năm 2022, với phương thức thu thuế mới này, Việt Nam đã trở thành 1 trong 4 quốc gia đầu tiên ở Khu vực ASEAN khẳng định chủ quyền đánh thuế của Quốc gia đối với tổ chức, cá nhân ở nước ngoài có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử xuyên biên giới.

Đây là thành quả của việc dám “tiên phong”, dám “đổi mới” của ngành tài chính như nhấn mạnh của GS. TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội Việt Nam: "Việt Nam là quốc gia khá tiên phong, nắm bắt được những công nghệ quản lý mới để chúng ta áp dụng vào trong bối cảnh cả thế giới đang làm. Nhờ nền tảng chuyển đổi số trong quản lý thuế, khi những hoạt động giao dịch không còn là vật lý, cơ học bình thường nữa mà đã chuyển sang môi trường mạng thì công cụ quản lý thuế cũng phải thay đổi để thích nghi. Tôi cho rằng quá trình này được ngành thuế thực hiện khá nhanh, đó là nền tảng rất quan trọng".

Việt Nam đã trở thành 1 trong 4 quốc gia đầu tiên ở Khu vực ASEAN khẳng định chủ quyền đánh thuế của Quốc gia đối với tổ chức, cá nhân ở nước ngoài có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử xuyên biên giới.

Không thể phủ nhận, những con số “biết nói” là thành quả của sự tiên phong, đổi mới, hiện đại hoá phù hợp với đặc tính của thương mại điện tử gắn với công nghệ và môi trường internet, song cũng cần khẳng định, đó còn là kết quả từ sự đồng bộ các giải pháp được ngành tài chính quyết liệt chỉ đạo thời gian qua.

Bà Nguyễn Thị Cúc, Hiệp hội tư vấn Thuế cho biết: "Chúng ta đã có kết quả rất là cụ thể là hàng triệu triệu đô la Mỹ thu thuế, tức là giải pháp đầu tiên đã có hiệu quả. Bên cạnh đó số lượng những nhà cung cấp nước ngoài - những ông lớn kê khai thuế qua Cổng thông tin điện tử của cơ quan thuế ngày càng lớn hơn qua mỗi ngày. Đấy cũng là những thể hiện hiệu quả đầu tiên. Giải pháp này cùng với tăng cường cái biện pháp thanh tra rồi tăng cường về công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế, phối hợp với các bộ ngành liên quan đã tạo nên hiệu quả".

Đáng nói, sự rốt ráo triển khai, đổi mới phương thức, quyết tâm thu ngân sách nhà nước đang dần hình thành với thái độ tích cực, chủ động, làm thật. Vệt dầu mang tên “ chống thất thu ngân sách” cũng loang dần vào các đơn vị của từng Cục thuế, đặc biệt là những tỉnh, thành phố có lượng giao dịch lớn như TP.Hà Nội, TP.HCM, tạo nên một khí thế mới.

Ghi nhận tại Cục thuế TP. Hà Nội, hơn 1 năm qua, bám sát chỉ đạo từ Bộ Tài chính, cơ quan này cũng đã quyết liệt triển khai nhiều giải pháp, trong đó tiếp tục rà soát người nộp thuế có hoạt động đăng tải sản phẩm, nội dung thông tin số trên các nền tảng nước ngoài như Google, Facebook….

Ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội chia sẻ: "Hoạt động thương mại điện tử thời gian qua phát triển mạnh mẽ, đa dạng, Cục thuế Hà Nội đã triển khai các hoạt động, đặc biệt là chúng tôi quan tâm đến tuyên truyền. Bên cạnh đó, Cục thuế cũng phối hợp với các cơ quan hữu quan, với các bên thứ 3 trung gian cũng như các sàn, nắm bắt thông tin".

Kết quả, hiện có gần 650 cá nhân và 20 tổ chức đang được Cục thuế Hà Nội quản lý, với số thu từ đầu năm 2022 đến hết quý 1/2023 là 306 tỷ đồng. Không chỉ riêng Hà Nội, một số Cục Thuế có số thu lớn phải kể đến như: Cục Thuế TP.HCM hay  Cục Thuế Đà Nẵng.

Kết quả thu thuế đã góp phần vào thành tích vượt thu NSNN năm 2022 của ngành tài chính và thuế.

Số thuế thu tăng theo từng năm, đặc biệt tăng mạnh trong năm 2022 cho thấy, ngành thuế đang dần siết chặt quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới. Tuy nhiên, để các nhà cung cấp nước ngoài thực hiện tốt hơn pháp luật thuế của Việt Nam, bà Nguyễn Thị Kim Oanh, Trưởng phòng kê khai kế toán thuế và cơ sở dữ liệu doanh nghiệp lớn - Cục thuế doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế cho biết, Bộ Tài chính vẫn đang tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp: 

"Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo cơ quan thuế thực hiện rà soát số liệu kê khai của các NCCNN và tổ chức Việt Nam khai thay, nộp thay NCCNN, đồng thời phối hợp các cơ quan quản lý nhà nước cũng như yêu cầu các NHTM, tổ chức trung gian thanh toán cung cấp dữ liệu thanh toán tiền vào tài khoản của các NCCNN để phát hiện các NCCNN chưa thực hiện nghĩa vụ thuế và áp dụng các biện pháp quản lý thuế theo quy định".

Thế nhưng, sự phát triển nhanh chóng, bùng nổ cùng nhiều hình thức mới đặt ra thách thức với cơ quan thuế để đuổi kịp tốc độ phát triển của hoạt động này.

Cần những giải pháp gì để tiếp tục siết “chảy máu” doanh thu sang các nhà cung cấp nước ngoài? Bài học kinh nghiệm quốc tế và giải pháp nào cho Việt Nam để chống thất thu thuế trong lĩnh vực này?

Câu trả lời sẽ được giải đáp trong bài 4: Công nghệ, cánh cửa chống thất thu ngân sách.