Làm nông thời chuyển đổi số (Bài 3): Để nông dân làm giàu

Chuyển đổi số đang được áp dụng ngày càng nhiều trong sản xuất nông nghiệp tại ĐBSCL với những mô hình mới, thiết thực, hiệu quả, giúp cho nông dân vùng châu thổ Cửu Long cơ hội làm giàu trên mảnh ruộng của mình.

Hiện nay, chuyển đổi số trong nông nghiệp đã và đang được nhiều nông dân thực hiện, đem lại hiệu quả tích cực trong thời gian qua.

Trong đó, người nông dân sẽ áp dụng những công nghệ, mô hình, cách làm mới và quản lý qua phần mềm, từ đó tối ưu hóa trong quá trình canh tác, giảm được lượng nước, phân bón, nhân công…

Nông nghiệp từ lâu được xem là thế mạnh của ĐBSCL. Thời gian qua, dù đạt nhiều kết quả khả quan, thế nhưng, trên thực tế, đời sống nông dân vùng này vẫn còn khó khăn, chưa thể làm giàu từ nông nghiệp. Làm sao để tăng lợi nhuận cho nông dân? - Vấn đề không mới nhưng chưa bao giờ là cũ, nhất là trong giai đoạn hiện nay.

Mặc dù thời gian qua, từ trung ương đến địa phương đã có nhiều chính sách hỗ trợ người dân, thế nhưng, tình hình vẫn chưa được cải thiện nhiều. Phần lớn lợi nhuận nông sản rơi vào túi các trung gian thay vì nông dân, cứ ít lâu lại xảy ra tình trạng giải cứu nông sản.

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Võ Tòng Xuân, sở dĩ nông dân mình còn nghèo là do 50% nông dân họ không chịu thay đổi về tư duy trong sản xuất nông nghiệp để bắt kịp xu hướng kinh tế: Khó khăn nhất của nông nghiệp nước ta hiện tại là đầu ra. Không có đầu ra ổn định, người nông dân luôn luôn bị bấp bênh. Họ cũng không dám quyết định nhiều theo kế hoạch Nhà nước, mà họ quyết định bắt chước theo những người xung quanh, thấy họ trồng gì thì mình trồng nấy. Một vấn đề nữa là giữa người nông dân và doanh nghiệp không có gắn kết với nhau một cách rất là thuận lợi. Có lúc thì đã hợp đồng giá đó rồi, khi thu hoạch, giá rẻ hơn thì doanh nghiệp bỏ của chạy lấy người.

Trong đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, cánh đồng của người nông dân sẽ được áp dụng nhiều cách làm mới hiện đại, nâng cao năng suất

GS Võ Tòng Xuân cho rằng, trước những rủi ro và bấp bênh như thế, người nông dân ngày nay cần phải thay đổi tư duy, cần áp dụng khoa học công nghệ trong canh tác để đem lại hiệu quả cao hơn.

Ông Nguyễn Văn Huỳnh, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp thanh niên Phú Hòa, xã Tân Hội, huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang cho biết, “đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao” vừa được thực hiện thời gian qua trên diện tích 50ha của hợp tác xã giúp người nông dân yên tâm hơn trước khắc nghiệt khí hậu. So với cách làm truyền thống, trong đề án này, diện tích lúa canh tác được áp dụng những khoa học công nghệ tiên tiến và vận hành thông qua chiếc điện thoại thông nh, giúp người nông dân giảm chi phí phân bón, cây giống, kiểm soát được mực nước luôn ổn định và đặc biệt là góp phần bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính:

“Muốn đem lại năng suất cao và nâng cao chất lượng hạt gạo thì người nông dân phải học hỏi quy trình canh tác lúa theo ngành chuyên môn. Áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật như máy bay phun thuốc, máy sạ hàng, máy sạ bụi… sẽ giúp lúa của nông dân khi sạ sẽ thưa hơn; hạn chế phun thuốc bảo vệ thực vật trong khi không cần thiết giảm được chi phí, tăng lợi nhuận, tăng năng suất bán được lúa chất lượng cao. Hiện nay khi làm được quy trình này sẽ bảo vệ được môi trường.

Ngoài ra, hiện nay người nông dân chỉ cần thông qua chiếc điện thoại thông nh, dù ở bất cứ đâu thì mình cũng có thể bao quát được trên cánh đồng có nước hay thiếu nước, thời tiết gió ra sao, có rầy có sâu như thế nào, lúc đó sẽ thông báo cho bà con trên mức báo động hoặc dưới mức báo động và khuyến cáo bà con có cần phun thuốc hay không”.

Cảm ứng mực nước ruộng thông nh là một trong những thiết bị hiện đại được nông dân áp dụng trên cánh đồng trong đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao

Nhớ về thời điểm nắng hạn kéo dài đầu năm 2024, không ít người nông dân ngao ngán bởi tình trạng thiếu nước và xâm nhập mặn, gây ảnh hưởng đến năng suất, thiệt hại cây trồng. Vùng Khóm Tắc Cậu, thuộc xã Bình An, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang cũng nằm trong danh sách những nơi bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, người nông dân nơi này đã biết cách vượt qua khó khăn nhờ áp dụng những mô hình khoa học.

Ông Dư Văn Thái, một nông dân tại đây cho biết, để thích ứng với biến đổi khí hậu và giúp trái khóm an toàn thoát khỏi những tháng dài nắng hạn, người dân tại đây đã xây dựng trồng đa canh 3 cây khóm – cau – dừa để các loại cây này che bóng mát, bổ trợ cho nhau. Bên cạnh đó, người nông dân còn áp dụng mô hình tưới tiết kiệm tự động nhằm giải quyết triệt để vấn đề thiếu nước, tăng cao năng suất trong canh tác: 

“Từ khi có hệ thống tưới đã tiết kiệm được công sức đi tưới, rồi tưới thường xuyên và chủ động hơn, đầy đủ nước luôn, không sợ thiếu nước mùa hạn, mùa hạn cảm thấy thiếu nước là mình tưới liền. Đủ nước thì những cây sẽ tốt hơn và năng suất cao hơn, trái khóm chất lượng ngon hơn nữa. Trước đây lúc còn thiếu nước thì trái khóm sẽ bị teo lại, xốp; trái cau cũng vậy, khi đủ nước ruột trái cau sẽ lớn và màu đẹp hơn. Rõ ràng khi có hệ thống này thì thuận tiện hơn, đem lại nhiều lợi ích hơn, hiệu quả kinh tế cũng cao hơn”.

Ông Hoàng Văn Hợi - Giám đốc Công ty TNHH MTV Dịch vụ và Công nghệ Nuôi trồng Thủy sản đánh giá, biến đổi khí hậu hiện nay diễn biến ngày một khó lường, tần suất các cơn bão lớn nhỏ xuất hiện ngày một nhiều hơn, gây ảnh hưởng và thiệt hại rất lớn đến nghề nuôi trồng Thủy sản của Việt Nam. Bởi nghề nuôi biển trong nước hiện nay phần lớn hoạt động theo phạm vi nhỏ, tự phát và còn sử dụng những công nghệ lạc hậu khiến không thể thích ứng qua mỗi cơn bão. Bên cạnh đó là vấn đề ô nhiễm môi trường và đặc biệt là khó có thể mở rộng quy mô song song phát triển du lịch trong tương lai:

“Bà con, những người nông dân hãy nắm bắt lấy hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ thông nh tại một số nơi, một số mô hình, một số tỉnh. Từ đó tư duy để chuyển đổi, đem lại hiệu quả về kinh tế và nâng cao năng suất sản lượng, nâng cao giá trị. Đặc biệt hiện nay trong bối cảnh hội nhập thì hàng hóa bán ra và xuất khẩu đi các nước sẽ đòi hỏi về truy xuất nguồn gốc thì việc chúng ta áp dụng công nghệ thông nh còn giúp cho bà con trong thương mại hóa và nâng cao giá trị của sản phẩm nuôi trồng.”

Người dân nuôi biển khi chuyển đổi từ lồng bè gỗ truyền thống sang lồng nhựa HDPE sẽ giúp nâng cao năng suất và đặc biệt không còn sợ những cơn bão lớn nhỏ

Theo ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vấn đề biến đổi khí hậu đối với ngành nông nghiệp luôn được cả hệ thống chính trị quan tâm trong thời gian qua. Nhiều giải pháp, công trình, phi công trình để thích ứng biến đổi khí hậu được thực hiện trên phạm vi cả nước giúp người dân ổn định trong quá trình canh tác. Tuy nhiên, để tăng năng suất và đem lại hiệu quả cao thì trong tương lai người nông dân cần chuyển đổi số, áp dụng khoa học công nghệ, qua đó xây dựng một ngành nông nghiệp phát triển bền vững: 

“Chúng ta đã có những kế hoạch thích ứng biến đổi khí hậu cho từng vùng trong cả nước và những kế hoạch đó đã được triển khai đến các địa phương. Chúng ta cũng đã có những giải pháp như: bản đồ rủi ro khí hậu và kế hoạch thích ứng, bản tin thời tiết nông vụ đã được số hóa, công cụ theo dõi sản xuất RiceMo…Cục Trồng trọt Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và các đơn vị khác của Bộ cũng đã có những giải pháp để truyền đạt đến các cơ quan chuyên môn từng địa phương và đến bà con nông dân.

Riêng về phía người dân, thứ nhất là phải tuân thủ theo những khuyến cáo của các cơ quan chuyên môn. Bởi vì người ta đã căn cứ vào tình hình khí tượng thủy văn, căn cứ vào trong các yếu tố biến đổi khí hậu hàng năm để họ có thể khuyến cáo được về mùa vụ, về cơ cấu cây trồng, về cách vận hành các hệ thống công trình ở trong nội đồng để đáp ứng cho nhu cầu sản xuất; thì việc tuân thủ đó sẽ góp phần giúp cho chúng ta có thể thích ứng được trong quy mô cộng đồng tốt hơn”.

Công trình cống Cái Lớn đã được đầu tư xây dựng nhằm giúp người nông dân chống chọi lại biến đổi khí hậu khắc nghiệt

Chuyển đổi số, áp dụng khoa học công nghệ là “chìa khóa” mở ra cánh cửa đưa ngành nông nghiệp Việt Nam phát triển hiện đại, xanh và bền vững trước những tác động bên ngoài. Trong “bức tranh” đó người nông dân đóng vai trò nồng cốt, là yếu tố quan trọng thành, bại trên chặng đường này.

Thế nên, người nông dân ngày nay cần “chuyển mình” mạnh mẽ, thay đổi tư duy phù hợp trong canh tác để đem lại hiệu quả cao về kinh tế, qua đó góp phần đưa ngành nông nghiệp Việt Nam thay “màu áo” mới.