Làm nông thời chuyển đổi số (Bài 2): Làng số

Chuyển đổi số đã và đang len lỏi vào từng ngõ ngách cuộc sống. Từ chuyện làm nông đến mua, bán giờ cũng được tiện lợi hơn rất nhiều. Nhiều người nói vui rằng, mọi thứ giờ chỉ nằm gói gọn trong chiếc điện thoại thông minh, muốn làm gì, mua gì cũng chỉ cần vài thao tác là xong.

Nông nghiệp và thương mại điện tử là ngành thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ trong thời gian qua. Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số vào thực tiễn sản xuất, mua bán vừa nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm mà còn giúp nông sản vươn xa, giải quyết được bài toán thừa hàng dội chợ mỗi vụ thu hoạch.

Cô gái trẻ Trần Mai Ril ở huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau đã vận dụng sức mạnh của các ứng dụng số, mạng xã hội để quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp của mình.

Với nick name “Cô Nấm”, Mai Ril đã cung cấp số lượng lớn nấm bào ngư, nấm sò, nấm mối đen, nấm linh chi…cho khách hàng gần xa. Ngoài bán nấm thương phẩm, Mai Ril còn bán phôi nấm và hướng dẫn kỹ thuật cho những ai có nhu cầu. Mỗi tháng, Mai Ril có thu nhập từ cây nấm từ 20 - 40 triệu đồng. 

Mai Ril, chia sẻ: Trồng nấm thương phẩm, nấm tươi thì chỉ bán trong vòng địa phương mình thôi chứ không vận chuyển đi xa được. Còn em bán online thì em bán những cái phôi nấm, xuất đi xa, bán toàn quốc được thì lượng khách hàng lớn, khỏe hơn so với mình trồng.

HTX Kỳ Như là một trong những đơn vị tiên phong đưa công nghệ vào áp dụng trong quy trình sản xuất, phân phối sản phẩm (Ảnh: Thanh Phê)

Còn tại huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, HTX Kỳ Như là một trong những đơn vị tiên phong đưa công nghệ vào áp dụng trong quy trình sản xuất, phân phối sản phẩm. HTX hiện có 28 thành viên, trung bình mỗi tháng cung ứng cho thị trường từ 30-35 tấn cá thát lát nguyên liệu. Nhờ áp dụng máy móc, khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên sản phẩm làm ra vừa đạt tiêu chuẩn an toàn vừa được lòng người tiêu dùng. 

Bà Nguyễn Kim Thùy, Giám đốc HTX Kỳ Như, cho hay: Thời gian qua, HTX Kỳ Như cũng đã áp dụng công nghệ ví dụ như: Quản lý vùng trồng, mình quản lý trên máy vi tính, thành ra khi áp dụng thấy hiệu quả cũng nâng lên đáng kể. Ở đây mình cũng áp dụng truy xuất nguồn gốc, hiện vùng nuôi ở Phong Điền của chị, chị cũng gắn một máy vi tính ở đó, một người nuôi cũng biết, thành thạo máy vi tính để khi ngày đó mình mình ăn thức ăn bao nhiêu, cá như thế nào thì ở bên đây mình vẫn theo dõi được.        

Cùng chung hướng đi này, chị Nguyễn Thị Chi, Chủ cơ sở khô Liêm Chi ở huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp chia sẻ, hiện tại, cơ sở của chị livestream trên các nền tảng mạng xã hội, nhất là tiktok là kênh bán hàng chính của chị, ngoài phương thức bán hàng truyền thống trước đây: "Hồi xưa, thì không biết bán trên các nền tảng online, như: Facebook, zalo…, tại mình không biết cách đăng bài, rồi không biết cách quay video. Lâu lâu mình mới đăng 1 video thì không có khách.

Nhưng hiện tại, qua các lớp tập huấn được hướng dẫn thì mình đã biết cách để làm thế nào bán được hàng trên các nền tảng như Facebook, zalo và đặc biệt trên tiktok. Mình bán được nhiều hơn so với trước. Bây giờ, mặt hàng khô của mình bán được khắp nơi, đi xa như Hà Nội, Bắc Kạn, Bắc Giang, Lạng Sơn".

Với công nghệ số, việc kinh doanh phẳng hơn bao giờ hết, quan trọng là chớp thời cơ và chịu đổi mới. Tiến sĩ Bùi Văn Thời, Giảng viên Trường Đại học Nguyễn Tất Thành (TP.HCM) cho biết: Theo xu hướng hiện nay thì kinh doanh về thương mại điện tử, đang phát triển rất là mạnh và cái tốc độ phát triển rất là lớn. Các sàn thương mại điện tử khi mình đăng ký thì người ta sẽ đào tạo kỹ năng đó cho mình. Những cái siêu thị hiện nay người ta bán trực tiếp và bán online luôn, bây giờ, tiểu thương bán theo hình thức online nữa thì cực kỳ tốt. Lưu ý là mình phải tuân thủ về các cái vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, hàng hóa bán ra phải chuẩn mực thì lúc đó mới đẩy mạnh được. Chỉ cần một vài tiểu thương không chuẩn mực trong vấn đề cung cấp các sản phẩm, dịch vụ khách hàng mà bị phản ánh thì nó sẽ lan tỏa ra, đồn ra thì sẽ rất là nguy hiểm, ảnh hưởng đến các tiểu thương khác.

Với sự phát triển nhanh chóng của mạng xã hội, có nhiều vấn đề cần bàn luận về việc quản lý sự phát triển này để đảm bảo những quy định hiện hành. Nhưng nếu xét ở góc độ kinh tế thì rõ ràng, đã đến lúc người nông dân không chỉ tập trung vào quá trình canh tác mà còn có thể tự mình tìm hướng ra cho nông sản quê nhà qua các sàn thương mại điện tử cũng như các nền tảng mạng xã hội đang thu hút lượng lớn người dùng.

Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu, góp phần tạo ra nhiều “giá trị mới”. Chính sự thích nghi nhanh chóng của các thành phần kinh tế trong kinh doanh, mua bán đã tạo làn gió mới thúc đẩy lĩnh vực thương mại - dịch vụ phát triển.