Temu - phiên bản quốc tế của Pinduoduo, nền tảng thương mại điện tử lớn thứ 2 Trung Quốc đã xuất hiện và đang “làm mưa làm gió” tại thị trường trong nước. Trước đó, nhiều sản phẩm xuất xứ từ Trung Quốc với giá rẻ cũng tràn ngập trên các sàn thương mại điện tử, tiếp cận dễ dàng với người tiêu dùng Việt Nam.
Chị Nguyễn Thu Trà (34 tuổi ở quận Ba Đình, Hà Nội) sau một thời gian tìm tòi cách mua hàng online, chị thường xuyên mua hàng trên sàn thương mại điện tử Taobao và gần đây thêm Temu. Quần áo trẻ em, đồ dùng gia đình, đồ tiện ích với giá từ vài chục tới vài trăm nghìn là mặt hàng được chị nhắm tới:
"Ngày trước khi thương mại điện tử chưa nở rộ, mình cũng khá vất vả trong việc đặt đồ từ Trung Quốc về. Sau này tự mày mò cách để đặt hàng trên các sàn thương mại điện tử từ Trung Quốc thấy khá tiện. Việc đổi trả hàng hoặc hoàn hàng họ cũng làm khá tốt, chăm sóc khách hàng dù đơn không phải lớn".
Còn chị Thu Trang là nhân viên văn phòng tại Hà Nội cũng thường mua hàng nội địa trung, chủ yếu là Shopee. Chỉ cần lên sàn thương mại điện tử gõ đồ cần tìm là một loạt danh sách các hãng từ Trung Quốc, Việt Nam, Châu Âu để lựa chọn đồ. Chị Trang cho biết gần đây chị hướng tới hàng Trung Quốc bởi mẫu mã và giá cả hợp túi tiền:
"Do mẫu mã của họ đẹp và giá rẻ nên mình thích mua hàng của Trung Quốc. Chưa kể người Việt Nam mình cũng nhập hàng Quảng Châu về bán rất nhiều nơi. Hiện nay, người tiêu dùng của mình cũng muốn mua trực tiếp từ kênh thương mại điện tử của Trung Quốc này để không phải qua trung gian".
Có thể nói, thương mại điện tử tại Việt Nam trong những năm gần đây phát triển mạnh mẽ, đóng góp rất lớn cho nền kinh tế số. Qua kênh đó, người tiêu dùng có nhiều cơ hội lựa chọn hàng hoá đa dạng mẫu mã, giá rẻ, dịch vụ tốt và chất lượng phù hợp nhu cầu. Đó cũng là thách thức lớn với doanh nghiệp sản xuất trong nước khi cạnh tranh với đối thủ mà tiềm lực chưa cân sức.
Chị Ngọc Phương – chủ một cửa hàng thời trang thiết kế cho rằng kinh doanh vốn đã khó khi cùng cạnh tranh với hàng nội, giờ thêm cả hàng Trung Quốc vào nội địa khiến càng thêm khó:
"Bản thân tôi là người làm hàng thiết kế thời trang nên thực sự thời gian gần đây với việc thương mại điện tử nở rộ và người tiêu dùng có thể tiếp cận những sản phẩm may mặc từ thị trường nước ngoài, đặc biệt là từ trung quốc một cách dễ dàng hơn cũng khiến chúng tôi phải suy nghĩ về việc cạnh tranh thế nào với hàng giá rẻ. Với đồ thời trang nhiều người sẽ có suy nghĩ là mua hàng rẻ và mặc một mùa là có thể loại bỏ nên đó cũng là thách thức với chúng tôi khi muốn hướng tới tiêu dùng bền vững".
Ông Phạm Quang Anh, CEO Công ty May mặc Dony cho rằng, hàng may mặc của Trung Quốc bán vào Việt Nam với giá rẻ, vì họ sản xuất với số lượng, quy mô lớn, nguồn nguyên phụ liệu có sẵn với giá rất tốt và các chính sách vay vốn sản xuất của họ lãi suất thấp…
Cho nên cạnh tranh với hàng Trung Quốc thì doanh nghiệp trong nước phải đổi mới công nghệ, nâng cao hiệu quả sản xuất, liên tục cải tiến mẫu mã theo thị hiếu… để có sản phẩm chất lượng, giá tốt:
"Chúng ta phải hỗ trợ doanh nghiệp nội địa nâng cao sức cạnh tranh. Chúng ta phải có hàng rào kỹ thuật để doanh nghiệp nội địa có kịp thời gian để đủ sức cạnh tranh với hàng hóa nước ngoài. Đó là các chính sách như: thuế, lãi suất vay ngân hàng để sản xuất, đầu tư công nghệ… và các chính sách khác".
Trước sự xuất hiện của các sản phẩm giá rẻ trên sàn thương mại điện tử, đặc biệt là Temu bán hàng rầm rộ ở thị trường Việt Nam, doanh nghiệp Việt cần làm gì để tăng tính cạnh tranh ngay trên sân nhà? Cơ quan chức năng có biện pháp gì để hỗ trợ doanh nghiệp cũng như bảo vệ người tiêu dùng? Nội dung này sẽ được đề cập trong bài viết tiếp theo.