Lạm dụng mạng xã hội để vi phạm pháp luật: đừng để thành trào lưu

Dù đã được cảnh báo nhưng một số trường hợp vẫn sử dụng mạng xã hội thiếu “kiểm soát” dẫn đến những hành vi vi phạm pháp luật, ảnh hưởng chính mình và cộng đồng.

Ngoài giờ hành chính làm việc ở công ty, chị Hồ Mỹ Lộc, 30 tuổi, ở Vĩnh Long, tranh thủ làm thêm các công việc thời vụ để đảm bảo thu nhập. Không có nhiều thời gian gặp mặt trực tiếp nên chị chọn mạng xã hội làm phương tiện tương tác và kết nối với bạn bè.

Dẫu mỗi ngày chỉ dành khoảng 40p lướt Facebook, Tiktok nhưng chị vẫn không tránh khỏi những cảm xúc không mong muốn vì những nội dung nhạy cảm, tiêu cực: Tự nhiên mình lướt qua, mình thấy mấy cái clip đó, mình cảm thấy mạng xã hội mình bị dơ luôn. Tại vì chửi bới rồi nhiều người nhào vào chửi luôn. Người ta cũng không biết vấn đề gì cũng vào chửi theo, chỉ là nghe một phía thôi là nhào vào chửi, chửi tung beng ở trên mạng xã hội vậy đó. Người thì livestream, người thì comment, đọc những comment đó cảm thấy rất là sợ luôn. Dùng những cái từ tục tục tiểu người ta chửi, mình cảm thấy mình rất là sợ.

Tương tự, chị Lý Hồng Minh, một nhân viên văn phòng đang làm việc trên địa bàn tỉnh Tiền Giang. Sau giờ làm việc, chị thường xuyên sử dụng tiktok để giải trí, học thêm các kỹ năng và mua hàng. Thế nhưng thời gian gần đây, chị cảm thấy mệt mỏi khi không gian mạng của mình bị ảnh hưởng bới quá nhiều video, livestream chia sẻ những câu chuyện tiêu cực.

Dù đã chọn chế độ hạn chế nội dung thế nhưng với sự chia sẻ chóng mặt của người dùng, chị vẫn bị làm phiền bởi những câu chuyện cá nhân, ngoài phạm vi quan tâm: Khi thấy mấy thông tin xuất hiện nhiều như vậy, tâm trạng mình cũng bị bực bội luôn. Hiện tại có một drama của Nam Em nè. Lướt Tiktok bình thường cũng like những trang dạy kiến thức này kia nhưng thông tin đó xuất hiện nhiều quá thì những thông tin mình cần mất hết, chỉ hiện lên những thông tin tiêu cực. Quạo trong người luôn.

Nội dung chị Hồng Minh đề cập là một trong số những vụ việc “dậy sóng” cộng đồng mạng thời gian qua. Cụ thể, bà Nguyễn Thị Lệ Nam Em (Hoa khôi, người mẫu, ca sĩ Nam Em) liên tiếp tổ chức livestream trên các tài khoản mạng xã hội. Những phát ngôn gây tranh cãi của Hoa khôi Nam Em đã gây ồn ào, và nhiều luồng ý kiến trái chiều trên nền tảng mạng xã hội.

Hoa khôi Nam Em bị phạt 37,5 triệu đồng vì livestream ồn ào trên mạng xã hội (ảnh: VnExpress.net)

Trước câu chuyện của Hoa khôi Nam Em cũng đã có nhiều vụ việc gây hoang mang, ồn ào mạng xã hội và đã chịu những hình thức xử phạt của pháp luật. Thế nhưng không ít người vẫn có thái độ dửng dưng, nghĩ rằng mình có thể an toàn “lách luật”. Vì vậy việc xử lý nghiêm để tăng tính răn đe, giáo dục cho cộng đồng nhận được sự ủng hộ của nhiều người.

Thời gian gần đây không chỉ nổi lên các buổi livestream chia sẻ những câu chuyện cá nhân dẫn đến việc thiếu kiềm chế bản thân, làm ảnh hưởng cộng đồng mà nhiều đối tượng còn cố tình lạm dụng các chức năng của mạng xã hội để né luật, lách luật. Mới đây, ngày 27/2/2024, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh Bến Tre) cho biết đang củng cố hồ sở xử lý Lương Phát Lợi (28 tuổi, ngụ huyện Giồng Trôm, Bến Tre) về hành vi lập nhóm zalo thông báo các chốt cảnh sát giao thông trên địa bàn.

Được biết, Lợi đã lập nhóm zalo với tên “Hội Tài Xế Bến Tre”, với 90 thành viên. Tháng 11/2023, người này trực tiếp chụp hình của Tổ công tác thuộc Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Bến Tre đang làm nhiệm vụ tại TP. Bến Tre. Sau đó, đăng lên nhóm zalo để các thành viên trong nhóm biết nhằm đối phó, né tránh chốt kiểm soát. Việc làm này của Lợi đã gây cản trở và ảnh hưởng tới hoạt động của lực lượng chức năng. Trước đó, ngày 06/02/2024 cũng có một trường hợp với hành vi tương tự, bị xử phạt hành chính 7,5 triệu đồng.

Nói về hậu quả của việc lạm dụng mạng xã hội để làm công cụ vi phạm pháp luật, Luật sư Lê Văn Lợi – Văn phòng Luật sư Phạm Minh Tấn - Chi nhánh Tháp Mười, Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Tháp cho biết, tùy vào tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính hoặc thậm chí là bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật: Căn cứ vào Điều 101 Nghị định số 15 năm 2020, được sửa đổi khoản 37, Điều 1, Nghị định số 14 năm 2022, quy định việc xử phạt hành vi vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng mạng xã hội, trang thông tin điện tử được thiết lập thông qua mạng xã hội với mức phạt tiền là từ 10 triệu - 30 triệu đồng đối với tổ chức, vi phạm đối với cá nhân vi phạm thì mức phạt là bằng một phần hai đối với mức phạt của tổ chức. Về trách nhiệm hình sự thì tùy vào hành vi cụ thể mà có thể xác định về các tội danh như sau: tội làm nhục người khác, tội vu khống, tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông được quy định tại các Điều 155,156 và Điều 288 Bộ Luật Hình sự. Mức hình phạt cao nhất của các tội danh này lại lên tới 7 năm tù.

Luật sư Lê Văn Lợi – Văn phòng Luật sư Phạm Minh Tấn - Chi nhánh Tháp Mười, Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Tháp

Có thể thấy quy định đã có nhưng thực tế vi phạm pháp luật trên không gian mạng vẫn diễn biến phức tạp với nhiều phương thức ngày càng tinh vi. Thực trạng này nếu không được ngăn chặn và xử lý kịp thời sẽ tạo ra những ảnh hưởng ngày càng tiêu cực và kéo theo đó là những hệ lụy vô cùng to lớn.

Khi mới tiếp cận với mạng xã hội nhiều người cho rằng đây chỉ là nền tảng ảo thế nhưng thực tế, từ mạng xã hội người ta có thể kiếm được tiền, vì mạng xã hội mà không ít người vướng vào lao lý, vì những chỉ trích, tấn công trên mạng mà có những nạn nhân trầm cảm, thậm chí không còn thiết tha với cuộc sống. Tất cả cho thấy, mạng tuy ảo nhưng hậu quả là thật. Đã đến lúc chúng ta cần thay đổi nhận thức và hành động quyết liệt để việc lạm dụng mạng xã hội vi phạm pháp luật không trở thành trào lưu.

***

Một gia đình có nhiều thành viên, mỗi người một chiếc điện thoại thông nh, ti vi trong nhà cũng được kết nối internet để dễ dàng truy cập các nền tảng.

Không chỉ người trẻ, nhiều bậc phụ huynh, ông bà nay cũng sử dụng mạng xã hội, thậm chí ngoài tài khoản chính còn có các tài khoản phụ phục vụ cho các mục đích cần “ẩn danh”.

Một số người còn thừa nhận phải lướt tiktok trước khi đi ngủ và ngay khi thức dậy việc đầu tiên làm là kiểm tra thông báo Facebook.

Kể ra như vậy để thấy ngày nay, mạng xã hội phổ biến và quen thuộc ra sao với chúng ta. Không ai phủ nhận những giá trị tích cực của nền tảng này và cũng phải chấp nhận một điều rằng một bộ phận trong chúng ta đã và đang bị lệ thuộc vào mạng xã hội. Chính từ sức hấp dẫn của các ứng dụng mà ngày nay, nhiều người muốn kiếm lợi từ việc gia tăng sức ảnh hưởng trên mạng xã hội.

Để làm được điều đó, họ không ngại “câu” lượt thích, lượt xem, nhận quà tặng từ các phiên livestream với các nội dung giật gân, gây tò mò theo hướng tiêu cực. Đâu đó có những Tiktoker còn truyền tai nhau “muốn lên xu hướng thì phải tạo nội dung drama rồi từ từ “tẩy trắng””. Một người thành công, hai người đạt được mục đích và thế là nhiều người khác cũng học theo như một trào lưu.

Có thể trong số đó có những người bất chấp quy định của pháp luật và cũng có những người thấy lợi thì làm theo mà không hề biết việc mình làm sẽ gây ra hậu quả ra sao; đến khi bị cơ quan chức năng xử lý thì mới ngỡ ngàng, ngơ ngác vì cái giá quá đắt cho hành vi thiếu hiểu biết.

Rất nhiều vụ việc được xử lý thời gian qua cho thấy các cơ quan chức năng đã ngày càng quyết liệt hơn nhằm xây dựng môi trường mạng văn nh. Và đó cũng là hồi chuông báo động cho những ai lạm dụng mạng xã hội để cổ xúy cho những việc làm sai trái; giáo dục ý thức cho những ai còn lầm tưởng rằng không gian ảo thì muốn làm gì tùy ý.