Hồi sinh những dòng kênh “chết” (Bài 2): Những dòng kênh chết dần trong phố, lỗi do ai?

Nhiều năm qua, ở ĐBSCL luôn ghi nhận tình trạng tù đọng bởi các con kênh này không thoát nước được. Lâu ngày, chúng trở thành “kênh chết”.

Mỗi ngày, lượng rác thải rắn được ghi nhận trên địa bàn TP.Cần Thơ là khoảng 650 tấn. Nhưng tỷ lệ thu gom chưa tới 70%, tức là còn hơn 30% người dân thải vào các ao, sông, rạch.

Con số này trùng khớp với thực tế mà chính người dân đã phản ánh tại một số nơi vốn nổi tiếng là “tâm điểm” rác thải. Chỉ cần làm một cuộc khảo sát “bỏ túi” cũng đủ khiến cho người ta giật mình về mức độ ô nhiễm tại các tuyến kênh, rạch nội thị.

Tại khu vực Hồ Bún Xáng nằm vắt ngang ba phường: An Khánh, Xuân Khánh và Hưng Lợi, quận Ninh Kiều, rác thải ngổn ngang, lềnh bềnh tứ phía. Chị Lê Thị Dung - người bán nước ép trái cây dọc Hồ Bún Xáng ( thuộc KV3, phường An Khánh) cho biết, công trình cải tạo Hồ Bún Xáng được đầu tư 200 tỉ để giúp tăng lưu lượng dự trữ nước và quy hoạch thành khu ẩm thực - giải trí sầm uất về đêm. Tuy nhiên, 5 năm qua, nơi đây tràn ngập rác là rác: 

“Mỗi người “góp”chút xíu là cái hồ này y như cũ. Ví dụ bạn quăng hộp cơm, tui quăng bọc rác là coi như xong. Bây giờ mình phải ý thức, rác bỏ gom lại một nơi là cái hồ này sạch liền”.

Công trình cải tạo Hồ Bún Xáng được đầu tư 200 tỉ để giúp tăng lưu lượng dự trữ nước và quy hoạch thành khu ẩm thực - giải trí sầm uất về đêm. Tuy nhiên, 5 năm qua, nơi đây tràn ngập rác là rác.

Đồng quan điểm với bà Dung, ông Lê Văn Chiến ngụ ở KV6, phường An Khánh cũng phàn nàn về hành vi bức tử rạch Xẻo Nhum. 40 năm sinh sống và mua bán dọc rạch Xẻo Nhum, ông Chiến khẳng định, dọc theo con kênh này phần lớn là các dãy dân cư được khai thác cho thuê nhà trọ, mỗi một lần chuyển trọ thì hầu như rác thải phế liệu lại bị gom lại rồi đổ dồn xuống con rạch “tội nghiệp” này: “Người dân cứ vô tư tuôn xả rác xuống kênh mà không có luật lệ gì hết, người dân phải có ý thức, dù sao đây cũng là quận trung tâm của thành phố, sạch sẽ ai cũng thích hết”.

Đứng thứ ba là rạch Từ Hổ (phường An Khánh, quận Ninh Kiều). Trước đây cln rạch này có dòng chảy thông thoáng, sạch đẹp, thế nhưng từ khi người dân sống ở khu vực này đua nhau xây nhà lấn chiếm, con rạch đã bị đẩy vào "ngõ cụt”. Những hộ dân sống dọc hai bên bờ Từ Hổ luôn khổ sở vì mùi hôi thối bốc lên từ cái ao tù chứa rác khổng lồ. Dòng chảy của con rạch bị tắc nghẽn, không phương tiện thuỷ nào có thể lưu thông qua đây. Năm 2024, con rạch này được cải tạo để đặt cống hộp, nhưng đến nay nước vẫn đen xì.

Bà Nguyến Kim Phượng, KV4, phường An Khánh, quận Ninh Kiều cho biết: “Tôi về đây ở từ 2017 đến giờ, nước lớn ròng thì có nhưng dân người ta xả rác nhiều quá, nước nó ứ lại không chảy được rồi đen ngòm hôi thối. Muỗi sinh sôi quá trời muỗi”.

Dọc theo con kênh Xẻo Nhum phần lớn là các dãy dân cư được khai thác cho thuê nhà trọ, mỗi một lần chuyển trọ thì hầu như rác thải phế liệu lại bị gom lại rồi đổ dồn xuống con rạch “tội nghiệp” này.

Ngoài rác thải, vấn đề khiến cho các dòng kênh bị ùn ứ nước thối là do hệ thống dân cư có hành vi cơi nới, lấn chiếm và xây nhà kiên cố trên các dòng kênh. Trong đó, Rạch Mương Củi là một điển hình. Con rạch nằm giữa phường Hưng Lợi và An Khánh dài khoảng 900m, rộng khoảng 15m, nhưng có hơn 30 hộ dân lấn chiếm xây dựng nhà ở và thải trực tiếp rác sinh hoạt xuống rạch gây tắc nghẽn dòng chảy, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Hiện, lòng rạch chỉ rộng chừng vài mét, nhiều đoạn bị tắc nghẽn hoàn toàn. Năm 2024, địa phương cho tiến hành cải tạo lại rạch Mương Củi, bắt buộc các hộ dân xây nhà lấn chiếm phải hoàn trả mặt bằng, có hộ xây nhà sát rạch, khi công trình thi công đã khiến các hộ này bị nứt nhà, sụt lún nền.

Ông Trương Quốc Công, ngụ KV6, phường An Khánh cho biết: “Hồi đó nước trong, kênh thông, ghe lớn chạy vô rạch này bình thường, giờ mỗi người lấn ra một chút riết lấn hết con rạch. Rác dơ quá, cứ hốt hết thì vài ngày sau lại như cũ”.

Rạch Mương Củi khi xưa rộng khoảng 15m, nhưng có hơn 30 hộ dân lấn chiếm xây dựng nhà ở và thải trực tiếp rác sinh hoạt xuống rạch gây tắc nghẽn dòng chảy, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Ý thức của người dân, sự quản lý, chế tài kém hiệu quả của các cơ quan chức năng là nguyên nhân chính dẫn đến ô nhiễm hệ thống kênh, rạch nội bộ tại đô thị Cần Thơ. Tốc độ đô thị hóa cao, dân số tăng nhanh là các tác nhân làm cho kênh rạch thoát nước và các ao hồ chứa nước ở thành phố Cần Thơ bị thu hẹp. Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, tầm nhìn hạn chế và thiếu vốn đầu tư trong công tác quy hoạch cũng khiến hệ thống thoát nước của thành phố chưa đáp ứng yêu cầu.

Ngoài ra, các tuyến kênh, rạch bị ô nhiễm còn do phải tiếp nhận một lượng nước thải lớn chưa qua xử lý từ các cống thoát nước thải đô thị đấu nối trực tiếp thải ra… Đây cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng ô nhiễm các tuyến sông, kênh, rạch, ảnh hưởng sức khỏe và môi trường sống của người dân.

Ông Phạm Nam Huân, Phó Giám đốc Sở NN&MT TP. Cần Thơ cho biết: “Miệng cống thoát nước thải ra sông hiện nay có tình trạng chưa đáp ứng được góc độ thể tích và phạm vi. Lượng nước thoát ra sông rất ít”.

Giữ gìn vệ sinh môi trường là một trong những việc làm rất quan trọng nhằm bảo vệ, nâng cao chất lượng cuộc sống của mỗi người dân và cả cộng đồng. Để làm được điều này, mỗi người dân cần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường và sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng cùng chung tay bảo vệ, làm cho môi trường ngày càng Xanh-Sạch- Đẹp.

Ngoài ra, cần có các giải pháp lâu dài đó là các biện pháp thu gom, xử lý rác hiện đại và có kế hoạch phù hợp cho việc xây dựng Nhà máy xử lý rác thải công nghệ cao tại tỉnh/thành.