Hồi sinh những dòng kênh “chết” (Bài 1): Lay lắt bên những dòng kênh “chết”

Cần Thơ cùng nhiều khu vực đô thị lẫn nông thôn ở vùng ĐBSCL đang chứng kiến hệ thống kênh, rạch bị ô nhiễm nghiêm trọng. Rác rưởi và nước thải khiến dòng kênh luôn trong tình trạng bốc mùi hôi thối, nhưng nhiều hộ gia đình vẫn phải chấp nhận sống bên những dòng kênh “chết” này hàng chục năm nay

Trong quy hoạch tổng thể giai đoạn 2025-2030 và tầm nhìn đến năm 2045, Cần Thơ sẽ là “trái tim” của ĐBSCL về hạ tầng để phục vụ công tác học tập, làm việc, giao thương. Tuy nhiên, giữa trung tâm thành phố lại xuất hiện nhiều con rạch chết dần vì ô nhiễm chất thải. Những cái tên “trăm năm” như: rạch Đầu Sấu, rạch Mương Củi, rạch Xẻo Nhum, rạch Mương Lộ… đều có chung tình trạng nước đen, đặc kẹo rác thải và là nơi ổ muỗi sinh sôi.

Dẫn phóng viên chạy dọc con rạch nước đen Xẻo Nhum dài 1,5km thuộc phường An Khánh, quận Ninh Kiều, ông Trần Văn Lắm nhiều lần “nín thở” khi mùi rác thải xộc lên. Ông Lắm kể, gia đình ông đã sống 50 năm ven con rạch này, thời niên thiếu, ông cùng nhóm bạn xóm giềng xuống kênh tắm rửa, giặt quần áo, lấy nước tưới cây hoa màu.

Nhưng hơn chục năm nay, con rạch bị “bức tử” bởi rác thải và nước thải. Như gia đình ông khá giả thì có điều kiện chuyển nhà đi nơi khác ở, còn láng giềng thì chỉ có một chỗ an cư nên họ chấp nhận sống lay lắt bên dòng kênh thối. Phần lớn chiều dài con rạch này chi chít rác rưởi, nào là: hộp xốp, hộp nhựa, có cả mền – chăn - chiếu - gối - nệm… của ai đó vứt bỏ ngổn ngang:

“Đã 10 năm nay dân cư về đây ở nhiều nên bao nhiêu nước thải đổ ra rạch này hết, kể cả bệnh viện. Nước nó cứ đen ngòm như thế quanh năm, trời nắng nước bốc mùi chịu không nỗi. Gần đây có một cái cống do chung cư đổ ra, nhìn thấy bọt nó nổi lên ầm ầm”, ông Lắm nói

Giữa trung tâm thành phố Cần Thơ xuất hiện nhiều con rạch chết dần vì ô nhiễm chất thải. Những cái tên “trăm năm” như: rạch Đầu Sấu, rạch Mương Củi, rạch Xẻo Nhum, rạch Mương Lộ… đều có chung tình trạng nước đen.

Rời rạch Xẻo Nhum, chúng tôi tiếp tục đến rạch Mương Củi, chảy qua khu vực 6, phường An Khánh, quận Ninh Kiều. Con rạch này đã được hình thành trên 100 năm và là rạch công cộng. Trong quá khứ Mương Củi là tuyến giao thông thủy, ghe xuồng đi lại thông thương, nguồn nước chưa bị ô nhiễm, người dân còn sử dụng để sinh hoạt hằng ngày.

Trước tháng 5/2023, con rạch này bị ô nhiễm bởi rác thải. Sau đó Ban Quản lý dự án ODA thành phố Cần Thơ tiến hành cải tạo, vớt hết rác và xây bờ kè, đặt cống hộp để đưa nước từ sông vào lọc rửa. Tuy nhiên,  Dự án chỉ cải tạo đoạn qua phường An Khánh, còn đoạn qua phường Hưng Lợi thì chưa thi công. Mặc dù đã được xây cống hộp và lượng rác cơ bản được vớt lên nhưng nước kênh vẫn đen và đặc quánh.

Ông Trần Thanh Tạo, sống tại KV6 phường An Khánh chán nản cho biết: “ Nước đen là muỗi sinh sôi kinh khủng lắm, hiện giờ muỗi còn nhiều lắm, cách đây 3 năm là có xảy ra dịch sốt xuất huyết ở đây. Nếu rạch này cải tạo thông suốt thì có hiệu quả, nhưng hiện nay dọc con rạch này còn nhiều chỗ chưa giải phóng mặt bằng được nên nước chưa có chỗ thoát, còn ứ đọng”.

Đoạn đầu rạch Xẻo Nhum ( tiếp giáp đường Nguyễn Văn Linh) đặc kẹo rác thải.

Cả hai rạch Xẻo Nhum và Mương Củi đều đổ ra rạch Đầu Sấu, cho nên, nói về độ ô nhiễm nước đen thì Đầu Sấu là con rạch có mức độ ô nhiễm báo động. Trước đây, Đầu Sấu còn dày đặc lục bình sinh sôi và rác thải nhựa, nhưng với sự nỗ lực của Ban – Ngành địa phương, con rạch này được cải tạo mạnh mẽ vào năm 2024. Tuy nhiên, chỉ được một đoạn, đoạn còn len lỏi sâu bên trong các cụm dân cư thì vẫn còn lục bình, rác thải, nước sủi bọt và hôi tanh.

Ông Hồ Văn Ký, sống tại phường An Bình, quận Ninh Kiều cho biết: “Cả chục năm nay nó cứ vậy hoài, nước ròng còn dơ nhiều hơn nữa. Biết bao nhiêu nước thải từ bệnh viện, khu dân cư… đổ về đây, nắng càng lên càng nóng nó càng hôi thối.  Nhưng mình ở đây thì phải chịu chứ biết nói sao bây giờ”.

Không riêng gì TP. Cần Thơ mà nhiều nơi ở ĐBSCL cũng đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm kênh, rạch công cộng quanh nhà. Tại Tiền Giang thì người dân đô thị này bức bối khi sống gần kênh Trần Thị Thơm (Phường 9, TP. Mỹ Tho).

Đoạn kênh chỉ dài 1km bắt đầu từ đầu đường Quốc lộ 50 đến chân cầu Bình Phong nhưng mặt nước đen kịt, rác thải sinh hoạt, lá cây, lục bình trôi lềnh bềnh. Do là nơi đấu nối hệ thống nước thải sinh hoạt của người dân khu vực TP. Mỹ Tho nên kênh quá tải, cộng với lượng chất thải liên tiếp lâu ngày nên toàn lớp bùn dưới kênh đều bị suy thoái và ô nhiễm nặng.

Ông Trần Văn. Tr. – người dân sống tại Phường 9, TP. Mỹ Tho cho biết: “Khi nước đen đọng như thế này thì muỗi sinh sôi nhiều lắm, muỗi dày đặc trong nhà ảnh hưởng đến đời sống của người dân sống gần con kênh này. Cứ 5h chiều là muỗi nó bay vèo vèo vô nhà”.

Rạch xẻo Nhum nhiều chỗ bị rác san lấp dòng kênh

Còn tại tỉnh Bạc Liêu thì có sông Ngan Dừa cũng bị ô nhiễm nặng nề, rác lềnh bềnh nổi trên sông đủ loại từ: hộp xốp, đến chai nhựa, bao ni lông, xác động vật. Mùa nắng thì dòng sông bốc mùi nồng nặc, còn mùa mưa thì rác sinh sôi muỗi mồng gây bệnh truyền nhiễm. Nước ngọt được giữ trên con sông này nhiều năm đã giúp ích cho sinh hoạt và tưới tiêu, nhưng người dân đã không thể sử dụng nước cho sinh hoạt được bởi một số đoạn bị bức tử bởi rác thải.

Ông Trần Văn Hoàng, ngụ ấp Thống Nhất, thị trấn Ngan Dừa, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu bức xúc: “Đủ loại rác từ áo quần đến tả lót… trắng cả sông, bão lớn là rác bay như cò bay. Có từ hàng ngàn cái hộp xốp trở lên.

Ngoài ra còn có xác trâu, gà, vịt, kể cả thịt heo hư thối bán không hết người ta xả xuống sông này. Do người dân họ vứt xuống sông, nông thôn chúng tôi có xe thu gom rác nhưng chẳng có rác là bao nhiêu mà đa phần người ta vứt xuống sông. Bây giờ đi chợ tốn 2.000 đồng cũng được bọc trong túi ni lông, ăn xong thì họ tiện tại vứt xuống sông luôn”.

Rạch Đầu Sấu dù đã dọn hết lục bình nhưng nước vẫn ô nhiễm nặng vì đây là con rạch đón nước thải từ nhiều kênh đổ ra.

Và còn nhiều hơn nữa những dòng kênh, rạch ở ĐBSCL bị ô nhiễm từ hai nguồn chính là rác thải rắn và nước thải. Hiện tổng lượng rác toàn vùng ĐBSCL có khoảng 4.200 tấn/ngày. Trong đó, lượng thu gom từ các thành phố thị trấn khoảng 3.200 tấn/ngày, đạt tỷ lệ 70-80%.

Số còn lại không được quản lý, được người dân, các cơ sở không tuân thủ theo các quy định của các đô thị, tự xả xuống các sông, kênh rạch… gây ô nhiễm các sông rạch, ảnh hưởng đến môi trường chung trong khu vực. Trong đó, đáng báo động nhất là TP. Cần Thơ, lượng rác không được thu gom, được người dân thải vào các ao, sông, rạch... cao hơn mức trung bình khu vực.

Cụ thể, mỗi ngày TP. Cần Thơ thải ra khoảng 650 tấn chất thải rắn sinh hoạt, nhưng tỷ lệ thu gom chưa tới 70%. Hơn 30% không được thu gom, người dân thải vào các ao, sông, rạch.

Nằm trong Dự án cải tạo Kênh, Rạch của TP Cần Thơ, Xẻo Nhum cũng được đầu tư xây cống hộp, nhưng công trình dở dang, vừa lãng phí, vừa không giải quyết được ô nhiễm nguồn nước.

 Hệ lụy của hành vi vứt rác và xả thải đã trực tiếp tác động đến đời sống của các cụm dân cư sống ven kênh, rạch. Nhiều gia đình 3-4 thế hệ chen chúc nhau trong căn nhà mà xung quanh là rác thải, chuột, gián, ruồi, muỗi… không khác gì bãi phế liệu. Dòng nước ô nhiễm đen ngòm, đặc quánh bốc mùi hôi tanh bao quanh lấy những dãy nhà, phủ lấy phận người.

Ông Trần Ngọc Nương, sống tại KV6, phường An Khánh, quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ tâm tư: “Nước lên là đường ngập 2 tấc, tràn vô nhà. Chẳng những vậy ô nhiễm còn nặng mùi khó chịu. Nước không thoát được, ứ đọng thì dân chịu hết”.

Rạch Mương Củi đã hoàn tất cải tạo, nhưng cũng không làm nước trong lại như cũ, đen thui và hôi thối.

Kênh, rạch ô nhiễm thì nước cũng bị hôi tanh, mỗi ngày, hàng chục nghìn hộ dân sống quanh con kênh, rạch công cộng bị ô nhiễm ở ĐBSCL phải chịu đựng nhiều mối nguy hại tới sức khỏe.

Thực tế này đòi hỏi cần một cuộc “đại phẫu” kênh, rạch để mang lại sinh thái trong lành cho thiên nhiên.