Hoàn thiện chuỗi dịch vụ logistics cho nông sản vùng ĐBSCL

Hàng năm, ĐBSCL có nhu cầu vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu khoảng 18 triệu tấn. Tuy nhiên, nơi đây lại đang là khu vực có chi phí logistics cao nhất cả nước, chiếm tới 30% giá thành sản phẩm.

Điểm yếu của sản phẩm hàng hóa tại ĐBSCL đó là chi phí logistics chiếm đến 30% giá thành. Vì vậy, việc hoàn thiện hạ tầng tiếp vận, phát triển trung tâm logistics nhằm cắt giảm chi phí vận chuyển, tăng cường liên kết là điều cần thiết để tăng sức cạnh tranh, đưa nông sản toàn vùng cất cánh.

Logistics là mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị sản xuất. Nếu mắt xích này được đầu tư tốt sẽ tăng cạnh tranh cho nông sản. Vì vậy, muốn vực dậy khu vực nhiều tiềm năng này, thì nhất thiết phải có sự đầu tư tương xứng. 

Có thể thấy, hiện điểm yếu “cốt tử” của ĐBSCL là hạ tầng giao thông đang được Chính phủ, Bộ ngành tháo gỡ, hàng loạt tuyến đường cao tốc đã, đang và sẽ hình thành trong tương lai để tăng cường liên kết vùng, rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng đã liên kết, bắt tay với nhau để hình thành chuỗi cung ứng dịch vụ sau khi nông sản được chế biến. Bởi muốn đi thật xa không thể đi một mình mà phải đi cùng nhau.

Điều quan trọng, cần sớm có phương án chính sách và mô hình hiệu quả, phát triển hệ thống hạ tầng logistics; đồng bộ hệ thống kết cấu giao thông vận tải; đa phương thức kết nối liên vùng và quốc tế; kết nối chuỗi cung ứng toàn diện cho nông sản Việt Nam; tự sản xuất thu hoạch cho đến thông quan xuất khẩu; hướng tới tối ưu hóa chi phí logistics, tăng lợi thế cạnh tranh cho nông sản, tạo đầu ra bền vững cho nông sản của vùng.

Xây dựng và phát triển các trung tâm logistics vùng ĐBSCL ở Cần Thơ và Long An, bảo đảm có sức thu hút và lan tỏa, tuần hoàn của “mạch máu”. Từ đó giúp hoàn thiện và phát triển chuỗi cung ứng và dịch vụ logistics cho vùng, hàng hóa từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ nhanh nhất, chi phí thấp hơn mà không phải vận chuyển xa.

Cuối cùng và quan trọng nhất chính phát triển nguồn nhân lực chung của vùng trong công tác đào tạo nhân lực logistics theo hướng cung cấp dịch vụ logistics phù hợp phục vụ phát triển các ngành lợi thế của vùng và bảo vệ và phát triển nguồn tài nguyên thiên nhiên và con người trong vùng trong bối cảnh biến đổi khí hậu.

Việc phát triển cảng biển và dịch vụ logistics của khu vực ĐBSCL sẽ là động lực để thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa nói riêng và kinh tế vùng nói chung. Hỵ vọng với sự nỗ lực của Chính phủ, các cấp, các ngành và các địa phương, bức tranh logistics tại ĐBSCL thời gian tới sẽ có nhiều khởi sắc, vực dậy khu vực nhiều tiềm năng này, tăng khả năng cạnh tranh, giúp nông dân làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.