Hồ sơ 114: Quận Thanh Xuân tăng cường PCCC tại các chợ dịp cuối năm

Chợ là nơi tập trung đông người, tích trữ lượng hàng hóa lớn, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ rất cao. Chính vì vậy, trong nhiều năm qua, công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) ở các khu chợ trên địa bàn Quận Thanh Xuân (Hà Nội) luôn được lực lượn

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 
Cảnh sát PCCC&CNCH Công an Quận Thanh Xuân phối hợp với BQL chợ tuyên truyền về đảm bảo an toàn PCCC

Chợ Kim Giang (thuộc phường Kim Giang, quận Thanh Xuân) có tổng diện tích gần 1.700m2, với gần 100 hộ kinh doanh lớn nhỏ, cùng lượng hàng hóa đa dạng, đặc biệt, nhiều loại hàng hóa dễ gây cháy nổ như bông vải sợi, giày dép, vàng mã…

Để đảm bảo an toàn PCCC, từ khi được sửa chữa hồi năm 2019 và hoạt động trở lại vào năm 2020, chợ Kim Giang đã được trang bị đầy đủ hệ thống máy bơm nước hiện đại phục vụ chữa cháy, bổ sung thêm các họng nước, bể chứa và bình chữa cháy xách tay.

“Ngoài ra, ban quản lý chợ đã thành lập tổ PCCC tại chỗ, thường xuyên tuần tra kiểm soát 24/24h nhằm bảo vệ tài sản, đảm bảo an ninh trật tự, PCCC trong khu vực chợ; bình bọt PCCC thường xuyên được kiểm tra, sẵn sàng ứng phó khi có cháy xảy ra”, ông Vương Minh Hưng – Phó trưởng ban quản lý chợ Q. Thanh Xuân cho biết thêm.

Nói về sự chủ động trong công tác PCCC và các biện pháp, phương án ứng phó khi có cháy xảy ra, chị Lưu Thanh Vân – một tiểu thương kinh doanh dụng cụ gia đình tại chợ Kim Giang chia sẻ: “Nếu có cháy, đầu tiên chúng tôi sẽ hô hoán, ấn chuông báo động, sử dụng các thiết bị tại chỗ để dập lửa. Ngoài ra, hàng tháng, hàng quý, Đội PCCC và BQL chợ thường xuyên tuyên truyền và diễn tập phương án, nên chúng tôi cảm thấy rất yên tâm!”.

Cảnh sát PCCC&CNCH Công an Quận Thanh Xuân phổ biến công tác an toàn cháy nổ cho các tiểu thương tại chợ Kim Giang

Tuy nhiên, cháy nổ luôn là những sự cố khó lường, bởi chỉ cần một chút bất cẩn, lơ là của các hộ kinh doanh khi sử dụng thiết bị điện hoặc ngọn lửa trần, thắp hương, đốt vàng mã… hoàn toàn có thể là những nguyên nhân khởi phát đám cháy.

“Ngoài ra, tại một số chợ, các hộ kinh doanh có tình trạng căng lều bạt, mái che bằng nilon và các chất dễ cháy khác, làm cản trở lối thoát nạn và giao thông phục vụ xe chữa cháy; đồng thời tăng nguy cơ cháy lan. Việc sử dụng sai mục đích các khu vực như phòng kỹ thuật, gầm cầu thang được tận dụng làm kho chứa hàng cũng ảnh hưởng đến công tác chữa cháy và thoát nạn”, Đại úy Trần Thế Hùng – Cán bộ Đội Cảnh sát PCCC&CNCH Quận Thanh Xuân lưu ý thêm về những nguy cơ cháy nổ luôn rình rập.

Giữ vững nguyên tắc “lấy phòng ngừa là chính”, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH Quận Thanh Xuân đã vận động quần chúng tham gia PCCC từ mỗi gia đình, tổ dân phố, thôn, xóm, huấn luyện cho lực lượng dân phòng, người dân về cách PCCC ban đầu với phương châm “4 tại chỗ”.

Đội PCCC cơ sở luôn được duy trì để phát huy hiệu quả phương châm “4 tại chỗ”

Thượng tá Bùi Trọng Quát – Phó trưởng Công an Q. Thanh Xuân cho biết: “Đến nay, quận đã thành lập được hơn 230 đội PCCC dân phòng, tương ứng với hơn 2.300 đội viên. Đặc biệt, chú trọng đến việc tuyên truyền, huấn luyện, bồi dưỡng kiến thức và trang bị đầy đủ trang phục, thiết bị chữa cháy cho lực lượng tại chỗ. Qua đó, phối hợp tốt với lực lượng PCCC chuyên nghiệp, tổ chức dập tắt kịp thời nhiều vụ cháy xảy ra trên địa bàn”.

Bên cạnh đó, trong thời gian tới, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an Quận Thanh Xuân sẽ thường xuyên tổ chức kiểm tra công tác PCCC tại các khu chợ dân sinh, đặc biệt là kiểm tra đột xuất để phát hiện và khắc phục kịp thời các sơ hở, thiếu sót về PCCC, loại trừ những nguyên nhân, điều kiện gây cháy, nổ; hướng dẫn các cơ quan, đơn vị củng cố lực lượng PCCC cơ sở, lực lượng dân phòng và trang bị phương tiện chữa cháy, cứu nạn cứu hộ đầy đủ theo quy định.

Thượng tá Bùi Trọng Quát - Phó trưởng Công an Quận Thanh Xuân (Hà Nội)

“Chúng tôi sẽ chủ động tham mưu cho UBND Quận Thanh Xuân xây dựng kế hoạch tăng cường, kiểm tra công tác PCCC trong mùa hanh khô, Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán. Đồng thời, đối với các cơ sở do UBND cấp xã quản lý nhà nước về PCCC, thuộc Phụ lục 4, Nghị định 136/2020/NĐ-CP, công an Quận sẽ phối hợp với UBND phường, công an phường hướng dẫn cụ thể cho người dân, các hộ gia đình, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp ký cam kết, xây dựng hồ sơ PCCC, cố gắng kéo giảm cả 3 tiêu chí về số vụ cháy, thiệt hại về người và tải sản do cháy gây ra”, Thượng tá Bùi Trọng Quát – Phó trưởng Công an Q. Thanh Xuân khẳng định.

Để chủ động phòng, chống và kịp thời ứng phó với các sự cố cháy nổ có thể xảy ra, ngoài sự chủ động, tích cực của lực lượng PCCC, thì mỗi người dân, mỗi hộ kinh doanh, cần nâng cao ý thức tự giác, thực hiện nghiêm các nội quy, quy định về an toàn phòng chống cháy nổ. Bởi chung tay đảm bảo an toàn PCCC cũng là bảo vệ sức khỏe, tài sản của chính mình./.