Hiểm họa cháy nổ từ biển quảng cáo và cơ sở phế liệu

Những tấm biển quảng cáo đẹp lạ mắt với nhiều kích cỡ, màu sắc khác nhau xuất hiện dày đặc tô điểm cho phố phường sầm uất hiện đại. Tuy nhiên thì bên cạnh đó những tấm biển quảng cáo ngoài trời này cũng tiềm ẩn nhiều hiểm họa khôn lường, đặc biệt về nguy cơ cháy nổ.

Biển quảng cáo quá khổ, cũ nát, phần khung hoen gỉ, dây điện chằng chịt,…Đây là cảnh tượng có thể dễ dàng bắt gặp ở bất kỳ con phố nào tại thủ đô Hà Nội. Dẫu biết những tấm biển quảng cáo càng to, càng sáng thì càng ấn tượng, nhưng đằng sau “tấm áo choàng” đẹp đẽ là những hiểm họa đang rình rập. 

Đường Đê La Thành (Hà Nội), 'nhà nhà' đều gắn biển quảng cáo

Ông Ngọc Tiến (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết: “Dọc các con phố, đâu đâu cũng thấy biển quảng cáo, đáng sợ nhất là những biển treo lâu ngày trụ sắt đã hoen gỉ có thể đổ sập xuống bất cứ lúc nào".

Rất dễ bắt gặp những con phố treo biển quảng cáo chằng chịt, bịt kín cửa thoát hiểm
Trên con phố Lương Thế Vinh (Thanh Xuân, Hà Nội) bảng, biển quảng cáo, dây điện chằng chịt tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ
Theo anh Thành Long, chủ một cơ sở làm biển quảng cáo trên đường Nguyễn Đình Chiểu cho biết: "Trên thị trường có rất nhiều các loại biển quảng cáo, màn hình điện tử với các loại đèn led, đèn neon... được người sử dụng rất ưa chuộng"
Mật độ biển quảng cáo khá dày đặc

Có thể thấy, đây là những chất liệu rất dễ cháy, dễ dẫn lửa. Nhiều tuyến phố, mật độ biển quảng cáo khá dày đặc, nếu có nguồn gây cháy hoặc sự cố chập điện thì những vật liệu này rất dễ bắt lửa, bốc cháy và lan rộng ra nhanh chóng.

Phần lớn biển quảng cáo đều được đặt ở vị trí mặt tiền của nhà cao tầng hoặc đặt trên nóc nhà với thế thẳng đứng, che kín toàn bộ ban công ngôi nhà. Vì vậy, khi xảy ra cháy, những biển quảng cáo này trở thành vật cản kiên cố khiến những người bên trong khó có thể thoát ra ngoài, gây khó khăn cho công tác chữa cháy và cứu hộ.

Mặc dù đã có tiêu chuẩn riêng dành cho biển quảng cáo, nhưng nhiều cơ sở kinh doanh vẫn bất chấp làm tấm biển che kín mặt tiền, ban công, lối thoát hiểm của tòa nhà. Khi sự cố xảy ra, ngay cả lực lượng chức năng cũng khó mà tiếp cận.

Quy chế quản lý hoạt động quảng cáo ngoài trời trên địa bàn thành phố Hà Nội đã chính thức được sửa đổi sau nhiều năm, trong đó bảng quảng cáo phải đảm bảo an toàn về PCCC. Theo chuyên gia, cần có những quy định cụ thể, rõ ràng hơn để biển, bảng quảng cáo phát huy được tối đa công năng, mà không đe dọa tới người dân.

Sở dĩ biển quảng cáo điện tử rất dễ cháy, vì chất liệu chủ yếu là bằng nhựa, ca, lắp đặt số lượng lớn bóng đèn led trên một diện tích nhỏ nên nhiệt lượng tỏa ra rất lớn, công suất điện năng cũng lớn dễ gây ra cháy

Biển quảng cáo hầu hết được thiết kế ở ngoài trời nên sẽ bị ảnh hưởng bởi thời tiết, dây dẫn, phần bảo vệ đèn bị hỏng dẫn đến chập điện gây cháy. Vị trí đặt biển quảng cáo là một trong các trở ngại gây nguy hiểm chết người, cản trợ lực lượng chữa cháy, cứu nạn tiếp cận hiện trường.

Vì theo thiết kế số đông nhà ở tại đô thị đều theo kiểu hình ống, không có lối thoát hiểm do diện tích hạn chế duy nhất chỉ có mặt tiền. Các giàn giáo chống đỡ và biển quảng cáo vây kín bốn bề, khi cháy xảy ra không những không có lối thoát từ ban công, cầu thang phụ mà còn nguy cơ trở thành “lò nung” các tầng lầu, độ nguy hiểm càng tăng cao hơn.

Biển, bảng quảng cáo che kín ngôi nhà, không có lối thoát

Bên cạnh đó còn có các cơ sở tập kết, thu gom phế liệu hình ảnh đập vào mắt PV là đầy ắp các “mặt hàng” phế liệu từ bìa cát tông, ống nước, bình gas, ti-vi, quạt điện, thùng xốp đến chai lọ các loại, giấy báo, sắt vụn... chất thành đống lộn xộn, để tràn lan ra vỉa hè.

Điều đáng nói là cơ sở thu mua phế liệu này lại nằm ngay cạnh nhà dân nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sinh hoạt của những hộ xung quanh. Hơn thế nữa, cơ sở này không trang bị bất kỳ một thiết bị phòng cháy, chữa cháy nào.

Theo phản ánh của người dân sống trong khu vực, điểm thu mua phế liệu này thường xuyên bốc mùi khó chịu, gây ô nhiễm môi trường. Sự việc này đã được kiến nghị nhiều lần lên chính quyền địa phương nhưng tình hình vẫn chưa được cải thiện.

Các cơ sở thu mua phế liệu thường có nhiều loại phế liệu dễ cháy như bìa, hộp giấy, lon chai, bình gas, sắt, thép…
Địa điểm kinh doanh là những căn nhà tạm rật hẹp, số lượng hàng lại rất nhiều, lấp kín phần diện tích của mặt bằng vỉa hè. nhiều người ý thức chủ quan trong việc phòng, chống cháy nổ
---
Cửa hàng “Vua đồ cũ” - có nhiều loại phế liệu dễ cháy như đồ nhựa, linh kiện điện lạnh,...

An toàn phòng, chống cháy nổ là một vấn đề lớn rất cần sự quan tâm của chính quyền trong việc nâng cao nhận thức, kiến thức về phòng chống cháy cho các chủ cơ sở buôn bán. Trước thực trạng nêu trên đòi hỏi cơ quan chức năng cần vào cuộc rà soát, kiểm tra, siết chặt quản lý, xử lý các vi phạm về những biển quảng cáo treo đặt không đúng quy định.

Về phía chủ cơ sở kinh doanh, cần tìm hiểu kỹ các quy định pháp luật cũng như kiến thức, kỹ thuật lắp đặt biển hiệu, biển quảng cáo an toàn; thường xuyên kiểm tra, sửa chữa, bảo dưỡng để tự bảo vệ tài sản của mình và bảo đảm an toàn cho mọi người, tránh xảy ra những hậu quả đáng tiếc.