Hàng trăm biệt thự ở Hà Nội bị bỏ hoang tăng giá, vì sao? (Phần 2)

Dù rơi vào tình trạng hoang vắng nhưng các biệt thự bị bỏ hoang ở Hà Nội vẫn ghi nhận sự tăng trưởng về giá. Vì sao các biệt thự dù bị bỏ hoang nhưng giá vẫn cao? Và giải pháp nào ngăn chặn thực trạng này?

Chỉ ra nguyên nhân khiến các biệt thự dù bị bỏ hoang song vẫn tăng giá, bà Đỗ Thị Thu Hằng, Giám đốc Cấp cao Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn Savills Hà Nội cho biết

"Chúng ta đang nhìn nhận thực tế, các biệt thự đó cũng là sản phẩm bất động sản. Thế nên, chúng ta nhận thấy là trong xu thế hiện nay, các bất động sản đều trong xu thế tăng giá và ở ngưỡng cao thì các bất động sản, biệt thự bỏ hoang ở một khía cạnh nào đó cũng không nằm ngoài xu hướng dẫn đến gia răng theo đó."

Bên cạnh đó, những khu đô thị bị bỏ hoang hiện nay phần lớn nằm ở khu vực gần như không có đủ cơ sở hạ tầng thiết yếu để phục vụ nhu cầu cuộc sống, trong khi những nhóm đối tượng này đòi hỏi chất lượng cuộc sống cao.

Chuyên gia bất động sản Phan Công Chánh nêu thực tế: "Rõ ràng, một số dự án biệt thự được hình thành, phát triển đón đầu ở những khu vực mà tiện ích chưa được hình thành. Do đó, việc thu hút dân cư về ở không tiến triển được như mong đợi của chủ đầu tư. Dẫn đến việc một số nơi, một số biệt thự không thu hút người về ở vì nó không đáp ứng được về giao thông ha tầng nên không đảm bảo được để người dân về ở, tạo ra sự lãng phí."

Biệt thự, nhà liền kề tại dự án Khu đô thị Lideco (Hoài Đức, Hà Nội) trị giá hàng triệu đô xây xong hơn thập kỷ nhưng nay vẫn bị bỏ hoang. Ảnh: SKĐS

Trên cơ sở đó đã tạo ra một nhóm người không có nhu cầu sử dụng nhưng vẫn mua với mục đích đầu tư sinh lợi là chính.  Đồng tình quan điểm này, theo GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường  cũng cho rằng, nhu cầu đầu tư và ở thực luôn song hành trên thị trường bất động sản. Thế nhưng, tại nhiều khu đô thị, nhà đầu tư mua đầu cơ chiếm tỷ trọng lớn đến 70%, chỉ số ít là để ở thực.

Ông Đặng Hùng Võ nhận định, nguyên nhân đến từ mục đích đầu cơ găm hàng chờ lướt sóng: "Trên thực tế thì ngừoi có nó vẫn giữ giá, không chịu bán với giá thấp. Người ta vẫn để thế và hét cái giá đến khi nào người ta thấy vừa tai thì người ta mới bán. Chính vì vậy, tình trạng đó hiện nổi lên khá lớn tại Hà Nội và các đô thị loại 1. Vì cung và cầu về nhà ở không gặp nhau. Cầu thì lớn nhưng cung lại không dành cho loại cầu đang lớn đó mà cung dành cho những người thương mại qua lại còn cầu thì dành cho những người có thu nhập trung bình trở xuống".

Thực tế hiện nay, nhiều người dân có tâm lý kỳ vọng có thể làm giàu từ kinh doanh bất động sản vì chỉ cần mua để đó, cứ vài năm là giá có thể tăng gấp đôi. Khi có bất kỳ dự án bất động sản nào, nhà đầu tư lại “tranh cướp” nhau để mua, với hy vọng một thời gian sau giá sẽ tăng lên nhiều lần, khả năng sinh lời được kỳ vọng cao hơn lãi suất của ngân hàng. Việc này tạo ra hệ luỵ giá nhà tiếp tục leo thang, vượt quá khả năng của người dân.  

Biệt thự bỏ hoang tại khu đô thị mới Dương Nội

Trước vấn đề này, mới đây Bộ Xây dựng kiến nghị nghiên cứu đánh thuế với trường hợp sở hữu, sử dụng nhiều nhà, đất để hạn chế hoạt động đầu cơ, việc mua đi, bán lại nhà đất trong thời gian ngắn và đánh thuế BĐS bỏ hoang. Giải pháp này mang lại lợi ích kép gồm hạn chế tình trạng đầu cơ, đảm bảo cân bằng trên thị trường và thúc đẩy nhu cầu sử dụng thay vì sở hữu nhiều nhà đất rồi bỏ hoang, lãng phí. Đánh thuế BĐS cũng tạo nguồn thu ngân sách lớn, có thể sử dụng để hỗ trợ phát triển nhà xã hội, mang đến cơ hội sở hữu nhà cho nhiều người có nhu cầu thực.

Bà Đỗ Thị Thu Hằng cho biết thêm: "Việc đánh thuế đối với dòng sản phẩm chưa dùng đến. Đấy cũng chính là một trong những công cụ để hạn chế đầu cơ những dòng sản phẩm chưa sử dụng đến. Việc đánh thuế sử dụng nhiều đã được bàn trước đấy giúp những người đầu tư cũng cần nâng cao trách nhiệm khi mua bds. Khi mà chúng ta áp dụng thì cần xác định rõ mục tiêu như để giảm đầu cơ từ đó kiểm soát việc tăng gía. Khi chúng ta sử dụng công cụ thì cần tính toán đầy đủ, và áp dụng đầy đủ, toàn diện".

Cũng  TS Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng cần rất thận trọng trong việc lựa chọn lộ trình đánh thuế, tránh đột ngột chuyển từ trạng thái này sang trạng thái khác, gây sốc cho nền kinh tế - xã hội.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng Giám đốc batdongsan.com.vn nêu quan điểm: "Tôi nghĩ việc đánh thuế BĐS các quốc gia đã áp dụng nhiều năm rồi chứ không phải bây giờ, mọi người cũng nghĩ đây là giải pháp tốt. Nhưng chúng ta cũng phải xác định câu chuyện quan trọng nhất của thị trường bds thì việc quan trọng đóng góp trong việc giá của bất cứ sản phẩm nào đó là quan hệ cung cầu. Tại HN hiện nay, cung cầu chưa thực sự tương xứng. Với cung cầu lệch nhau như thế, giả sử chúng ta lo ngại đầu cơ và đánh thuế ngôi nhà thứ hai…thì thực chất cung cầu vẫn đang lệch nhau. Thứ hai là khi người mua chịu mức thuế cao hơm thì người mua vô hình chung lại có xu hướng đẩy sang người mua tiếp theo và khiến giá cao hơn".

Ngoài ra, nhằm hạn chế việc quản lý sàn giao dịch và môi giới, câu kết gây nhiễu loạn thị trường, Bộ Xây dựng đề xuất nghiên cứu đề xuất xem xét mô hình "Trung tâm giao dịch bất động sản và quyền sử dụng đất do Nhà nước quản lý". Nói về giải pháp này, chuyên gia bất động sản Phan Công Chánh cho biết:

"Việc xây dựng trung tâm quốc gia về giao dịch bất động sản là biện pháp cần thiết thì đáng lẽ chúng ta phải làm lâu rồi. Vì đây là mô hình tiên tiến, và trung tâm này sẽ có vai trò thu thập thông tin về giá đất cũng là điều quan trọng. Thông tin về giá đất về phía thị trường là nguồn quý giá để chúng ta thực hiện nhiều mục tiêu khác hơn."

Nhiều chuyên gia cũng đồng tình với đề xuất thí điểm mô hình "Trung tâm giao dịch bất động sản và quyền sử dụng đất do Nhà nước quản lý" bởi nếu có dữ liệu thì các cơ chế khi đưa ra thị trường sẽ tính toán chính xác hơn.

Bên cạnh đó, việc tăng thuế bất động sản thứ 2 hay bất động sản bỏ hoang cũng là 1 trong những giải pháp hữu hiệu để hạn chế đầu cơ, tuy nhiên cần rất thận trọng trong việc lựa chọn lộ trình đánh thuế.