Hạn cuối đã qua, người lao động đã nhận được tiền hỗ trợ thuê trọ?

Hết ngày 15/8 và Bộ Lao động - Thương binh và Xã yêu cầu đến ngày 30/8, các địa phương phải hoàn tất giải ngân tiền hỗ trợ thuê trọ cho người lao động. Tuy nhiên, hiện nay, một số địa phương khó lòng đạt được yêu cầu này khi tỉ lệ giải ngân đang ở mức rất thấp.

Trước khi dịch COVID-19 bùng phát dữ dội, vợ chồng anh Huỳnh Văn Hiền – công nhân làm việc tại công ty CP nông nghiệp thủy sản Bạc Liêu, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu còn kinh tế, thuê nhà rộng rãi. Sau dịch, tiền bạc eo hẹp, phải dọn sang dãy trọ nhỏ hơn.

Nếu như có thêm một khoảng tiền hỗ trợ thuê nhà, với anh Hiền đó là một niềm an ủi động viên rất lớn để anh tiếp tục bám trụ công việc, gắn bó với doanh nghiệp trong bối cảnh thiếu lao động sau dịch.

Một khu nhà trọ công nhân ở khu phố 3, phường Linh Xuân, TP Thủ Đức (TP.HCM) - Ảnh: Ngọc Phượng/Tuổi trẻ

Vào tháng 6/2022, khi mà các doanh nghiệp ở ĐBSCL thông báo rộng rãi cho công nhân thuộc diện được hỗ trợ 3 tháng tiền nhà trọ thì anh Hiền cho biết mình vẫn chưa nhận được thông tin này. Qua 2 tháng, đến hôm nay anh đã không còn gắn bó với doanh nghiệp nữa.

Anh Huỳnh Văn Hiền cho hay: "Em không nghe ai thông báo, công ty không ai thông báo. Bây giờ em cũng đã xin nghỉ làm luôn rồi. Bây giờ ở nhà thất nghiệp một tuần nay rồi."

Theo báo cáo mới nhất của Sở LĐTB&XH Bạc Liêu, tỉnh đã giải ngân hoàn tất tiền thê nhà trọ cho 133 người lao động với tổng kinh phí hơn 200 triệu đồng cách đây một tuần. Trên các diễn đàn mạng xã hội đã ghi nhận ý kiến cho rằng nhiều trường hợp người lao động ở Bạc Liêu khó hưởng trọn chính sách an sinh này vì vướng quá nhiều thủ tục cứng nhắc, thậm chí bị bỏ quên.

Bạc Liêu có 2 khu công nghiệp lớn là Trà Kha (TP. Bạc Liêu) và Láng Trâm (TX. Giá Rai) với hơn 240 doanh nghiệp đang hoạt động và 2.000 lao động đang làm việc. Kết quả rà soát, chỉ có 8 đơn vị sử dụng lao động có nhu cầu, đề nghị hỗ trợ cho 147 lao động với số tiền hơn 220 triệu đồng. Lý giải về điều này,

Ông Bùi Minh Túy - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết: Ở đây số lượng lao động rất ít, chỉ có 133 người được hưởng chế độ hỗ trợ tiền nhà trọ. Phần lớn công nhân lao động ở đây có nhà riêng chứ không phải ở thuê.

Đại diện Sở LĐTB&XH tỉnh Bạc Liêu cũng cho biết thêm, nguyên nhân khiến người lao động không nhận được hỗ trợ là do tại Bạc Liêu, tình hình các doanh nghiệp hoạt động trong khu công nghiệp còn ít.

Bên cạnh đó, số lượng công nhân đáp ứng đủ điều kiện để được hưởng chính sách lại càng ít. Trong đó, phải thừa nhận, một số doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh thực hiện đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động còn chậm; hồ sơ đề nghị chưa đầy đủ theo quy định dẫn đến gói hỗ trợ này khó đến tay người lao động.

Ảnh nh họa: Báo Lao động

Trong khi đó, tại Trà Vinh, đến ngày 1/8, toàn tỉnh đã tiếp nhận 15 lượt doanh nghiệp đề nghị hỗ trợ cho 10.265 lao động. Trong đó có 9.400 lao động đủ điều kiện được chi trả với tổng số tiền gần 5 tỉ đồng. Ngày 5/8, Sở LĐTB&XH tỉnh Trà Vinh đã triển khai chi trả tiền hỗ trợ thuê nhà này cho các lao động.

Ông Nguyễn Văn Út – Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Trà Vinh cho biết tỉnh chi theo từng đợt nhưng đã đạt 90%, sẽ còn chi trả thêm 1 – 2 đợt nữa là hoàn tất.

Tại Vĩnh Long, có trên 14.164 lượt lao động đề nghị hỗ trợ với tổng kinh phí dự kiến hơn 23 tỉ đồng. Hiện tại 100% hồ sơ đã nộp xong, đã được thiết lập và trình UBND tỉnh. Trong ít ngày tới được duyệt sẽ triển khai chi trả nhanh đến hết tháng.

Quyết định 08 của Chính phủ quy định: Hỗ trợ người lao động đang làm việc trong doanh nghiệp ở trọ trong khoảng thời gian từ ngày 01 tháng 02 năm 2022 đến ngày 30 tháng 6 năm 2022 thì mức hỗ trợ là 500.000 đồng/người/tháng. Thời gian hỗ trợ tối đa 3 tháng.

Đối với việc hỗ trợ người lao động quay trở lại thị trường lao động thì người lao động ở trọ trong khoảng thời gian từ ngày 01 tháng 4 năm 2022 đến ngày 30 tháng 6 năm 2022, mức hỗ trợ 1.000.000 đồng/người/tháng. Thời gian hỗ trợ tối đa 3 tháng.

Theo báo cáo cập nhật đến ngày 12/8, 10 địa phương có tỉ lệ giải ngân thấp nhất là An Giang, Hải Phòng, Bình Định, Nghệ An (dưới 1%), Vĩnh Long, Thanh Hóa, Bắc Ninh, Quảng Trị (hơn 1%), Quảng Nam, Bình Thuận (hơn 2%).

Theo Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, việc hỗ trợ chậm là do một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa quan tâm đúng mực, thiếu trách nhiệm trong công tác chỉ đạo, tham mưu và còn lúng túng trong việc bố trí, sử dụng kinh phí để hỗ trợ; người sử dụng lao động, chủ cơ sở cho thuê, cho trọ sợ trách nhiệm, không dám xác nhận, lập hồ sơ đề nghị cho người lao động; bản thân người lao động chưa nắm hết thông tin để chủ động làm thủ tục đề nghị hỗ trợ.

Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung yêu cầu các địa phương phải có giải pháp xử lý, chậm nhất là ngày 30/8 phải hoàn thành việc hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động:

Những hồ sơ đã tiếp nhận rồi thì khẩn trương thẩm định phê duyệt, những hồ sơ đã phê duyêt rồi thì ngay lập tức phải chi tiền cho người lao động và người sử dụng lao động. Toàn bộ hồ sơ kiểm tra, thẩm định thông qua công nghệ thông tin, thông qua tài khoản của người lao động. Tôi đề nghị tất cả các địa phương hôm nay, lãnh đạo Sở, lãnh đạo các ngành, các đồng chí lãnh đạo địa phương phải phân công một đồng chí lãnh đạo việc tiết giảm trực tiếp chỉ đạo việc này.

Ảnh nh họa: Trần Tiến/Thanh niên

Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân gói hỗ trợ, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đã chỉ đạo các cấp công đoàn tiếp tục phối hợp với chủ sử dụng lao động và chính quyền địa phương tháo gỡ vướng mắc, sớm giải ngân tiền hỗ trợ thuê nhà cho người lao động.

Bà Trần Thị Thanh Hà, Trưởng Ban quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho biết:  Tổng Liên đoàn đã có công văn chỉ đạo các cấp công đoàn, đặc biệt đối với các cấp công đoàn doanh nghiệp, công đoàn khi công nghiệp, tăng cường phối hợp với với người sử dụng lao động và các cấp chính quyền nơi có đông người lao động phải thuê nhà, cải cách thủ tục, tạo thuận lợi để người lao động có giấy xác nhận, hoàn tất thủ tục thanh quyết toán và nhận được tiền hỗ trợ đó. Nếu còn vướng mắc thì các bên cùng phối hợp tháo gỡ, đồng thời báo cáo các cấp để kịp thời giải quyết, tăng giải ngân gói hỗ trợ này.

Triển khai hỗ trợ nhà ở cho người lao động trong chương trình phục hồi phát triển KTXH, Chính phủ đã dành 6.600 tỷ đồng từ tăng thu ngân sách Trung ương để thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động gặp khó khăn sau đại dịch COVID-19. Dự kiến có 3,4 triệu người lao động được nhận tiền từ gói hỗ trợ này.

Nhưng việc chậm trễ giải ngân hỗ trợ tiền thuê trọ cho người lao động khiến nhiều lao động thất vọng và bày tỏ không trông chờ sẽ nhận được tiền hỗ trợ. Bộ LĐTB&XH khẳng định, các địa phương chậm giải ngân hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động sẽ phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ.