“Hái tiền” từ nuôi tôm sinh thái

Dự án Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững đồng bằng sông Cửu Long đã hỗ trợ người dân Cà Mau xây dựng mô hình nuôi tôm sinh thái dưới tán rừng, bước đầu mang lại hiệu quả cao. Mỗi con nước, hộ dân bán tôm được khoảng 25-30 triệu đồng, có thời điểm thu nhập 100 triệu đồng/con nước.

Huyện Ngọc Hiển được xem là “thủ phủ tôm rừng” vì vừa sở hữu diện tích và đạt tiêu chuẩn quốc tế lớn nhất của tỉnh Cà Mau. Ông Trịnh Hoàng Phi, ngụ xã Viên An Đông cho biết, bao đời nay, người dân các huyện Ngọc Hiển và Năm Căn luôn gắn bó với nghề nuôi tôm dưới tán rừng bằng cách chia tỷ lệ 60% rừng và 40% tôm nuôi.

Trước đây, bà con thường mua giống về rồi thả xuống nước, được con nào bắt con đó. Nhưng khi con tôm rừng bước ra thị trường xuất khẩu đã xây dựng thương hiệu tôm sú chất lượng, góp phần khẳng định danh tiếng con tôm Việt Nam thì nông dân cũng đã áp dụng quy trình phơi đầm, rải vôi khử khuẩn, khoanh ươm con giống rồi mới thả ra môi trường tự nhiên. Nhờ đó, tôm lớn nhanh như thổi lại tránh được hao hụt.

Đặc biệt, con tôm rừng đã mang lại hiệu quả kinh tế vững chắc cho nông dân, mặc cho khí hậu biến đổi khắc nghiệt: “Ngoài tôm sú tôi còn thu về tôm thẻ, tôm đất, tôm bạc, cá thòi lòi, rắn, cua… năm nào thất nhất cũng được 200 triệu, đó là khi tôi đã trừ hết chi phí rồi đó. Chứ bình quân ổn định nhất của tôi là thường 290 triệu/năm từ tôm sinh thái”.

Năm Căn và Ngọc Hiển đang là "vương quốc" tôm sinh thái của ĐBSCL với diện tích tôm rừng lớn nhất. Cho con tôm chắc thịt, vỏ cứng và size lớn.

Ông Trần Hoàng Lạc – Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển cho biết, toàn huyện có 21.000/57.000 hecta nuôi tôm dưới tán rừng được các tổ chức quốc tế công nhận chứng nhận sạch, sinh thái. Hiện đang có 9.000 hecta đang được xem xét công nhận và trở thành vùng nguyên liệu chất lượng để giúp các doanh nghiệp xuất khẩu đến những thị trường khó tính nhất trên thế giới.

Đặc biệt, mô hình nuôi tôm sinh thái tại đây đã đạt hầu như tất cả các chứng nhận quốc tế, như: Naturland, EU Organic, Canada Organic, Selva Shrimp, ASC, BAP. Năm 2023, huyện đã giải ngân hơn 24 tỷ đồng để hỗ trợ vốn cho nông dân mở rộng diện tích nuôi tôm sinh thái. Nhờ đó mà đời sống người nuôi tôm khấm khá lên:

Ông Lạc cho biết thêm: “Để nuôi tôm sinh thái dưới tán rừng đạt năng suất và chất lượng, huyện đã chỉ đạo xây dựng sổ tay hướng dẫn cho người dân thực hiện quy trình nuôi tôm 2 giai đoạn. Huyện đã tiến hành hướng dẫn, tập huấn cho hầu hết hộ dân nuôi tôm trên địa bàn. Cơ quan chức năng cũng thực hiện các mô hình điểm trên địa bàn tất cả các xã, thị trấn và mang lại hiệu quả rất là cao. Có những mô hình, người dân xổ con nước thu vài chục triệu, một đêm thu được cả trăm ký tôm sú”.

Nuôi tôm trở thành mũi nhọn kinh tế của tỉnh Cà Mau với tổng diện tích 280.000 hecta và cũng là hướng đi mà “Đất Mũi” tập trung phát triển. Sản phẩm làm nên thương hiệu của tôm Cà Mau chính là các mô hình nuôi tôm rừng và tôm lúa. Trong đó, diện tích thả nuôi tôm rừng là  80.000 hecta; tôm lúa là 40.000 hecta. Mỗi tháng, tôm thu hoạch tôm 2 lần vào những ngày con nước (giữa tháng và cuối tháng âm lịch). Trung bình, mỗi hộ được khoán 4 hecta rừng ngập mặn nuôi tôm sẽ bán được từ 24 - 28 triệu đồng/tháng, sau khi trừ chi phí, còn lãi khoảng 15 triệu đồng. Ngoài con tôm, trung bình mỗi năm thu hoạch từ 150 - 200 kg cua bể, bán được cho thương lái với giá 200.000 đồng/kg, được thêm 40 triệu đồng.

Ông Nguyễn Thanh Tâm, ngụ xã Viên An Đông, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau cho biết: “Tôm sú lúc rơi vào cao điểm là giá hơn 300.000 đồng/kg, cứ 20 con vào 1 kg là bán được chừng ấy tiền. Nếu muốn bán tôm thịt thì cứ gọi điện trực tiếp cho công ty thủy sản xuống mua tại chỗ, không qua bất kỳ trung gian nào hết”.

Mỗi con nước, hộ dân bán tôm được khoảng 25 - 30 triệu đồng, có thời điểm trúng mùa - trúng giá, thu nhập 100 triệu đồng/con nước.

Nuôi trồng thủy sản dưới tán rừng là hình thức nuôi trồng gắn với bảo vệ rừng. Ngày nay, mô hình này còn được coi là giải pháp hấp thụ carbon, giảm phát thải khí nhà kính phù hợp với xu hướng phát triển xanh trên thế giới, mang lại thu nhập ổn định cho người dân địa phương. Theo tính toán, từ khối lượng sinh khối rừng phát triển thêm tại Cà Mau trong giai đoạn 2017-2024, đã giảm phát thải trên 1 triệu tấn khí carbon.

Thời gian qua, tỉnh Cà Mau đã nhận được nhiều hỗ trợ từ các dự án của các tổ chức quốc tế trong phát triển nuôi trồng thủy sản. Hiện nay, Cà Mau có khoảng 80.000 hecta rừng ngập mặn, trong đó có 30.000 hecta nuôi tôm dưới tán rừng. Hiện có trên 19.025 hecta được chứng nhận theo các tiêu chuẩn quốc tế. Năng suất bình quân đạt từ 250-300 kg/hecta/năm.

Ông Lê Văn Sử - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết: “Chúng tôi tập trung xây dựng các tiêu chuẩn quốc tế, chứng nhận các vùng nuôi để bảo vệ sản phẩm vừa khẳng định chất lượng để lưu thông trên thị trường”.

Để phát triển loại hình nuôi tôm sinh thái một cách mạnh mẽ và bền vững thời gian tới, tỉnh Cà Mau đã chú trọng chỉ đạo như quy hoạch đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 chuyển toàn bộ gần 30.000 hecta diện tích nuôi theo hình thức tôm - rừng sang nuôi tôm sinh thái dưới tán rừng và trên 20.000 hecta nuôi tôm sinh thái được chứng nhận. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp tỉnh chú trọng nhân rộng nuôi tôm quảng canh kết hợp đa dạng đối tượng nuôi trên diện tích 100.000 hecta, nuôi tôm sinh thái theo mô hình sản xuất luân canh lúa - tôm trên diện tích 43.000 hecta.

Trong Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh Cà Mau, ngành hàng tôm sinh thái được chọn lựa là một trong những ngành hàng tập trung ưu tiên phát triển và chú trọng phát triển chuỗi giá trị tôm sinh thái trên cả 2 lĩnh vực nuôi tôm dưới tán rừng ngập mặn và nuôi tôm luân canh trồng lúa.