
BÊN DÒNG THỜI GIAN
Cứ vào độ xuân, những chiếc xe đạp chở hoa bưởi bán rong trên phố cổ Hà Nội đã trở thành hình ảnh quen thuộc, gắn liền với ký ức và nét đẹp văn hóa của thủ đô. Buổi sáng sớm, khi mặt trời vừa ló dạng, những người bán hoa bưởi đã bắt đầu chuẩn bị gánh hàng. Gánh hoa bưởi thường được đặt trên đôi vai gầy guộc của những người phụ nữ ền quê.
Những chiếc xe đạp nhỏ bé nhưng đầy sức nặng, gánh trên mình những bó hoa bưởi trắng muốt, thơm ngát. Đôi khi, chỉ cần một làn gió thoảng qua là hương hoa bưởi cũng theo gió lan tỏa khắp phố, mang đến cho mọi người cảm giác thanh thản, dễ chịu. Mùa hoa bưởi năm nay được hơn năm ngoái nên chị Phạm Thị Thắm – sinh sống tại Khoái Châu, Hưng Yên vẫn cần mẫn đi từng con phố để bán:
"Hoa bưởi mỗi năm một cái khác nhau. Năm nay hoa bưởi cũng sai. Đây không phải hoa bưởi diễn, bưởi diễn ăn quả thì nhiều còn đây là bưởi chuyên cắt hoa để bán nên hoa mới được to như thế này.
Trên phố cổ này không có chỗ nào không đi. Cứ đi một ngày một phố đi hàng hai ba chục lần cũng có. Cứ đi đến bao giờ hết hàng thì thôi có khi 11h-12h đêm, có khi 5h-6h tối là hết. Nói chung tuỳ theo, hôm nào hết hàng về sớm, hôm nào ế thì đi nhiều".

Hoa bưởi có một vẻ đẹp rất riêng, không ồn ào, không rực rỡ, nhưng lại khiến người ta say đắm bởi sự tinh tế và thanh nhã. Người bán hoa cũng vì thế không rao lên thành tiếng như các hàng rong khác. Dưới ánh sáng ban mai, những cánh hoa bưởi như lấp lánh, nổi bật trên những chiếc lá xanh mướt, tạo nên một bức tranh tuyệt đẹp giữa phố phường tấp nập.
Có người mua hoa bưởi để đi lễ, có người mua hoa bưởi để ướp thêm hương vào món ăn, còn có người mua hoa bưởi chỉ vì nhớ về ký ức từng có với loài hoa này như chia sẻ của bạn Ngọc Phương:
"Nếu để nói về hoa bưởi với cá nhân tôi giữa nhiều loại hoa đẹp rực rỡ như hoa hồng, hoa ly, hoa sen thì với tôi hoa bưởi vẫn là thứ gì đó mang tính đặc trưng rất riêng. Hoa bưởi chỉ là một loài hoa nhỏ bé thôi.
Để nói về giá trị kinh tế thì tôi nghĩ nó cũng không có giá trị kinh tế quá lớn. Thế nhưng để xét góc độ nào đấy thì loài hoa nhỏ bé này lại mang trong mình hương thơm thanh khiết, dịu dàng và mỗi lần ngửi hoa bưởi khiến tôi gợi nhớ nhiều kỉ niệm về thời thơ ấu.
Và đặc biệt cứ mỗi tháng 3 về thì hoa bưởi lại nở rộ và nếu mọi người có thể để ý một chút khi đi qua những nơi trồng hoa bưởi thì sẽ nhận ra mùi hoa bưởi rất đặc trưng thơm mát nhẹ nhàng và nó rất dễ chịu. Nó còn khiến cho tôi gợi nhớ về ký ức tuổi thơ. Bà nội tôi luôn đun nước lá gội đầu và thả chút hoa bưởi vào.
Mẹ tôi thì sẽ nặn bánh trôi bánh chay và sau đó khi nấu nước đường lên mẹ sẽ thả vài nhánh hoa bưởi vào và nó sẽ là hương thơm thì hồi bé tôi là trẻ con thì không thích ăn những thứ như thế nhưng khi lớn lên hình dung lại cảm giác đấy khiến mình rất bồi hồi và nhớ về tuổi thơ, giá như mình có thể quay lại tuổi thơ một lần nữa".
Nếu ai đó trên phố sẽ quen thuộc với góc hoa gói ở con phố Hàng Khoai, mà cô Phạm Thị Nhung bây giờ đã nối nghiệp bán thay mẹ chồng được hai năm rưỡi. Hoa gói Hà Nội là mùa nào thức ấy. Bởi vậy mà những gói hoa của cô luôn có những cành hoa bưởi nhỏ nhắn:
"Khách bây giờ chơi tinh tế hơn. Ngày xưa các cụ đơn giản hơn. Bây giờ các bạn chơi là cắm vào mẹt vào xốp để bông hoa sinh động hơn chứ hoa bưởi cắm vào nước thì cũng không đẹp, không theo ý mình nhưng cắm vào xốp thì theo ý mình được.
Các bạn bây giờ chơi tinh tế hơn, hiện đại hơn. Không như ngày xưa, ngày xưa các cụ chỉ đặt vào đĩa dâng lên ban thờ là xong. Bây giờ các bạn bố trí góc nhà hay chỗ nào đó, bàn làm việc, cắm thế cũng rất đẹp".
Người Hà Nội chơi hoa bưởi một cách rất tinh tế và nhẹ nhàng, thể hiện sự yêu thích vẻ đẹp giản dị mà thanh tao của loài hoa này. Họ thường cắt những cành hoa bưởi tươi, cắm vào bình hoặc đặt vào đĩa nhỏ, để trên bàn thờ tổ tiên hoặc trong không gian sống của gia đình.
Những cành hoa bưởi trắng muốt, với hương thơm thanh thoát, không quá nồng nàn nhưng rất quyến rũ, tạo nên một không khí tươi mới, trong lành trong mỗi ngôi nhà. Cô Nhung kể về câu chuyện các cụ xưa dùng hoa bưởi:
"Ngày xưa lúc kinh tế nghèo nàn không có nhiều hoa hiện đại nhưng rất thích hoa đồng nội kiểu hương đồng gió nội như hoa bưởi, hoa lan. Bây giờ đã mua hoa đó thì dâng lễ là chính, không chơi như ngày xưa. Ngày xưa là gài vào tai, cho vào túi áo.
Ví dụ cặp đôi yêu nhau có thể tặng nhau bông hoa lan hoặc gài vào quyển sách, quyển vở hoặc gài túi áo ngực để ngày này qua ngày khác đến lúc khô rồi người ta vẫn giữ. Hoa bưởi có đặc trưng quý là đến mùa gần tết có hoa bưởi để ướp vào mía.
Ngày xưa cổ truyền là cánh hoa bưởi ướp vào mía để tủ lạnh để ăn. Hoa bưởi cho vào tào phớ. Ba là ướp vào bột sắn và bột bánh trôi bánh chay rất thơm. Cái quý của hoa bưởi là như vậy".
Gánh hoa bưởi rong ruổi trên phố cổ không chỉ là hình ảnh của mùa xuân, mà còn là biểu tượng của sự giản dị, thanh tao trong đời sống người Hà Nội. Những người bán hoa bưởi mang trên vai những gánh hàng thơm ngát, từng bó hoa trắng muốt toát lên vẻ đẹp tinh khiết.
Hương hoa bưởi dịu dàng, thanh thoát lan tỏa khắp phố phường, khiến ai đi qua cũng phải dừng lại, ngẩn ngơ. Với người Hà Nội, hoa bưởi không chỉ là một loài hoa, mà là một phần ký ức, là hương sắc của đất trời, gắn liền với những buổi sáng yên bình, những tách trà ấm nồng trong không gian thơm mát của mùa xuân.
SỐNG Ở HÀ NỘI
Năm nào chả có tháng Ba và tháng Ba nào cũng có ngày 29. Nhưng ngày 29/3/1973 là ngày đáng nhớ với nhiều người Hà Nội, hôm đó chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa trao trả cho phía Hoa Kỳ 67 phi công cuối cùng. Một ngày cuối tháng Ba năm ấy sẽ được thuật lại qua bài viết của nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến.
Phần lớn trong số phi công này đã lái B52 tập kích vào Hà Nội, Hải Phòng cuối tháng 12/1072.
8 giờ 30 phút, chiếc máy bay chở tổ công tác của Ủy ban quốc tế và Ban liên hợp quân sự 4 bên từ Sài Gòn bay ra sân bay Gia Lâm. Tiếp sau đó, 2 chiếc máy bay vận tải C141 của Mỹ từ căn cứ không quân Clark, Philippines cũng lần lượt hạ cánh. Sau 3 tháng kể từ cuối tháng 12/1972 bầu trời Hà Nội lại bị khuấy động bởi âm thanh lớn khiến người Hà Nội không biết chuyện gì xảy ra.
Tầm 9 giờ, gần 70 chiếc xe ô tô các loại đổ về sân bay Gia Lâm. Trong số khách ngồi trên xe có 18 nhà báo quốc tế thường trú tại Hà Nội được mời tham dự buổi trao trả 67 tù binh phi công cuối cùng. Gần trưa, thêm một chiếc máy bay Boeing từ Băng Cốc đưa 62 nhà báo Mỹ và Phương Tây, trong đó có 5 hãng truyền hình đáp xuống sân bay Gia Lâm.
Khoảng 11 giờ, Ban tổ chức thông báo cho phép đoàn xe chở các nhà báo cùng tổ công tác vào nội thành. Đoàn xe chiếc nọ nối chiếc kia dài hơn 1 km chạy qua cầu Long Biên, rẽ phố Hàng Đậu vào phố Phan Đình Phùng, sau đó rẽ đường Hùng Vương đi về gò Đống Đa. Đoàn xe dừng lại tại Ngã Tư Sở.
Người dân khu vực ngã tư đổ ra xem đứng kín hai bên đường. Đoàn khách được hướng dẫn vào trại tạm giam thăm tù binh. Trại giam này trước là Xưởng phim Quân đội. Ở đây từng xảy ra sự kiện chấn động, năm 1971, một tù binh phi công Mỹ trốn trại nhưng anh ta mới chỉ lọt ra ngoài từ lúc nửa đêm tới đầu giờ sáng hôm sau đã bị bắt lại.
Tù binh này khai, anh ta phát hiện trong phòng giam có lỗ lên trần, khi cải tạo xưởng phim thành trại giam, người ta sơ ý không đổ bê tông lấp kín mà dùng dây thép gai bịt lại. Anh ta đã gỡ dây thép gai trèo lên trần, lợi dụng đêm tối vượt tường ra ngoài.
Các vị khách quốc tế và các nhà báo được mục sở thị trại giam khang trang, tù binh mới cắt tóc, tất cả mặc quần xanh màu nước biển, áo bu dông xanh da trời, đi giày đen bóng loáng và mỗi tù nhân được tặng một túi xách màu ghi nhạt. Một số tù binh mở túi cho phóng viên quay phim, chụp ảnh những “món quà” kỷ niệm gồm: xà phòng, thuốc lá Điện Biên, bộ quần áo tù kẻ sọc...
Sau đó đoàn xe trở lại sân bay Gia Lâm. Buổi lễ chính thức trao trả tù binh phi công cho phía Hoa Kỳ tại sân bay được bắt đầu lúc 14 giờ 15 phút. Cả 67 tù binh xếp hàng theo đội hình “bám đuôi” nhau, chờ gọi tên. Đứng cuối đội hình “bám đuôi” là viên thiếu tá Alfred Agnew, viên phi công sinh ngày 11/8/1940, quê ở bang Illinois bị bắn rơi trên bầu trời Hà Tây ngày 28/12/1972.
Đúng 15 giờ 20 phút, sau khi Alfred Agnew bước vào khoang máy bay, cánh cửa hai bên và phía sau chiếc máy bay C141 mang số hiệu 50238 từ từ khép lại kết thúc buổi trao trả từ binh phi công Mỹ cuối cùng.
Chiều hôm đó phố phường không cờ hoa nhưng nhộn nhịp khác thường. Một ngày được lịch sử ghi khắc Hà Nội tiễn những vị khách không mời một cách lịch sự dù họ gây ra nỗi đau 18 năm cho dân tộc Việt Nam.
TIN YÊU
- Lễ hội Quà tặng du lịch Hà Nội với thông điệp 'Hà Nội - Đến để yêu' sẽ diễn ra từ ngày 11/4 - 13/4 tại không gian đi bộ phố Trần Nhân Tông và phụ cận. Chương trình dự kiến có 80 gian hàng được phân bổ tại nhiều không gian như: không gian trải nghiệm các điểm đến di sản; không gian trải nghiệm các làng nghề; khu trưng bày, giới thiệu sản phẩm tinh hoa, chất lượng, quà tặng cao cấp…
- Lễ đón nhận di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia; kỷ niệm 10 năm 34 pho tượng được công nhận bảo vật Quốc gia (2015 - 2025) và khai hội chùa Tây Phương huyện Thạch Thất, Hà Nội năm 2025 sẽ được tổ chức từ ngày 2 - 4/4.
- Chiều 26/3, tại di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám diễn ra khai mạc Hà Nội Art Fair: Hội Làng nghệ “Đa sắc”, giới thiệu đến công chúng hơn 300 tác phẩm tranh đến từ 12 hoạ sĩ và các studio tạo nên một không gian nghệ thuật đa sắc màu.
- Trong hai ngày 29 – 30/3 tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam diễn ra chương trình dân ca dân vũ “Tháng Ba Tây Nguyên - Em là hoa Pơ lang” của đồng bào dân tộc Tây Nguyên. Đây là chương trình dân ca dân vũ đặc sắc của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên như Ba Na, Gia Rai, Ê Đê, Xơ Đăng...
- "Dạ hội Cựu Sinh viên Thủ đô" mùa thứ 2 sẽ chính thức trở lại sau 3 năm kể từ lần đầu tiên được tổ chức tại Hà Nội. Đây là dịp hội ngộ của những ca sĩ, ban nhạc, là những cựu sinh viên của thập niên 90. Chương trình sẽ chính thức diễn ra vào chiều tối 12/4/2025 tại khuôn viên trường Đại học Tổng hợp cũ (nay là Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc Gia Hà Nội - 19 Lê Thánh Tông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).