Gỡ khó cho điện khí tại Việt Nam

Hiện nay các quy hoạch ngành và kế hoạch sử dụng đất của các địa phương chưa cập nhật phù hợp Quy hoạch điện VIII nên dẫn tới khó khăn khi triển khai.

Đây là nội dung được đề cập tại diễn đàn “Tiềm năng phát triển thị trường điện khí tại Việt Nam" do Báo điện tử VOV tổ chức với sự đồng hành của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam diễn ra vào ngày 14/12.

Ông Phạm Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam phát biểu tạo diễn đàn

Khai mạc diễn đàn, ông Phạm Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam nhấn mạnh, phát triển điện khí là phù hợp với chủ trương của Việt Nam trong Quy hoạch điện VIII để đảm bảo cung cấp điện cho hệ thống và giảm phát thải khí nhà kính ra môi trường, bù đắp thiếu hụt năng lượng cho hệ thống và đảm bảo đa dạng nguồn cung cấp nhiên liệu. Đồng thời, nguồn dự phòng khi tỷ trọng của các nguồn điện năng lượng tái tạo tăng cao trong cơ cấu nguồn, đảm bảo ổn định cung cấp điện cho hệ thống.

Tại diễn đàn, ông Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng, Việt Nam là một trong 6 nước trên thế giới chịu ảnh hưởng lớn nhất do biến đổi khí hậu. Do đó, nước ta đã và đang tiên phong trong việc thực hiện các cam kết xanh, được cộng đồng quốc tế đánh giá là hình mẫu về một đất nước đang phát triển còn nhiều khó khăn nhưng đã có những đóng góp cho “ngôi nhà chung” an toàn của nhân loại.

Phát triển điện khí LNG (khí thiên nhiên hóa lỏng) giúp tăng hiệu quả trong sản xuất điện, giảm sự phụ thuộc vào nhiệt điện than, giảm phát thải, bảo vệ môi trường và hướng đến mục tiêu phát triển bền vững của đất nước. LNG là dạng năng lượng có phát thải thấp, đang có xu hướng sử dụng rộng rãi, đặc biệt khi Việt Nam đã tham gia vào “Cam kết quốc tế giảm phát thải gây ô nhiễm sau COP21”.

Ông Mai Xuân Ba, Đại diện Tổng công ty Khí Việt Nam PV GAS tham luận tại diễn đàn.

Chỉ ra những thách thức lớn trong phát triển điện khí LNG, ông Mai Xuân Ba, đại diện Tổng công ty Khí Việt Nam (PV Gas) cho biết: Theo Quy hoạch điện VIII, điện khí chiếm tỉ trọng 24,8%, tương đương hơn 37.000 MW. Ngoài lượng khí trong nước đáp ứng khoảng 10% nhu cầu, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu thêm 15 triệu tấn LNG.

Thế nhưng, trong tổng số 13 dự án cần phát triển đến năm 2030, hiện chỉ có duy nhất điện khí Nhơn Trạch 3 và 4 đang trong giai đoạn xây dựng và sắp đưa vào vận hành, một dự án đang trong quá trình làm các thủ tục đầu tư, còn lại hầu hết các dự án đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư. Mặc dù Quy hoạch điện VIII đã được ban hành nhưng một số quy hoạch ngành, quy hoạch địa phương chưa hoàn thiện, đồng bộ và được cập nhật kịp thời, đặc biệt là quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Còn theo chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong, trong thời gian tới, ngành điện gặp nhiều thách thức bởi thủy điện hết dư địa phát triển; nhiệt điện than không được phát triển thêm sau năm 2030 theo cam kết với quốc tế; điện sinh khối công suất nhỏ và giá thành không dễ cạnh tranh; điện hạt nhân chưa được xác định cụ thể, trong khi điện khí hydro, amoniac còn nhiều vướng mắc để thương mại hóa. Do đó, việc phát triển mạnh mẽ nhiệt điện khí LNG sẽ giúp ngành điện phát triển xanh hơn và hạn chế sự phụ thuộc vào các nhà máy nhiệt điện than vốn chiếm tỉ lệ khá cao trong hệ thống hiện nay.

Toàn cảnh diễn đàn

Tại diễn đàn, các đại biểu cũng đã tập trung trao đổi, thảo luận về thực trạng, cơ hội và thách thức trong việc phát triển điện khí; cơ chế giá phù hợp cho thị trường điện khí LNG; hướng đi cho việc phát triển điện khí tại Việt Nam.

Các chuyên gia cho rằng, để phát triển điện khí LNG, rất cần sự trao đổi, chia sẻ, lắng nghe giữa cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp, địa phương, các chuyên gia, nhà nghiên cứu để tiếp tục cụ thể hóa các hành động về chính sách và tổ chức thực hiện nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, nhập khẩu và kinh doanh khí, bảo đảm cân bằng thị trường, phát triển hạ tầng.

cùng với đó, cần đặc biệt quan tâm đến các vấn đề như công tác quy hoạch, huy động nguồn lực, cơ chế giá, giải phóng mặt bằng...trong đó bao gồm LNG nhập khẩu và sử dụng khí trong nước; Các giải pháp bảo đảm phát triển hạ tầng điện khí tại Việt Nam; Đảm bảo chuỗi cung ứng cho sản xuất điện khí; Vốn đầu tư, sử dụng đất, không gian biển, hiệu quả kinh tế - xã hội. Đặc biệt cũng cần quan tâm đến những khó khăn, vướng mắc, giải pháp đối với các dự án điện khí đang khó khăn, vướng mắc hiện nay…/.