Những vườn mai vàng rực rỡ, tấp nập thương lái đến xem, mua chỉ còn là hình ảnh của những năm trước. Năm nay, sức mua giảm sút rõ rệt khiến người trồng mai lo lắng.
Vốn được mệnh danh là "thủ phủ mai vàng" của TP.HCM, Làng mai Bình Lợi (Huyện Bình Chánh) với diện tích hơn 600 ha, quy tụ hàng trăm hộ dân chuyên canh mai Tết, cung cấp một lượng lớn mai cho thị trường TP.HCM và các tỉnh lân cận. Thế nhưng, năm nay, không khí mua bán ảm đạm bao trùm khắp các nhà vườn.
Ngồi trầm ngâm bên tách trà, ông Lê Hữu Thiện - Giám đốc HTX Mai vàng Bình Lợi với ánh mắt hướng về phía những gốc mai vàng ươm đầy nụ, giọng ông trầm buồn cho biết, chính sự ảnh hưởng của hạn mặn kéo dài và thời tiết thất thường đã ảnh hưởng đến năng suất ra hoa của 10ha vườn của ông:
“Hiện tại tôi trồng 10 ha, trong đó có 1000 mai chậu và khoảng 20000 cây mai đất, năm nay thời tiết khắc nghiệt hơn những năm trước do hạn mặn kéo dài rồi mưa trễ, đến tháng 11, 12 mà vẫn còn mưa nên tình trạng ra bông, nụp búp không đạt. Năm nay nhà vườn giảm khoảng 30% năng suất so với những năm trước”.
Bên cạnh đó, ông Thiện cũng nhận thấy sức mua năm nay giảm đáng kể so với mọi năm.
Những cây mai có giá dao động từ 300 nghìn đến 1 triệu đồng được ưa chuộng hơn bởi giá cả phải chăng:
“Năm nay lượng mua của khách hàng và thương lái đến thời điểm này giảm hơn so với những năm trước. Do khách hàng ở ền Nam thì người ta chờ đến từ 20 âm lịch trở lên vì lúc đó cây sẽ có nhiều búp, nụ. Giá thương lái mua nhiều nhất là từ 300 nghìn đến 1 triệu”.
Không chỉ ông Thiện mà nhiều hộ dân trồng mai khác cũng trong tình cảnh tương tự. Có người phải bán đổ bán tháo, chấp nhận thua lỗ hơn nửa giá so với năm trước để "giải cứu" vườn mai. Chú Trương Minh Dũng (xã Bình Lợi, Huyện Bình Chánh) đã trồng mai hơn 30 năm qua chia sẻ:
“Hồi trước một líp mai khoảng 500 cây mình bán tệ gì cũng từ 80 đến 100 triệu, giờ chỉ bán có hai mấy triệu. Thường thường cây mai hồi lúc trước mình bán 500 nghìn thì bây giờ bán chỉ có 250 nghìn, nửa giá thôi nhưng đó là mai đẹp còn xấu thì không được giá đó. Bị tổn thất nhiều lắm năm nay không lấy lại được tiền công đâu”.
Mặc dù giá cả đã giảm hơn một nửa so với mọi năm, nhưng sức mua năm nay vẫn không mấy khả quan. Nguyên nhân một phần là do thu nhập của người dân sụt giảm, khiến họ không còn mạnh tay chi tiêu cho những thú vui chơi ngày Tết. Chú Dũng chia sẻ thêm:
“Bây giờ tại vì thu nhập của người dân không đạt như mong muốn nên người dân đâu có chơi nhiều, năm trước thu nhập người dân ổn định thì người ta chơi cạnh tranh nhau, nhà này mua cây mai 500 nghìn thì nhà kia mua cây mai 600 nghìn, còn bây giờ kinh phí không có nên người dân đâu có cạnh tranh nhau đâu”.
Không chỉ người trồng mai bị ảnh hưởng, mà những nhân công chăm sóc mai cũng chịu cảnh thu nhập giảm sút đáng kể do số lượng cây giảm, giá cả lại bấp bênh. Vừa bó gốc, vào chậu cho những cây mai chuẩn bị vận chuyển ra thị trường ền Bắc phục vụ Tết, anh Nguyễn Văn Mười chia sẻ:
“Nếu mà nói về thu nhập thì cũng tạm tạm, đỡ thôi chứ không bằng mấy năm trước. Năm vừa rồi anh em đi làm thì thu nhập đỡ hơn nhưng năm nay số lượng cây rồi bông hoa nó ra trễ rồi cũng ít nên thu nhập bèo lắm”.
Tuy quy mô nhỏ hơn những nơi khác, nhưng không khí tại làng mai Thủ Đức cũng kém phần sôi động so với mọi năm. Vẫn chịu chung ảnh hưởng của thời tiết, sản lượng mai năm nay giảm đi đáng kể. Tuy vậy, với nhiều nhà vườn, việc trồng mai, góp phần làm đẹp cho ngày Tết vẫn là niềm an ủi, níu chân họ gắn bó với nghề. Anh Nguyễn Thanh Hà, chủ vườn mai Hà Ba Trận (Thủ Đức) bộc bạch:
“Nói chung nghề nông nghiệp ở Việt Nam mình thì nó rất là vất vả. Nhưng mà trong vất vả đó nó có niềm vui, có những năm thời tiết khắc nghiệt nhưng mà mình cũng vượt qua được thì cũng có cây mai bông giao đến cho khách hàng thành công thì lúc đó mình vừa tự hào vừa sung sướng. Những điều như vậy nó sẽ an ủi mình những lúc khó khăn, chứ còn những khi gặp khó khăn mà mình nản, bỏ là mình sẽ không theo được nghề trồng mai cho đến ngày hôm nay”.
Tết đến, xuân về, người người nhà nhà đều mong muốn có một cái Tết đủ đầy, ấm no. Những người trồng mai cũng vậy, họ mong muốn những "đứa con tinh thần" của mình sẽ tô điểm cho sắc xuân đất trời, mang lại niềm vui cho mọi người và cũng là mang lại thu nhập cho gia đình.
Dù gặp nhiều khó khăn, nhưng với niềm đam mê và tình yêu với nghề, những người trồng mai vẫn đang nỗ lực hết mình để gìn giữ và phát triển làng nghề truyền thống này. Mong rằng, trong những ngày tới, sức mua sẽ tăng lên để người trồng mai có một cái Tết ấm no, trọn vẹn niềm vui.