Giá điện điều chỉnh 2 tháng một lần liệu có khả thi?

Bộ Công thương đang lấy ý kiến dự thảo nghị định quy định về cơ chế, thời gian điều chỉnh, căn cứ lập và điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân. Một trong những điểm mới của dự thảo là đề xuất rút ngắn thời gian điều chỉnh giá điện từ 3 tháng/lần, xuống 2 tháng/lần.

Đặc biệt, khi giá bán lẻ điện bình quân tăng từ 2% trở lên (thay vì từ 3% như hiện nay), Tập đoàn điện lực VN (EVN) có quyền điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện.

Ảnh nh hoạ: Thanh niên

Theo lý giải của Bộ Công thương, giá bán lẻ điện được phản ánh và điều chỉnh kịp thời theo biến động thực tế của thông số đầu vào, bù đắp chi phí hợp lý, hợp lệ với lợi nhuận nhằm bảo toàn, phát triển vốn kinh doanh của doanh nghiệp phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của từng thời kỳ và cấp độ thị trường điện cạnh tranh.

Đồng thời, quy định mới phù hợp với chỉ đạo của Thường trực Chính phủ về "tránh giật cục" trong quá trình điều chỉnh giá điện, có thể điều chỉnh nhiều lần trong năm. Bộ này cũng cho rằng việc xây dựng Dự thảo nghị định mới, xác định lợi nhuận các khâu nhằm đảm bảo cơ sở thực hiện ngay khi luật Điện lực có hiệu lực từ ngày 1/2/2025 tới.

Liên quan đến quy định điều chỉnh giá điện 2 tháng một lần, đại diện một doanh nghiệp đề nghị nên có cách điều hành về giá điện mang tính ổn định hơn là thay đổi liên tục như vậy. Vì các doanh nghiệp, đặc biệt trong ngành tiêu thụ lượng điện năng lớn luôn chú trọng tính toán chi phí sản xuất ngay từ cuối năm trước để có cơ sở làm việc với đối tác. Giá điện là một trong những khoản chi lớn của ngành cơ khí, công nghệ..., việc điều chỉnh liên tục trong năm sẽ khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong tính toán, dự trù.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Được, Tổng giám đốc Công ty TNHH Kế toán và Tư vấn Thuế Trọng Tín cho rằng, một số doanh nghiệp lo ngại việc điều chỉnh giá điện liên tục ảnh hưởng đến kế hoạch dự toán là đúng về mặt nguyên tắc song những dự toán chỉ là kế hoạch và các doanh nghiệp với những kỹ thuật tốt vẫn sẽ ước lượng, điều chỉnh để sự thay đổi này không ảnh hưởng quá nhiều đến hoạt động kinh doanh.

Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Được nêu quan điểm: "Việc điều chỉnh giá điện từ 3 tháng xuống còn 2 tháng thì quan điểm của tôi cho rằng, khi chính sách càng điều chỉnh nhanh, càng kịp thời và sát với thực tiễn thì phù hợp hơn đối với doanh nghiệp và cũng phù hợp hơn đối với nền kinh tế. Giả sử như giá điện đáng lẽ phải điều chỉnh thấp rồi nhưng lại phải chờ thêm thì doanh nghiệp sẽ chịu thiêt. Còn ngược lại đáng lẽ phải tăng mà cũng phải chờ thời gian để điều chỉnh thì ngân sách Nhà nước lại chịu thiệt hại. Do đó, việc điều chỉnh cần linh hoạt, phù hợp với thực tiễn".

Đề xuất rút ngắn thời gian điều chỉnh giá điện từ 3 tháng/lần, xuống 2 tháng/lần. Ảnh: Tạp chí Doanh nghiệp và hội nhập

Phân tích về vấn đề này, PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, về mặt nguyên lý thì việc rút ngắn thời gian điều chỉnh sẽ mang lại nhiều lợi ích. Tuy nhiên, vẫn có một số hạn chế: "Nó giúp giá điện phản ánh thực tế hơn với chi phí sản xuất, đặc biệt trong bối cảnh giá nguyên liệu đầu vào như than, khí đốt thường xuyên biến động. Thứ 2 là giảm áp lực cho doanh nghiệp cung cấp điện, nghĩa là có thể điều chỉnh kịp thời, giảm rủi ro về tài chính. Thứ 3 là khuyến khích tiết kiệm năng lượng. Nhưng nếu áp dụng biện pháp này thì vẫn còn một số thách thức như tác động đến đời sống của người dân, đặc biệt là nhóm có thu nhập thấp.

Khó khăn thứ 2 là thách thức trong quy trình quản lý và giám sát quy trình điều chỉnh, 2 tháng/ lần yêu cầu hệ thống giám sát phải nh bạch, chính xác, tránh lạm dụng chính sách hoặc thiếu nh bạch trong tính giá bình quân. Thứ 3 là sẽ ảnh hưởng đến doanh nghiệp, ví dụ tần suất thay đổi giá như vậy thì làm cho chi phí vận hành sản xuất của doanh nghiệp, đặc biệt là ngành tiêu thụ nhiều điện năng sẽ rất khó khăn". 

Mặc dù đồng tình với đề xuất rút ngắn thời gian điều chỉnh giá điện là theo đúng cơ chế thị trường, song chuyên gia năng lượng Đào Nhật Đình cho rằng sẽ khó khả thi. Bởi vừa qua, quy định về thời gian điều hành đã rút ngắn từ 6 tháng xuống 3 tháng, song quá trình điều chỉnh giá điện vẫn chưa diễn ra như quy định đến nay lại tiếp tục đề xuất điều chỉnh giá điện 2 tháng/lần, sợ rằng khó khả thi:

"Đề xuất thì đương nhiên hợp lý nhưng 3 tháng/ lần còn chưa thực hiện được thì liệu giờ 2 tháng/ lần thì có thực hiện được hay không thôi. Hiện nay, việc điều hành giá điện là quá chậm, hiện nay 1 năm tăng giá đươc 1 lần, có năm tăng giá được 2 lần thì như vậy nó dẫn đến áp lực luôn luôn phải tăng giá chứ nếu điều chỉnh nhanh hơn thì có tăng, có giảm".

Đồng tình với chuyên gia Đào Nhật Đình, PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cũng bày tỏ băn khoăn khi thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân tối thiểu là 6 tháng kể từ lần điều chỉnh giá điện gần nhất cho đến nay vẫn không thực hiện được, bây giờ thay đổi và rút ngắn thời gian thì liệu có thực hiện được hay không:

"Với quyết định 6 tháng/ lần không thực hiện mà bây giờ lại đưa ra một phương án mới là 2 tháng điều chỉnh một lần thì tính khả thi có hay không? Việc rút ngắn chu kỳ điều chỉnh chỉ đảm bảo trong điều kiện hệ thống giá, quản lý nh bạch và đáng tin cậy, có nghĩa là hạch toán đúng, đủ, kịp thời và đáng tin cậy. Đồng thời, có sự hỗ trợ đối với nhóm dân cư dễ bị tổn thương như trợ giá hoặc trợ cấp. Thứ 3 là phải công khai và giải thích đầy đủ cơ chế về tính gía, tạo sự đồng thuận trong xã hội".

Có thể thấy, dự thảo Nghị định mới này được xây dựng để thay thế cho Quyết định 05/2024, vừa nhằm quy định chi tiết một số điều của Luật Điện lực (sửa đổi), theo hướng giá bán lẻ điện được phản ánh và điều chỉnh kịp thời theo biến động thực tế của thông số đầu vào, bù đắp chi phí hợp lý, hợp lệ để bảo toàn, phát triển vốn kinh doanh của doanh nghiệp, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của từng thời kỳ và cấp độ thị trường điện cạnh tranh.

Tuy nhiên, một số ý kiến bày tỏ lo ngaị về tính khả thi của đề xuất bởi vừa qua, quy định về thời gian điều hành đã rút ngắn từ 6 tháng xuống 3 tháng, song quá trình điều chỉnh giá điện vẫn chưa diễn ra như quy định. Do đó, việc rút ngắn thời gian này cũng sẽ khó thực hiện nếu không đảm bảo một số yếu tố./.