Ghép gan thành công cho bệnh nhi hiếm gặp, tỉ lệ 1 triệu người mới có 1 ca

Chiều 10/7, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) cho biết vừa qua viện đã thực hiện thành công chuỗi ghép 3 ca ghép gan cho bệnh nhi.

Bác sĩ thực hiện ca ghép gan trong phòng mổ mới được xây dựng lại

TS.BS Phạm Ngọc Thạch, Phó giám đốc BV Nhi 2 chia sẻ, sau tháng 4/2024 bệnh viện được Bộ Y tế công nhận đủ điều kiện để ghép tạng trở lại sau thời gian bị gián đoạn ở khu vực phía Nam. Trải qua 19 năm, viện có 36 ca ghép gan, 30 ca ghép thận, giai đoạn 2005 - 2020 chỉ ghép được 12 ca, rất khó khăn công tác ghép gan tính ra 1 năm ghép chưa được 1 ca. Hai năm dịch gần như hoạt động đứng im, giai đoạn 2022 đến nay, bệnh viện tăng tốc ghép được 23 ca.

Từ 4/2024, chùm 3 ca ghép thành công gần đây đánh giá bước tiến dài, và cũng là một bước cho công tác xây dựng trung tâm ghép tạng nhi ở khu vực phía Nam vào 30/4/2025. Đồng thời, viện sẽ phấn đấu đạt mục tiêu 50 ca ghép.

Trong 3 ca thì có 2 ca bị teo đường mật, 2 ca này được thực hiện phẫu thuật ghép thường quy của viện nên không gặp khó khăn, bác sĩ đã có kinh nghiệm từ 34 ca trước đó. Riêng ca còn lại, em bé bị tắc tĩnh mạch dưới gan, bụng to gan; nhập viện 2023 bị biến chứng nên phải truyền máu gần như thay máu hoàn toàn, nhập viện tái đi tái lại nhiều lần.

Ca này hội chứng bất thường về hệ thống mạch máu rất hiếm gặp, bác sĩ đánh giá tỉ lệ 1/1 triệu dân mới có một ca. Bệnh nhi được sinh thiết gan ghi nhận bị xơ gan nặng. Ê-kíp bác sĩ viện hội chẩn cùng các giáo sư đến từ Bỉ để tiến hành ghép gan cho bé.

Cuộc ghép gan diễn ra ngày 1/7, sau 5 ngày được rút ống thở. Hiện, bé ổn định bắt đầu ăn lại bằng đường ệng không cần sử hỗ trợ tiêm tĩnh mạch.

Người mẹ động viên con sau ca ghép gan thành công

Chị Huỳnh Thị Thu Tuyền (22 tuổi, quê Bình Thuận) người mẹ hiến gan cho con gái hơn 3 tuổi – ca bị tắc tĩnh mạch dưới gan hiếm gặp, chia sẻ: “Tôi mừng vì bé như tái sinh lại thêm một lần nữa, xin cảm ơn các bác sĩ Nhi đồng 2 và giáo sư hỗ trợ đến từ Bỉ”.

Người mẹ cho biết, gia đình ngoài quê hoàn cảnh khó khăn, chồng đi làm thợ hồ, con bệnh nên 2 năm nay chỉ lo nuôi con ở viện. Giờ ghép gan thành công nhưng còn cả hành trình dài phía sau, bé phải sống và uống thuốc ức chế ễn dịch. Hoàn cảnh bây giờ khó khăn chỉ biết nỗ lực thôi, bệnh viện đã giúp đỡ hết sức có thể để cứu bé rồi.

Theo bác sĩ Thạch, thực tế cầu ghép gan rất lớn, hiện tại BV Nhi đồng 2 chờ ghép gan gần 200 ca, danh sách có người cho và chuẩn bị ghép 20 ca. Chỉ tính riêng phía Nam lượng bệnh nhi cần ghép gan mỗi năm cần 30 - 45 trường hợp, nếu không được ghép thì bệnh nhi sẽ chết trong chờ đợi.

Đối với bệnh nhi suy gan giai đoạn cuối các bé không được ghép kịp thời thì sự sống các bé không còn. Mặc dù đã thành công 36 ca, nhìn có vẻ nhiều, song so với nhu cầu thực tế thì chỉ như tính trên đầu ngón tay, vì vậy bác sĩ cần phải nỗ lực hơn nữa để không bỏ qua thời gian vàng cứu sống các bé.

Cùng theo bác sĩ chi phí trung bình một cuộc ghép 600-700 triệu, bảo hiểm y tế chi trả tầm 1/3 và gia đình chi trả tầm 300-400 triệu. Đây là giá gần như tối ưu nhất so với các bệnh viện, và hiện chưa thống nhất được chi phí chung trên toàn quốc.

Nhưng nhìn chung, để cứu sống một mầm non thì con số này không quá lớn so với gánh nặng chi phí bệnh tật kéo dài, chất lượng các bé suy giảm kéo dài dần cho đến chết. Gan được ghép có đời sống tốt trên 10 năm và bệnh nhi có thể trưởng thành và có một cuộc đời mới, có thể kết hôn và sinh con.