GDP tăng 7,09% năm 2024, tạo đà bứt phá cho năm 2025

Hôm nay (6/1), Tổng cục Thống kê công bố số liệu thống kê tình hình kinh tế -xã hội quý 4 và cả năm 2024, với nhiều con số ấn tượng.

Đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế thế giới đầy biến động, Việt Nam ghi dấu ấn mạnh mẽ với tăng trưởng GDP ấn tượng 7,09% trong năm 2024, vượt xa các dự báo và trở thành điểm sáng về tăng trưởng trong khu vực, từ đó tạo đà bứt phá cho năm 2025. 

Ảnh nh họa. Nguồn: Vietnam plus

Mức tăng trưởng GDP năm 7,09% so với năm 2023, chỉ thấp hơn tốc độ tăng của các năm 2018, 2019 và 2022 trong giai đoạn 2011-2024. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2024 đạt mức tăng trưởng tích cực 3,27% mặc dù chịu ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ. Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp phục hồi tích cực và tăng trưởng mạnh mẽ so với năm 2023. Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp năm 2024 tăng 8,32% so với năm trước. Trong khi kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 380,76 tỷ USD, tăng 16,7% so với năm trước.

Nhận định về các con số ấn tượng này, Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Thường Lạng, Giảng viên Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng: "Kim ngạch xuất nhập khẩu của nước ta gần chạm mốc 800 tỷ USD, với tốc độ tăng trưởng như vậy, đây là động lực rất mạnh để chuyển dịch kinh tế hướng đến xuất khẩu, lấy các thị trường mà chúng ta đã ký kết các Hiệp định thương mại tự do làm điểm tựa để ta huy động nguồn lực trong nước. Điểm thứ hai là thu hút đầu tư nước ngoài tiếp tục đạt được kết quả tốt. Đầu tư nước ngoài đang là điểm thúc đẩy cho các nguồn lực của chúng ta được huy động, đặc biệt là nguồn lực về nhân lực, nguồn nguyên liệu trong nước và nguồn nhập khẩu qua các nước lân cận".

Tăng trưởng kinh tế vượt 7% của Việt Nam là điểm sáng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu vẫn khó khăn, nhiều nước tăng thấp. Mức này cũng cao hơn so với dự báo của nhiều tổ chức quốc tế đưa ra trước đó. Theo  đánh giá của Tổng cục Thống kê, mức tăng trưởng năm 2024 là "rất tích cực" trong bối cảnh thế giới biến động khó lường, trong nước chịu ảnh hưởng bởi thiên tai. Đây là tiền đề quan trọng cho năm 2025 tăng tốc và về đích.

Tuy vậy, nền kinh tế vẫn phải đối mặt với những khó khăn. Bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê cho nhận định: "Chi phí nhập khẩu nguyên, nhiên vật liệu để phục vụ cho sản xuất sẽ tăng theo giá thế giới và chịu tác động bởi tỷ giá, ảnh hưởng đến chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm, tạo áp lực lên sản xuất của doanh nghiệp, từ đó đẩy giá hàng hóa tiêu dùng tăng lên, tạo áp lực lên lạm phát. Bên cạnh đó, các gói kích cầu, mở rộng tín dụng, hạ mặt bằng lãi suất, đầu tư công, một mặt sẽ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhưng mặt khác có thể tạo sức ép lên mặt bằng giá nếu nguồn cung tiền không được kiểm soát một cách hợp lý".

Ảnh: Đại đoàn kết

Còn theo đánh giá của Viện nghiên cứu Kinh tế và chính sách, một số rủi ro có thể ảnh hưởng tới kinh tế Việt Nam trong năm 2025 như: Giải ngân đầu tư công còn chậm và không đồng đều; Rủi ro thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn đang hiện hữu….Tiến sỹ Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế và chính sách cho rằng:

"Về trung hạn, cần tiếp tục đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, nâng cao trình độ và kỹ năng cho lực lượng lao động và phát triển khoa học công nghệ, nhằm cải thiện năng lực cạnh tranh. Bởi theo các chỉ báo và đánh giá về năng lực cạnh tranh toàn cầu thì đây là những điểm nghẽn, điểm dưới mức trung bình của Việt Nam trong suốt thời gian qua. Như vậy mới thúc đẩy chúng ta đặt ra mục tiêu thúc đẩy sự đổi mới sáng tạo và kinh doanh bền vững của doanh nghiệp, bởi suy cho cùng muốn có tăng trưởng nhanh và bền vững thì động lực vẫn đến từ khu vực doanh nghiệp".

Năm 2025, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng cũng có nhiều cơ hội đang mở ra. Nếu Việt Nam tận dụng tốt những cơ hội đó, thì mục tiêu tăng trưởng khoảng 8% là có thể đạt được. Đây cũng là nhận định của các chuyên gia tại buổi tọa đàm diễn ra mới đây. Tiến sỹ Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế và chính sách phân tích:

"Các động lực tăng trưởng như đầu tư công, đầu tư tư nhân và hoạt động xuất nhập khẩu có thể duy trì đà tăng trưởng trong năm 2025. Những thuận lợi từ bên ngoài cũng sẽ hỗ trợ cho tăng trưởng. Thậm chí, Việt Nam có thể tận dụng được những chính sách thương mại mới của Tổng thống đắc cử Mỹ Do-na-trăm để nâng cao vị thế cạnh tranh toàn cầu, giống như chúng ta đã đạt được trong năm 2024, khi tỷ trọng xuất khẩu của chúng ta vào Hoa Kỳ chiếm gần 1/3 tổng kim ngạch của Việt Nam trong năm 2024".

Do đó, theo các chuyên gia, trong ngắn hạn, giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng là cần tiếp tục chú trọng các giải pháp kích thích đầu tư, nhất là đầu tư tư nhân để đảm bảo tổng mức đầu tư toàn xã hội đạt mức cao và mở rộng cung tiền hợp lý nhằm kích thích tăng trưởng, như tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng tín dụng vào lĩnh vực ưu tiên; Tập trung tháo gỡ các khó khăn trên thị trường bất động sản, gói tín dụng nhà ở xã hội và phát hành trái phiếu doanh nghiệp. 

Chuyên gia kinh tế, Tiến sỹ Cấn Văn Lực cho rằng: "Ngoài câu chuyện liên quan đến tăng trưởng, các động lực thì chúng ta cần chú ý đến vấn đề kinh tế vĩ mô, tỷ giá, lạm phát. Đặc biệt, thị trường bất động sản và thị trường trái phiếu doanh nghiệp phục hồi tích cực. Một điểm nữa liên quan đến đột phá thể chế và tinh gọn bộ máy, chúng tôi hy vọng rằng với đà này thì niềm tin của người dân và doanh nghiệp tốt lên. Khả năng tăng trưởng GDP của nước ta từ 7,5%-8% trong năm 2025 và 2026 là đang tốt lên".

Năm 2024 khép lại với những thành tựu đáng tự hào về tăng trưởng kinh tế, một lần nữa khẳng định vị thế của Việt Nam trong bối cảnh thế giới đầy biến động. Kết quả này không chỉ là con số mà còn là sự nỗ lực, quyết tâm của cả đất nước. Bước sang năm 2025, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho rằng với những định hướng và giải pháp đã được vạch ra, Việt Nam hoàn toàn có thể kỳ vọng vào một năm mới với nhiều thành công và những bước tiến vững chắc trên con đường phát triển./.