GDP năm 2024 khó đạt mục tiêu nếu không khai thác tốt động lực

Tăng trưởng năm 2024 có hai kịch bản. Một là GDP ở mức 5,85%, lạm phát ở mức 4,5; 2 là GDP 2024 ở mức 6,01%.

 

 Tăng trưởng năm 2024 có hai kịch bản. Một là GDP ở mức 5,85%, lạm phát ở mức 4,5; 2 là GDP 2024 ở mức 6,01% - Đó là nhận định của Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách, thuộc trường Đại học kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội đưa ra tại hội thảo - công bố "báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2024" tổ chức sáng nay.

Có thể nói với hai kịch bản này, tăng trưởng kinh tế 2024 đều đang ở dưới mức tiềm năng. Vậy làm thế nào để kích hoạt được tăng trưởng mạnh nhất? Đâu là thách thức cần vượt qua? CĐTT chiều nay có bài phân tích.

Theo đánh giá của Viện nghiên cứu Kinh tế và chính sách, nửa đầu năm 2024, tăng trưởng GDP của Việt Nam phục hồi khá (Quý I đạt 5,66% so với cùng kỳ 2023, Quý II/2024 ước đạt 6% và 6 tháng đầu năm ước đạt 5,8%). Kinh tế Việt Nam 6 tháng cuối năm 2024 mặc dù vẫn khó khăn nhưng được kỳ vọng tăng trưởng tốt hơn so với cùng kỳ năm ngoái.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh – giảng viên cao cấp Học viện tài chính nhận định: "Năm 2024 có rất nhiều khó khăn với nền kinh tế. Nhưng tới nay gần hết 6 tháng rồi thì tăng trưởng kinh tế của chúng ta cũng có những cái đạt được mục tiêu của Quốc hội đề ra. Mặc dù 3 tháng đầu năm có tốc độ tăng trưởng rất cao nhưng quý 2 tăng trưởng không như mong muốn. Tuy nhiên khả năng chúng ta đạt được mục tiêu tăng trưởng từ 6 – 6,5% là hoàn toàn trong tầm tay. Và chúng tôi nghiêng về kịch bản thứ 2 là chúng ta có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng từ 6,3 – 6,7% trong năm 2024"

Viện nghiên cứu Kinh tế và chính sách dự báo kinh tế nước ta trong năm 2024 có thể diễn biến theo 2 kịch bản. Thứ nhất, tăng trưởng GDP 2024 ở mức 5,85%, lạm phát ở mức 4,5%, tỷ giá VND bình quân năm mất giá ở mức 5-6% năm 2024, giải ngân đầu tư công đạt mục tiêu đề ra cũng như đầu tư FDI không có biến động bất thường trong nửa cuối năm 2024.

Ảnh nh họa: vtcnews.vn

Chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Minh Phong cho rằng các điều kiện phát triển của năm nay có thể nói là thuận lợi hơn năm ngoái. Tuy nhiên với những động thái phức tạp của kinh tế - chính trị thế giới thì khó có thể khẳng định một chiều là GDP quý sau sẽ cao hơn quý trước trong một năm như truyền thống của nhiều năm qua. Do đó thách thức để đạt tăng trưởng GDP như kỳ vọng là: "Thách thức lớn nhất từ nay tới cuối năm là vấn đề khai thác được động lực tăng trưởng của khu vực tư nhân và đầu tư công, và khai thác thêm động lực mới mà khu vực FDI mang lại, nhất là khu vực của các Dn công nghệ cao. Còn khó khăn lớn nhất với khu vực kinh tế của Vn là lãi suất cao. Thứ 2 là điều kiện thị trường xuất khẩu của các DN nhất là dệt may, da giày đồ gỗ và một số doanh nghiệp thuỷ sản khác vẫn rất chặt chẽ, thậm chí một số DN phải làm không lãi để duy trì hoạt động".

Kịch bản thứ 2 là điều chỉnh chính sách tăng GDP 2024 ở mức 6.01% với điều kiện có điều chỉnh chính sách giảm chênh lệch lãi suất đồng Việt Nam trong nước và các các ngoại tệ mạnh trên thị trường quốc tế, giảm chênh lệch về lãi suất thực về huy động giữa đồng VND và USD, góp phần làm tăng cấu phần xuất khẩu ròng đạt mức 24 tỷ USD. Tăng trưởng đầu tư công và tư tốt hơn nhờ cải thiện môi trường đầu tư, kiểm soát tốt lạm phát ở mức 5%. Trong cả hai kịch bản, nền kinh tế đều đang hoạt động dưới mức tiềm năng.

Chuyên gia kinh tế, Tiến sỹ Cấn Văn Lực cho rằng: "Từ nay đến cuối năm, thách thức lớn nhất của chúng ta là cân bằng, hài hòa giữa lãi suất và tỷ giá, giữa tăng trưởng và kiểm soát lạm phát. Mặc dù từ đầu năm đến nay, tỷ giá của chúng ta tăng khoảng 4,5%, nhưng chúng tôi dự báo sẽ dịu dần từ quý 3 và cả năm,tỷ giá của chúng ta sẽ tăng từ 3,5 đến 4%. Đây là mức rất khả thi"

Theo TS Nguyễn Minh Phong, mức độ lạm phát nửa đầu năm trên 4%, trong khi đó lãi suất huy động chỉ loanh quanh khoảng 4,5 – 4,7% nên khó hạ thấp lãi suất xuống nữa. Còn lãi suất cho vay vẫn còn thiếu nh bạch dù Ngân hàng nhà nước cùng Chính phủ đã bắt buộc phải công khai nhưng lượng công khai không nhiều hoặc chưa rõ ràng. Do đó, điều hành lãi suất cũng một trong những công cụ cần phải quan tâm từ nay tới cuối năm.

Bên cạnh đó là: "Chúng tôi cho rằng điều rất quan trọng từ nay tới cuối năm chính là thực hiện những biện pháp quyết liệt của Thủ tướng về giải ngân đầu tư công, về đưa nhanh những luật mới và hiện thực hoá những điều của luật vào trong cuộc sống để giải phóng thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán. Giữ được những ổn định và chống lợi ích nhóm và tình trạng tham nhũng, đặc biệt là nhũng nhiễu ở cấp cơ sở cũng như ở một số ngành hàng, đặc biệt là vàng"

Nếu khai thác tốt các tiềm năng, các chuyên gia cho rằng vẫn có khả năng đạt được mức tăng trưởng như Quốc hội đề ra đầu năm. Vấn đề là chúng ta đã làm hết cách chưa và đã giải phóng được các động lực tăng trưởng đã có hay chưa…