Đường sắt đô thị thúc đẩy TOD tại TP.HCM

Một tháng sau khi vận hành chính thức, đường sắt đô thị số 1 đạt được những con số ấn tượng. Từ ngày 22/12 đến nay, tuyến Bến Thành - Suối Tiên thực hiện 5.408 lượt vận chuyển an toàn với số lượng hành khách là 2.656.542, vượt chỉ tiêu 246% so với kế hoạch đề ra.

Với vai trò là là trục xương sống để phát triển giao thông công cộng, các chuyên gia cho rằng, chiến lược phát triển TOD (Transit Oriented Development), mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng có tốc độ cao và khối lượng lớn, lấy đầu mối giao thông làm điểm tập trung dân cư, dọc tuyến đường sắt đô thị số 1 sẽ giúp khai thác hiệu quả tiềm năng của tuyến này, đồng thời giải quyết các vấn đề đô thị của thành phố. 

Từ ngày 22/12 đến nay, tuyến Bến Thành - Suối Tiên thực hiện 5.408 lượt vận chuyển an toàn với số lượng hành khách là 2.656.542, vượt chỉ tiêu 246% so với kế hoạch đề ra. (Nguồn ảnh: JICA_Trần Lê Huy)

Phát triển TOD dọc tuyến đường sắt đô thị số 1 giúp giải quyết các vấn đề đô thị

Việc vận hành tuyến đường sắt đô thị số 1 đã giúp cung cấp một phương tiện giao thông công cộng an toàn, thoải mái và đúng giờ cho người dân. Điều này không chỉ làm tăng sự tiện lợi mà còn được kỳ vọng sẽ làm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm không khí khi nhiều người bắt đầu sử dụng phương tiện này để di chuyển phục vụ cho học tập, công việc...

Thời gian di chuyển được rút ngắn sẽ tăng năng suất lao động và giúp nâng cao chất lượng cuộc sống. Hơn nữa tình trạng ô nhiễm không khí được cải thiện sẽ mang lại những thay đổi tích cực cho sức khỏe của người dân. Ngoài ra, kết nối giữa khu vực ngoại thành và trung tâm thành phố được cải thiện sẽ góp phần làm giảm mật độ dân cư đô thị và kích thích phát triển kinh tế của các khu vực ngoại ô.

Ông SUGANO Yuichi, Trưởng đại diện Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) văn phòng Việt Nam chia sẻ: “Xung quanh một số nhà ga, nhiều tòa nhà thương mại và chung cư đã và đang được xây dựng. Giá bất động sản ở những khu vực này cũng đang tăng. Chúng tôi tin rằng sự phát triển của trung tâm mua sắm, tòa nhà văn phòng, khách sạn, dịch vụ du lịch, dịch vụ vận chuyển, bất động sản sẽ tiếp tục tăng tốc trong tương lai. Những điều này cũng sẽ cho phép cư dân tận hưởng cuộc sống thuận tiện hơn với nhiều lựa chọn làm việc và sinh hoạt”.

Ông SUGANO Yuichi, Trưởng đại diện Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) văn phòng Việt Nam

TS Nguyễn Hữu Nguyên, Hội Quy hoạch phát triển đô thị TP.HCM cho rằng, điều quan trọng nhất của tuyến metro số 1 không phải chỉ để phục vụ người dân nội đô di chuyển mà phải giải quyết được nhu cầu kinh tế của các ga, bởi vậy vấn đề kết nối giao thông khu vực xung quanh nhà ga rất quan trọng:

“Lúc đầu, họ có thể đi vì tò mò, nhưng sau đó, họ sẽ tính toán cụ thể sự tiện lợi về chi phí, thời gian... Khi phát triển đô thị theo giao thông công cộng thì sự hình thành diện mạo và mô hình của đô thị luôn luôn bắt đầu từ sự hình thành mạng lưới giao thông. Vấn đề là tầm nhìn đến đâu? Quy trình quy hoạch giao thông và quy hoạch khu dân cư đang riêng rẽ, độc lập, nên mới dẫn đến khó khăn trong giải toả”.

Việc vận hành tuyến đường sắt đô thị số 1 đã giúp cung cấp một phương tiện giao thông công cộng an toàn, thoải mái và đúng giờ cho người dân.

Vẫn còn trở ngại để phát triển TOD

TP.HCM có nhiều cơ hội để phát triển TOD. Tuy nhiên, thành phố cũng đối mặt với không ít thách thức, trở ngại. Bởi vì TOD là sự phát triển tích hợp một cách chặt chẽ, từ khâu quy hoạch cho đến khâu lập dự án, triển khai dự án giữa tuyến đường sắt và đô thị xung quanh nhà ga dọc tuyến.

PGS. TS Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu giao thông vận tải (Đại học Việt Đức) nhận định, thực tiễn này chưa bao giờ được triển khai ở Việt Nam nên văn bản pháp lý, hướng dẫn kỹ thuật vẫn là con số không, thậm chí, một số quy định pháp lý còn là rào cản cho quá trình quy hoạch và phát triển tích hợp.

“Ngay ở giai đoạn quy hoạch, thành phố vừa phải quy hoạch tuyến, vừa quy hoạch đô thị xung quanh nhà ga (quy hoạch TOD), đặc biệt là sự kết hợp hữu cơ, logic giữa quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị. Như vậy, khi tuyến hình thành xong thì cũng hình thành các khu vực dân cư đông đúc xung quanh dọc tuyến. Một dự án đường sắt đô thị gắn liền với TOD đòi hỏi sự phối hợp liên ngành rất chặt chẽ và nhiều cấp”, PGS. TS Vũ Anh Tuấn cho biết

Ông Vũ Anh Tuấn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giao thông vận tải (Đại học Việt Đức)

UBND TP.HCM đã ban hành kế hoạch thực hiện các khu vực TOD dọc tuyến metro số 1, metro số 2, vành đai 3 theo Nghị quyết 98/2023/QH15 về cơ chế đặc thù cho thành phố. Theo UBND TPHCM, thành phố sẽ nghiên cứu 3 mô hình TOD theo định hướng tại các địa điểm gồm vùng lõi nhà ga, vùng chuyển tiếp nhà ga và vùng phụ cận các nút giao thông.

Cụ thể, mô hình TOD thứ nhất tại vùng lõi nhà ga được triển khai trong phạm vi bán kính từ 400-500 mét; hướng tới phát triển đô thị mật độ cao tối ưu, đất sử dụng hỗn hợp, đa chức năng, thương mại - dịch vụ kết hợp ở; hình thức đi lại chủ yếu trong khu vực là đi bộ và hệ thống giao thông chủ yếu bằng đường sắt đô thị.

Mô hình TOD thứ 2 được nghiên cứu xây dựng tại vùng chuyển tiếp nhà ga thuộc bán kính 800 - 1.000 mét; phát triển đô thị mật độ cao; sử dụng đất hỗn hợp với nhà ở và công trình dịch vụ xã hội; giao thông nội khu chủ yếu là đi bộ và xe đạp; kết nối giao thông với nhà ga bằng xe buýt hoặc xe cá nhân nhẹ như xe đạp, xe điện...  và hệ thống giao thông chủ yếu vẫn là đường sắt đô thị. Mô hình TOD thứ 3 là mô hình đô thị tập trung tại vùng phụ cận các nút giao thông của đường Vành đai 3.

Ông Phan Công Bằng, Giám đốc Ban Quản lý Đường sắt Đô thị TP.HCM nhấn mạnh: “Để khai thác hiệu quả các tuyến đường sắt đô thị, phải phát triển đô thị theo định hướng TOD. Chúng tôi đều đã có những phương án nghiên cứu và các đề án để đề xuất. TOD vừa phát triển không gian đô thị của thành phố, vừa tạo nguồn vốn để có thể đủ đầu tư hệ thống đường sắt đô thị và phát triển cơ sở hạ tầng khác nữa”.

Ông Phan Công Bằng - Giám đốc Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM

Trong những năm gần đây, mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng TOD (Transit Oriented Development) đang nhận được nhiều sự quan tâm. Đây là mô hình phát triển đô thị hỗ trợ xây dựng thành phố tiện lợi và dễ sinh sống bằng cách lấy đầu mối giao thông công cộng như xe buýt và tàu điện làm điểm tập trung dân cư.

Mô hình này tập trung xây dựng nhà ở, cơ sở thương mại và cơ sở công cộng ở xung quanh nhà ga và bến xe buýt, đồng thời đảm bảo người đi bộ và xe đạp có thể tiếp cận các địa điểm này dễ dàng.

Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) kỳ vọng tàu điện ngầm không chỉ đơn thuần là cơ sở hạ tầng giao thông, mà còn là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của toàn thành phố. Tại TP.HCM, việc xây dựng Tuyến đường sắt đô thị số 1 và triển khai mô hình TOD sẽ giúp nền kinh tế địa phương tăng trưởng khi các cơ sở thương mại mới và các dịch vụ du lịch ngày càng phát triển trong khu vực lân cận các nhà ga của tuyến.

Ngoài ra, giao thông hiệu quả sẽ kích thích thị trường lao động mở rộng, qua đó cải thiện sức cạnh tranh kinh tế chung của thành phố và củng cố nền tảng cho sự tăng trưởng bền vững của thành phố.