Đừng để xe buýt là nỗi ám ảnh

Thời gian qua nhiều phản ánh từ phía người dân về tình trạng xe buýt tại TpHCM chạy vượt đèn đỏ, chạy lấn hết làn xe máy,... khiến nhiều người bức xúc. Bên cạnh đó thời điểm này là lúc học sinh đi học trở lại, tình trạng xe buýt buýt chạy ‘ẩu’ tìm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn.

Thời gian qua, trên các trang mạng lan truyền không ít các hình ảnh, clip về việc xe buýt vượt đèn đỏ, lấn làn, và thậm chí là "cướp làn" dành cho xe máy. Đơn cử như một đoạn clip được chia sẻ vào ngày 18/07 ghi lại cảnh xe buýt có BKS 50H-364.93 chạy ẩu, tạt đầu bất ngờ khiến 2 người đi xe máy bị hất văng ra đường đoạn dưới chân cầu vượt Lăng Cha Cả (Tân Bình).

Xe buýt chuyển xen lẫn giữa các xe máy tìm ẩn nhiều rủi ro (ảnh nh hoạ)

Thực tế ghi nhận không ít những trường hợp xe buýt loại trên 50 chỗ phóng nhanh trên các cung đường. Khi phát hiện có hành khách vẫy tay trong lề, lái xe buýt đang lưu thông trong làn xe ô tô lập tức chuyển làn tấp vào đón khách. Khi chiếc xe buýt chuyển làn tấp vào trạm đều cắt ngang hàng loạt đầu các xe máy chạy song song khiến nhiều người phải thắng gấp hoặc né dạt ra ngoài hết sức nguy hiểm.

Chứng kiến ‘hung thần’ xe buýt lao nhanh trên đường, nhiều người không khỏi lo lắng vì sự nguy hiểm cho bản thân mình cũng như những người lưu thông khác:

“Em  thường xuyên đi xe buýt, em thấy những lúc đường vắng tài xế chạy khá là nhanh, cũng rất nguy hiểm. Trên xe rất nhiều sinh viên nên em cũng muốn tài xế đừng chạy lấn làn, nguy hiểm.”

“Mình thường dùng xe buýt để đi học hoặc là có khi đi đến các khu vui chơi. Mình thấy tài xế thường phóng nhanh vượt ẩu mình thấy rất khó chịu vì nguy hiểm cho mình và những người tham gia giao thông khác.”

“Xe buýt muốn tấp là tấp à, nguy hiểm lắm tình trạng này thấy hoài à”

Không ít những trường hợp va chạm, tai nạn do xe buýt gây ra trong thời gian qua

Tuy nhiên theo chia sẻ của cánh tài xế chạy xe buýt thì họ cũng phải đối mặt với những áp lực khi mật độ phương tiện dày đặc trên đường cũng như phải chạy theo khung giờ xuất bến và về bến của phòng điều hành. Nếu không đi đúng giờ và đủ số chuyến thì họ sẽ bị trừ lương theo quy định. Anh N.T.A (một tài xế xe buýt) chia sẻ: “Thực tế một ngày phải chạy 8 chuyến, nếu chạy thiếu 2 chuyến thì tôi sẽ trừ lương anh. Lương nhiều khi không có cao mà còn phải trừ tiền nên rất áp lực”.

Thế nhưng, theo ông Nguyễn Văn Thủy - Chuyên gia an toàn giao thông thì không thể lấy áp lực để làm lý do bào chữa cho kiểu đi bạt mạng, bất chấp sự an toàn của những người tham gia giao thông khác. Với bất cứ phương tiện nào, việc đi ẩu đều đáng lên án và cần có biện pháp ngăn chặn.

Ông Thuỷ cho rằng, bên cạnh việc tuyên truyền nâng cao ý thức của các tài xế thì cơ quan chức năng nên tăng cường tuần tra kiểm soát đối với phương tiện này: “Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, việc phải chạy theo biểu đồ vận hành như phải đến đúng nơi về đúng giờ dẫn đến tình trạng phóng nhanh vượt ẩu. Về biện pháp thì tôi nghĩ các cơ quan chức năng cần phải tăng cường kiểm tra xử phạt. Ngoài yếu tố giáo dục thì cũng phải có kiểm tra nhắc nhở, kiểm tra khen thưởng và xử phạt thì dần dần mới tốt hơn lên.”

Các xe buýt 'quá khổ' khi di chuyển trên các cung đường nhỏ hẹp

Được biết hiện nay TP.HCM có 128 tuyến xe buýt. Để đảm bảo an toàn cho người dân khi lưu thông, trong thời qua Công an TpHCM đã triển khai nhiều biện pháp kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các vụ vi phạm liên quan đến vận tải hành khách công cộng. Bên cạnh đó, Công an Thành phố cũng đề xuất thay đổi phương tiện xe buýt cỡ nhỏ (dưới 30 chỗ) để thuận lợi, đảm bảo an toàn và phù hợp với những cung đường nhỏ, hẹp tại TpHCM.

Thượng tá Lê Mạnh Hà – Phó trưởng phòng tham mưu, Công an TP.HCM cho biết: “Xe buýt 50 chỗ cũng có ưu điểm là vận chuyển được lượng lớn học sinh sinh viên. Tuy nhiên, Công an Thành phố cũng đã đề xuất với Sở GTVT tính toán các tuyến đường có khổ đường hẹp bố trí phương tiện dưới 30 chỗ cụ thể là 30 hoặc 24 chỗ để di chuyển, tuy nhiên cũng cần có lộ trình di chuyển.”

Ngoài việc kiểm soát của ngành chức năng và những thay đổi trong thời gian tới về phương tiện thì chính những tài xế xe buýt cần nâng cao đạo đức, có văn hoá giao thông. Việc xây dựng một môi trường giao thông an toàn không chỉ là trách nhiệm của cơ quan chức năng mà còn là trách nhiệm của mỗi cá nhân tham gia giao thông.