Đừng để doanh nghiệp khát vốn

Nhu cầu nhập khẩu gạo để tăng cường dự trữ lương thực của các thị trường lớn sẽ mở ra nhiều triển vọng cho xuất khẩu gạo của nước ta. Tuy nhiên, nút thắt lớn nhất hiện nay đối với doanh nghiệp ngành gạo là về nguồn vốn.

Vụ Đông Xuân 2022- 2023, ĐBSCL xuống giống khoảng 1,5 triệu ha và đã thu hoạch rộ. Thời tiết thuận lợi, năng suất tăng, giá lúa tiếp tục duy trì ổn định ở mức khá cao, niềm vui của người trồng lúa được lan tỏa trên những cánh đồng vàng.

Theo ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam những tháng đầu năm ổn định, giá bán vẫn đang cao và tín hiệu vui khi vụ lúa Đông Xuân người dân trúng mùa, được giá. Nông dân chuyển đổi canh tác sang những giống thơm, đặc sản, chất lượng cao để phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Bên cạnh những thị trường truyền thống thì các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam cũng đang khai thác thêm một số thị trường mới ngay những tháng đầu năm.

Ông Nguyễn Ngọc Nam, thông tin: Thị trường cũng ổn định, các doanh nghiệp đang khai thác một số thị trường mới, sản xuất của mình tiếp tục được mùa, thời tiết cũng thuận lợi, thị trường tiếp tục ổn định, giá thu mua ở mức cao. Trong sản xuất gạo thơm, gạo chất lượng cao, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, từ đó, thị trường của mình cũng được mở rộng.

Dẫu vậy, đây cũng là thời điểm mà doanh nghiệp thu mua lúa gạo gặp nhiều khó khăn trong việc tìm vốn để thu mua lúa gạo. Tính chung cả ĐBSCL, riêng vụ Đông Xuân năm nay ước cần khoảng 70 nghìn tỷ đồng mới mua hết khoảng hơn 10 triệu tấn lúa. Qua con số này, thấy rõ nhu cầu vốn rất lớn của các doanh nghiệp vào mỗi kỳ thu hoạch.

Ảnh: Thu hoạch lúa Đông Xuân tại Hậu Giang

Tại Hậu Giang, ông Lê Thanh Tiền, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Hậu Giang cho biết, năm 2023 chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của ngành ngân hàng trên địa bàn tăng trưởng 14%, so với dư nợ hiện tại thì tỷ lệ tăng trưởng này tương đương 5.000 tỷ đồng. Trong dư nợ cho vay, thì cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn chiếm từ 57-60% trong tổng dư nợ. Về quy định cho vay không thế chấp, nhưng người vay phải nộp cho ngân hàng Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhằm ràng buộc trách nhiệm của người vay.

Trước những khó khăn về vốn của doanh nghiệp nói chung, ông Lê Thanh Tiền, chia sẻ: Các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước thì các ngân hàng triển khai, quán triệt rất nghiêm túc, nhưng phải đảm bảo tuân thủ các điều kiện quy định. Không bao giờ dám vì chỉ tiêu Hội sở giao mà tăng trưởng tính dụng phải đạt được, nhưng bỏ qua các điều kiện, nếu anh cho vay không đúng điều kiện thì sẽ xử lý rất nặng, do đó xin các doanh nghiệp chia sẻ với ngành ngân hàng. Nếu các doanh nghiệp đủ các điều kiện để được vay mà ngân hàng làm khó thì có thể thông báo, phản hồi về Ngân hàng Nhà nước, chúng tôi sẽ có tổ đi kiểm tra, nếu xác định đúng sẽ xử lý ngay ngân hàng đó.

Theo Chuyên gia kinh tế, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, từ đầu tháng 2, nhiều đơn hàng xuất khẩu nông sản, thực phẩm, công nghiệp chế biến đã tăng lên, cho thấy tín hiệu phục hồi của nền sản xuất trong nước nhờ vào khả năng xuất khẩu tăng trong thời gian tới. Song, nút thắt hiện nay vẫn là làm sao để khơi thông nguồn vốn cho doanh nghiệp, một nguyên nhân nội tại, bên trong của nền kinh tế gắn với ổn định vĩ mô, đảm bảo an ninh tài chính.

PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh cho biết thêm: Giảm được lãi suất cho vay hỗ trợ các DN hồi phục và tăng trưởng là một trong những vấn đề cần phải quan tâm. Trong thời gian tới, để giúp cho nền kinh tế và các DN có thể hồi phục tốt hơn rất cần có những biện pháp hỗ trợ phù hợp. Bộ Tài chính cũng đã có đề nghị với Chính phủ xem xét giãn, hoãn một số loại thuế, phí, lệ phí để từ đó giúp cho các DN có thể có được ngay lượng tiền trong tài khoản để sử dụng ngay vào các hoạt động, giảm áp lực tài chính. Động thái này có thể giúp cho các DN có thời gian tạm thời về vốn, yên tâm để đầu tư…

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương diễn ra sáng ngày (3/4) vừa qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết, về tín dụng, đã tăng 2,06% trong quý I/2023 - mức tăng thấp hơn so với cùng kỳ của một số năm trước, ngoại trừ năm ngoái. Hiện NHNN đang thực hiện một số giải pháp hỗ trợ tín dụng thông qua giải pháp điều tiết tiền tệ, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, nhóm nợ.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói thêm: Về lãi suất, từ đầu năm đến nay NHNN đã thực hiện các giải pháp và mặt bằng lãi suất đang có chiều hướng giảm. Cuối tuần trước đã điều chỉnh giảm lãi suất điều hành 0,5-1% trên cơ sở lạm phát âm, Fed điều chỉnh lộ trình tăng lãi suất thấp, tỷ giá ổn định. Về giải pháp trong thời gian tới, NHNN đang phối hợp các bộ ngành, Bộ Tư pháp để sửa đổi Thông tư 16 để tháo gỡ khó khăn nhưng vẫn đảm bảo an toàn cho hệ thống ngân hàng, tránh rủi ro và đánh giá để có giải pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ, nhóm nợ.

Lãi suất và nguồn vốn là rào cản lớn nhất của doanh nghiệp hiện nay. Do vậy, nút thắt về nguồn vốn cần sớm được khơi thông kịp thời để góp phần hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi nhanh, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh.

Vốn là yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp thực hiện quy hoạch vùng liên kết sản xuất, thu mua lúa cũng như đầu tư máy móc, thiết bị công nghệ cho chế biến xuất khẩu, thế nhưng, việc tiếp cận nguồn vốn của các doanh nghiệp lúa gạo hiện đang gặp khó.

Đừng để doanh nghiệp khát vốn

Có thể thấy, tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam có nhiều dấu hiệu tích cực trong quý I và quý II/2023, dự báo xuất khẩu gạo vẫn tiếp tục thuận lợi. Trong ngắn hạn, giá gạo vẫn ở mức tốt do những bất ổn về kinh tế, chính trị toàn cầu khiến nhu cầu dự trữ lương thực tăng lên.

Thêm vào đó, tại thị trường châu Âu, theo Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – châu Âu, Việt Nam được cấp hạn ngạch 80.000 tấn. Đây là lợi thế rất lớn cho doanh nghiệp nhập khẩu nên doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gạo tìm cách gia tăng sản lượng, chủng loại gạo để tận dụng tối đa lợi thế này.

Mặc dù ngành lúa gạo nước ta nói chung và ĐBSCL đang gặp thuận lợi về giá và các hợp đồng xuất khẩu nhưng doanh nghiệp xuất khẩu gạo muốn thu mua lúa gạo trong dân để dự trữ, vận hành chuỗi xuất khẩu tốt, mang lại lợi thế cho hạt gạo Việt Nam cũng cần nguồn vốn để thực hiện kế hoạch và chủ trương của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Bởi thực tế, vốn đối với các doanh nghiệp được ví như “mạch máu” và ngành lúa gạo không ngoại lệ bởi đây là ngành cần nguồn vốn lớn để thực hiện liên kết sản xuất, thu mua lúa cũng như đầu tư máy móc, thiết bị công nghệ cho chế biến xuất khẩu. Tuy nhiên, với chuẩn vay của ngân hàng, doanh nghiệp chưa đạt được. Đặc biệt với ngành hàng lúa gạo nông sản, các sản phẩm nông sản ĐBSCL có tính chất thời vụ, do đó khi doanh nghiệp có nhu cầu thời vụ lại gặp khó khăn.

Gỡ nút thắt này, để ngành hàng lúa gạo phát triển mạnh đang là yêu cầu cấp thiết hiện nay. Cuối tháng 3/2023, Ngân hàng nhà nước đã có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL thực hiện một số nội dung đẩy mạnh cho vay thu mua, kinh doanh thóc, gạo... Trong đó, các tổ chức tín dụng chủ động cân đối, đảm bảo đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, thu mua, chế biến, tạm trữ thóc, gạo, kinh doanh, xuất khẩu gạo, đặc biệt vụ thu hoạch Đông – Xuân trong những tháng đầu năm 2023.

Theo văn bản, các tổ chức tín dụng đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa quy trình, thủ tục nội bộ, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay, đa dạng hóa các loại sản phẩm tín dụng phù hợp, nâng cao hiệu quả thẩm định, đánh giá mức độ tín nhiệm khách hàng và đánh giá rủi ro nhằm tăng cường cho vay có bảo đảm bằng tài sản hình thành từ vốn vay hoặc cho vay không có tài sản bảo đảm trên cơ sở quản lý dòng tiền.

Các tổ chức tín dụng cũng chủ động làm việc trực tiếp với các thương nhân, doanh nghiệp, người sản xuất, kinh doanh thóc, gạo để có các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận vốn phục vụ sản xuất, thu mua, chế biến, tạm trữ thóc, gạo, đặc biệt là cho vay tạm trữ, xuất khẩu gạo.

Bên cạnh đó, tổ chức tín dụng cần tiếp tục đẩy mạnh triển khai các chính sách, gồm: Chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 55, Nghị định 116 của Chính phủ, Thông tư hướng dẫn số 10, Thông tư 25 và Công văn số 7378 của Ngân hàng nhà nước về cho vay kinh doanh xuất khẩu gạo, trong đó chú trọng cho vay các mô hình chuỗi liên kết thóc, gạo từ khâu sản xuất đến thu mua, chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm, chính sách hỗ trợ lãi suất đối với một số ngành, lĩnh vực, trong đó có ngành lúa gạo theo Nghị định 31 ngày 20/5/2022 của Chính phủ, Thông tư 03 ngày 20/5/2022 của Ngân hàng Nhà nước.

Mong rằng với sự hỗ trợ kịp thời này, ngành hàng lúa gạo Việt Nam nói chung, doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu nói riêng có thêm trợ lực để làm tốt nhiệm vụ xuất khẩu gạo trong năm 2023.