Các đại biểu Quốc hội đánh giá cao việc chuẩn bị báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thống nhất với nhiều nội dung của dự thảo Luật, đồng thời tham gia nhiều nội dung để hoàn thiện dự án Luật như: việc đáp ứng các mục tiêu về cải cách hệ thống thuế; hàng nông sản, thủy sản qua sơ chế thông thường không phải nộp thuế đầu ra, nhưng được khấu trừ thuế đầu vào; mức doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế; thuế suất 0% đối với nhóm hàng cung cấp cho nước ngoài; thuế đối với phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp… trong đó, có một số nội dung nổi bật như:
Về mức doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế GTGT, tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTVQH đề nghị chỉnh lý và quy định tại khoản 25 Điều 5 dự thảo Luật với nội dung: Hàng hóa, dịch vụ của hộ, cá nhân kinh doanh có mức doanh thu hàng năm từ hai trăm triệu đồng trở xuống không phải chịu thuế GTGT. Trường hợp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% so với thời điểm Luật này có hiệu lực thi hành hoặc thời điểm điều chỉnh gần nhất thì Chính phủ trình UBTVQH điều chỉnh mức doanh thu tại khoản này phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ.
Về thuế suất 0%, theo thông lệ chung, thuế GTGT được đánh theo nguyên tắc điểm đến, tức là hành vi tiêu dùng ở đâu thì chịu thuế ở đó. Như vậy, thuế suất 0% chỉ được áp dụng đối với các trường hợp hàng hoá thực tế được xuất khẩu, không tiêu dùng tại Việt Nam; ngược lại, bất kể hàng hoá, dịch vụ nào được tiêu dùng tại Việt Nam đều phải chịu thuế GTGT cho dù người mua hàng hoá, dịch vụ đó ở trong hay ngoài Việt Nam. Nguyên tắc này cần được tuân thủ để bảo đảm tính khách quan, công bằng và tránh làm thất thu ngân sách.
Vì vậy, UBTVQH tiếp thu ý kiến ĐBQH, quy định rõ trong dự thảo Luật (tại điểm c khoản 1 Điều 9) về các trường hợp cung cấp hàng hoá cho các khách hàng nước ngoài được áp dụng thuế suất 0% nhất thiết phải được tiêu dùng ở ngoài Việt Nam, không bao gồm trường hợp hàng hóa được giao dịch giữa các đối tác trong nước theo chỉ định của thương nhân nước ngoài và thực chất được tiêu dùng trong nước để tránh bị lợi dụng, gây thất thu ngân sách.
Về quy định nhà quản lý sàn giao dịch điện tử, nhà quản lý nền tảng số thực hiện kê khai, nộp thuế thay cho các hộ, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử tại khoản 5 Điều 4. Các đại biểu bày tỏ thống nhất với chính sách này, tuy nhiên, để bảo đảm tính khả thi, cần có những quy định cụ thể về lộ trình triển khai thực hiện cụ thể, bảo đảm phù hợp với việc triển khai kết nối, hoàn thiện các hệ thống thông tin; hỗ trợ các sàn giao dịch điện tử thực hiện trách nhiệm của mình.
Bên cạnh đó, cần nghiên cứu để quy định rõ việc giảm trừ trách nhiệm cho sàn thương mại điện tử, đặc biệt là trường hợp họ đã thực hiện đầy đủ các nỗ lực hợp lý để tuân thủ quy định thuế, ...
Phát biểu giải trình các vấn đề được đại biểu Quốc hội quan tâm, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết Luật Thuế giá trị gia tăng có ý nghĩa rất quan trọng, tác động và ảnh hưởng đến hầu hết các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, hộ gia đình, nên nhiều nội dung cần thay đổi để phù hợp với sự vận hành của nền kinh tế.
Cơ quan soạn thảo sẽ nghiêm túc tiếp thu tối đa, giải trình đầy đủ, kỹ lưỡng về các vấn đề đại biểu Quốc hội đã nêu để đảm bảo hoàn thiện dự thảo luật đạt chất lượng cao./.