Đỗ xe trước cửa nhà, 'anh đúng tôi cũng không sai'

Nhiều tài xế dù tìm được nơi đỗ xe hợp lý nhưng không hợp tình vì vướng mặt bằng của các hộ kinh doanh, dẫn đến cãi vã, thậm chí là xô xát. Vậy pháp luật đã có quy định như thế nào? Ai đúng ai sai?

Nghe nội dung chi tiết tại đây: 

 

Hiện nay, để tìm được một chỗ đỗ xe trong khu vực nội đô Thành phố đặc biệt các quận trung tâm, là câu chuyện “ám ảnh” đối với cánh tài xế khi được hỏi đến. Anh Lưu Văn Quang, một tài xế thường xuyên phải di chuyển ở quận 1 (TP.HCM) cho biết: “Nhiều khi chở sếp tới đó nhưng không có chỗ đỗ, nên chạy vòng vòng tới khi thấy chỗ nào trống có thể đỗ xe”.

Chuyện không dừng lại ở đó, vì dù cho có tìm được chỗ đỗ xe đúng quy định nhưng lại vướng mặt bằng của các hộ kinh doanh thì cũng phải “chấp nhận” rời đi. “Vâng! Anh đúng nhưng tôi không sai”, là lý lẽ của chị Lê Thị Thu Trang chủ một hộ kinh doanh đã giải thích sau khi dùng nhiều cách để đuổi các tài xế vì đỗ xe chắn ngang mặt bằng của mình.

“Thật ra nhà nước cho phép đỗ xe tại đây, nhưng mà không nghĩ cho người ta kinh doanh. Mình bán được cơm chỉ nhờ có buổi trưa thôi mà có cái xe đỗ ở đây là khách không ra vào được. 

Nhiều khách tới thấy có cái xe đỗ chắn cả quán, khó ra vào nên người ta cũng chả buồn vào quán nữa. Khi mở thêm kinh doanh rửa xe,  chị không cho đỗ xe ở đây luôn. Mặt bằng đáng giá bao nhiêu tiền mà cứ thích là đỗ, đừng nói bữa này bữa kia, ngày nào người ta cũng phải cần tiền trả mặt bằng, trả đủ các loại chi phí, nên không phải cứ viện cớ đỗ đúng quy định để mình phải chịu thiệt", chị Thu Trang nói.

Luôn có nhiều luồng ý kiến khác nhau xugn quanh câu chuyện "đỗ xe trước cửa nhà người khác". Ảnh nh họa

Chạy xe nhiều năm ở các quận trung tâm, Anh Lương Minh Hoà đã gặp không ít trường hợp “lý lẽ” như vậy và dần dần anh học được cách “chấp nhận” để cho mọi chuyện kết thúc trong êm đẹp:

“Thường thường người ta không cho đỗ thì mình phải chịu, chứ không có nài nỉ làm chi cho mất công, chuyện không hay. Mình mà không đi có khi lại bị tạt sơn hay bị cái gì khác. Vì vậy mình cứ rời đi cho chắc ăn, nhường nhịn một chút, không đáng gì hết vấn đề đó. Mất công mất lòng mất đoàn kết vậy thôi, người ta làm vậy cũng là vì ếng cơm manh áo".

Chiếc bán tải bị tạt sơn khi đỗ trên vỉa hè. Ảnh: Internet

Tuy nhiên, không phải trường hợp nào một trong đôi bên cũng giữ được hoà khí như anh Hoà. Đã có nhiều tình huống tài xế và chủ nhà cự cãi nảy lửa chỉ vì muốn giành phần đúng về mình. Để rồi khi lời nói vượt quá tầm kiểm soát, thì đỉnh điểm của cuộc “đấu tranh” là những hành động thiếu suy nghĩ. Vừa qua ngày 05/4 tại TP. Hải Phòng, trường hợp ô tô Honda CR – V bị xịt sơn trắng xoá do đỗ chắn mặt tiền của một cửa hàng quần áo được lan truyền khắp trên mạng xã hội.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu – Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết: “Người dân chỉ có quyền đối với phần đất theo ranh giới của nhà mình; còn hành lang, lề đường vỉa hè, lòng đường là tài sản công cộng do nhà nước quản lý.

Do đó người dân không được quyền đổ sơn, cào xước, đập phá xe. Mình chỉ nhắc họ bởi vì cản trở giao thông và đề nghị họ đỗ ở chỗ khác.

Về xử phạt hành chính theo Nghị định 167, phạt từ 2 triệu cho đến 5 triệu đồng và trong bộ Luật Hình sự tội huỷ hoại, hoặc  cố ý làm hư hỏng tài sản theo điều 178 có trị giá từ 2 triệu đến 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu, nhưng mà đã bị xử phạt vi phạm hành chính thì bị phạt 10 triệu cho đến 50 triệu và phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm,  hoặc phạt tù từ 6 tháng cho đến 20 năm tuỳ theo tính chất và mức độ.”

Có thể thấy, vì chỗ đỗ xe mà đôi bên tranh giành phần đúng dẫn đến hậu quả chẳng mấy gì tốt đẹp. Thế nên, để câu chuyện “Anh đúng tôi cũng không sai” kết thúc trong yên bình thì quan trọng nhất là “nhường nhịn lẫn nhau”.

Cuộc sống vốn dĩ đã quá khắc nghiệt, thì hà cớ gì chúng ta lại không thấu hiểu và yêu thương nhau cho đời thêm phần tốt đẹp!