'Định danh' con đường nghệ thuật bằng văn hóa nội sinh

"Tôi là ai?" có lẽ là câu hỏi khiến nhiều người trong chúng ta trăn trở, nhất là đối với nghệ sĩ.

Trên hành trình tìm kiếm câu trả lời, nhiều nghệ sĩ trẻ nhận ra rằng: văn hóa bản địa được hấp thụ tự nhiên chính là yếu tố giúp họ khác biệt khi bước ra sân chơi lớn, là thứ để họ không bị chìm lấp giữa rất nhiều sắc màu văn hóa khác nhau. Và cũng chính sức sống văn hóa nội sinh đưa các dự án nghệ thuật của họ vươn ra ngoài phạm vi lãnh thổ.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 
Ảnh nh họa

Linh Valerie Phạm sinh năm 1993 là một nghệ sỹ sân khấu và múa rối thể nghiệm. Trong 6 năm học tập và thực hành nghệ thuật tại Mỹ, đã từng có thời gian Linh muốn chối bỏ căn tính của người Việt vì những định kiến của bạn bè. Thế nhưng, trong những năm gần đây, cô gái trẻ này lại sử dụng rất nhiều chất liệu truyền thống trong các tác phẩm của mình để trình diễn và trưng bày tại Hà Nội, TP HCM, Indonesia, New York (Mỹ).

Linh nhận ra rằng, văn hóa bản địa chính là thứ giúp nghệ sĩ kể câu chuyện khác biệt khi ra thế giới: "Đến một thời điểm nào đấy mình nghĩ tại sao vì định kiến của người khác tự giới hạn mình. Có những giá trị bản địa mình rất tin tưởng vào nhưng bị lấn át bởi người phương Tây. Cái đơn giản như làm gì đó thật tốt, kiên trì, cố chấp thì mình thích hơn nên bắt đầu làm và đi sâu vào giá trị mình tin tưởng. Với tác phẩm "Giễu Tỷ Can" cũng vậy".

Cuối tháng 1 vừa qua, nghệ sĩ Linh Valerie Phạm đã giới thiệu vở diễn "Giễu tỷ can" trong dự án “Tương lai của Truyền thống" mùa hai, chương trình Di sản Kết nối với sự bảo trợ của Hội đồng Anh tại Việt Nam. Vở diễn sử dụng các chất liệu tuồng, múa rối, nhạc cụ truyền thống như một cách để nối liền những đứt gãy giá trị truyền thống của thế hệ trẻ trong cuộc sống đương đại.

Cùng với Linh, các nghệ sĩ trẻ như: La Mai, Hà Nguyên Long, Hương Ngô, Hà Thúy Hằng tham gia dự án "Tương lai của truyền thống" cũng có những cách kể câu chuyện riêng, với một điểm chung là cố gắng tìm tiếng nói nghệ thuật định danh cá nhân. Trong quá trình ấy, nghệ thuật của Việt Nam được giới thiệu ngày càng nhiều hơn tới bạn bè quốc tế. Và hành trình mới này chỉ vừa bắt đầu.

Ở lĩnh vực điện ảnh, Nguyễn Lê Hoàng Việt, một đạo diễn 9X được biết tới với những phim ngắn đoạt các giải thưởng tại liên hoan phim trong nước và quốc tế. Mới đây, tác phẩm của Hoàng Việt có tên "Eroica 2020" là một trong 6 tác phẩm trên toàn thế giới được lựa chọn vào dự án nghệ thuật Hotel Beethoven: A World Theatre diễn ra tại Bảo tàng Bozar (Brussels, Bỉ).

Ảnh nh họa

Lấy cảm hứng từ nhịp sống trong kì giãn cách xã hội năm 2020, Eroica 2020 là chuỗi ghi chép bằng hình ảnh về đời sống người Hà Nội bằng những cú máy zoom in và zoom out, trên nền bản giao hưởng số 3 Eroica của Beethoven - được làm chậm 20 lần. Tác phẩm khơi gợi người xem tìm kiếm những giá trị bất biến trong mỗi người.

Nguyễn Lê Hoàng Việt cũng cho rằng, chính cảm hứng Việt Nam giúp tác phẩm của anh trở nên khác biệt: "Nếu tất cả mọi người đều khác biệt thì lại giống nhau ở sự khác biệt. Mỗi tác phẩm nó đều có tính cá nhân. Với tác phẩm của tôi nó đến từ cảm hứng Việt Nam".

Đạo diễn trẻ đang phát triển dự án phim truyện dài đầu tay “Till the cave fills". Dự án đã được chọn vào Khóa học phát triển dự án phim Đông Nam Á tại LHP Quốc Tế Singapore 2018, SEAFIC 2019 và Produire Au Sud 2019 tại LHP Ba Lục Địa.

Nhiều nghệ sĩ trẻ trong lĩnh vực âm nhạc cũng đang tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi: Làm thế nào thể hiện màu sắc và cá tính âm nhạc riêng? Các ban nhạc như: Limebox, Những đứa trẻ hay Chú cá lơ... vẫn không ngừng khám phá, theo đuổi đam mê.

Họ tham gia trình diễn mở màn cho chuỗi hoạt động của dự án âm nhạc mới Livespace ghi dấu ấn về chuyến du hành từ rock, electro, đan xen cùng những nét chấm phá tinh tế âm nhạc truyền thống. Dự án Livespace của Viện Pháp và các đối tác, tạo điều kiện cho các nghệ sĩ trẻ khẳng định tài năng và cơ hội trở thành nghệ sĩ chuyên nghiệp tầm khu vực.

Trang Lê vừa là giọng ca chính, vừa đảm nhiệm chơi các nhạc cụ dây của Limebocx cho biết: Dù tạo cho mình lối đi riêng bằng cách kết hợp các yếu tố hiện đại với âm hưởng dân gian, nhưng con đường họ chọn là "Mang truyền thống vào hiện đại chứ không hiện đại hóa truyền thống": "Chúng em kết hợp những yếu tố dân gian (hiện tại có sử dụng quan họ, ca trù) với nhạc điện tử và beatbox. Bọn em thành lập được 2 năm và phát hành album nhỏ. Hướng đi của bọn em trong tương lai có lẽ vẫn là mang màu kết hợp giữa hai yếu tố này vì đơn giản mình yêu thích. Nó ở trong người mình".  

Dù theo đuổi các lĩnh vực khác nhau, nhưng những nghệ sĩ trẻ như: Linh Valerie Phạm, Nguyễn Lê Hoàng Việt, Trang Lê.. đều chia sẻ một mục đích chung, đó là: tìm về truyền thống để bước tới tương lai.