“Điêu đứng” với cước tàu biển, doanh nghiệp Việt ứng phó ra sao? (Phần 1)

Mặc dù đơn hàng dồi dào nhưng doanh nghiệp Việt lại phải đối mặt với thách thức khi giá cước vận tải tăng cao.

Mặc dù đơn hàng dồi dào nhưng doanh nghiệp Việt lại phải đối mặt với thách thức khi giá cước vận tải tăng cao. Từ đầu năm 2024 đến nay, đặc biệt trong khoảng 1 tháng trở lại đây, tình trạng tăng giá cước vận tải biển ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế. Nội dung này sẽ được chúng tôi ghi nhận cụ thể:

Là doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu gỗ ván ép, ngay từ đầu năm, Công ty TNHH Phát triển Thương mại và Dịch vụ TNT Việt Nam rất vui mừng vì các mặt hàng nhận được nhiều đơn hàng xuất khẩu sang nhiều thị trường trên thế giới. Tuy nhiên, từ tháng 5 đến nay, doanh nghiệp “khốn khổ” với việc giá cước vận tải biển tăng cao.

Chị Ngọc Ánh, nhân viên xuất nhập khẩu của Công ty TNT Việt Nam nêu thực tế: "Công ty tôi hay đi tuyến tới Chennai Ấn Độ thì giá ở thời điểm cấch đây khoảng 2 tháng, tức là vào tháng 5 thì rơi vào khoảng 800 – 820. Nhưng đến thời điểm hiện tại thì giá đã tăng gấp 3 lần, vào khoảng 2.700. Việc tăng giá như vậy đang gây khó khăn rất nhiều cho bên mình"

Từ đầu năm 2024 đến nay, đặc biệt trong hơn 1 tháng trở lại đây, giá cước tăng đột biến và tăng cao hơn so với với đầu năm và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt đã ảnh hưởng đến hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam. Ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tích kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết: "Theo phản ánh cuả các doanh nghiệp thì cước vận tải biển đi một số thị trường xa như Mỹ và EU đã tăng tới mức từ 7 – 8.000$, thậm chí còn cao hơn nữa. Mà mới cách đây chỉ khoảng độ 1 tháng thôi thì chỉ khoảng 3 – 4.000$. Việc mà giá cước tăng nhanh như vậy thì làm cho các doanh nghiệp Việt gặp rất nhiều khó khăn"

Ảnh nh họa

Không chỉ các chủ hàng, mà nhiều doanh nghiệp logistics như ngồi trên đống lửa khi giá cước tăng cao, đặt tàu cũng gặp rất nhiều khó khăn. Theo các doanh nghiệp, Trung Quốc đang hút lượng lớn container rỗng, phục vụ hàng xuất khẩu sang Mỹ trước 1-8, thời điểm Mỹ sẽ áp thuế mạnh lên nhiều loại hàng hóa nhập từ Trung Quốc.

Chia sẻ về thực trạng này, ông Phạm Văn Thọ, nhân viên kinh doanh Logistic tại Hà Nội cho biết: "Tháng 6, tháng 7 cước vận tải biển tăng đột biến là do lượng hàng xuất từ Trung Quốc vì sắp tới Mỹ áp thuế nên họ tranh thủ trước. Do lượng tàu đổ về Trung Quốc nên tàu ở VN rất ít thì giá cước tàu tăng cao. Dù tháng 8 này, giá cước đã giảm nhưng giảm ít trong khi tăng thì nhiều còn giảm thì ít. Nhìn chung, với những hàng cần đi gấp thì phải chịu lỗ để xuất, như công ty mình cũng chịu 1 phần và công ty xuất nhập khẩu cũng phải chịu lỗ, còn những đơn hàng chưa cần gấp thì các công ty hold lại chờ giá giảm để đi"

Theo Tổng cục Thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2024, tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước đạt 369,62 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, trị giá xuất khẩu đạt 190,73 tỷ USD, tăng 14,9%; trị giá nhập khẩu đạt 178,88 tỷ USD, tăng 17,3%. Cán cân thương mại ước tính xuất siêu 11,85 tỷ USD. Chưa kịp vui mừng vì tốc độ tăng trưởng xuất khẩu có sự phục hồi mạnh mẽ, hiện nhiều doanh nghiệp “đau đầu” bởi giá cước tàu vận chuyển đường biển liên tục biến động, thậm chí tăng gấp 2 lần so với hồi quý I/2024.

Như tại Công ty TNHH Cơ khí Duy Khanh ở Khu công nghệ cao TP.HCM, hiện, doanh nghiệp vừa đối mặt với cước phí vận chuyển tăng và chi phí sản xuất tăng. Trong khi đó, giá bán hàng giảm khoảng 2% nên doanh nghiệp phải tiết giảm tối đa chi phí sản xuất và chuyển sang xuất khẩu tại chỗ cho các doanh nghiệp FDI sản xuất tại Việt Nam.

Ông Đỗ Phước Tống, đại diện Công ty cho biết: "Doanh nghiệp cũng "gồng" lên để giảm chi phí, giảm giá giữ được đơn hàng. Để giữ doanh số, giữ được sản xuất doanh nghiệp buộc phải giảm rất nhiều thứ. Nguyên liệu đầu vào nhập khẩu vật tư, điện, lượng công nhân tăng… nhiều thứ đều tăng. Còn nhà nhập khẩu mua hàng trong chuỗi cung ứng toàn cầu thì giá mua hàng họ đặt tiêu chí từ đầu là giảm chứ không tăng"

Không chỉ gặp nhiều khó khăn khi chi phí bị đội lên cao mà còn đối diện với nhiều rủi ro, bị phạt hợp đồng nếu chậm trễ trong giao hàng.Thậm chí, nhiều doanh nghiệp còn chấp nhận chiu lỗ để kịp giao hàng đúng hạn nhưng vẫn không đătj được container rông để chở hàng. Ông Hoàng Việt Phuơng, Phó GĐ CTCP Giao nhân Vận tải Quốc tế Lacco cho biết: "Hiện tại rất khó để lấy chỗ trên tàu. Rất khó khăn cho các doanh nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp bán hàng theo điều kiện ship vì giá cước hiện đội lên rất cao. Các doanh nghiệp phải bù lỗ ở phần cước biển"

Theo thống kê của Cục Hàng hải Việt Nam, thời gian qua, giá dịch vụ vận tải container trên thế giới tăng 12%, trong đó giá dịch vụ từ châu Á đến châu Âu tăng từ 11-14%,... cùng với nguy cơ thiếu container rỗng khiến không ít doanh nghiệp xuất khẩu “trở tay không kịp”.