Đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá ở mức nào? (Phần 2)

Phần trước, VOV Giao thông đã đề cập sự cần thiết của việc tăng thuế đối với thuốc lá. Và để đảm bảo sức khỏe cộng đồng và giảm lượng tiêu thụ thuốc lá, Bộ Tài chính đang trong quá trình lấy ý kiến góp ý vào Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi.

Có ý kiến cho rằng, đề xuất tăng thuế thuốc lá lần này đã tiệm cận được với mức khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới.  Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, cần áp thuế ở mức cao hơn. Vậy cần tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá ở mức nào? 

Theo Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi, thuốc lá điếu được đề xuất giữ nguyên mức thuế suất 75% và bổ sung mức thuế tuyệt đối theo lộ trình tăng từng năm trong giai đoạn từ 2026 - 2030 với 2 phương án.

Phương án 1: từ năm 2026 đến năm 2030, mỗi năm bổ sung mức thuế tuyệt đối là 2.000 đồng đối với 1 bao thuốc lá.

Phương án 2: năm 2026, bổ sung mức thuế tuyệt đối là 5.000 đồng đối với 1 bao thuốc lá và từ năm 2027 đến 2030 mỗi năm tăng thêm 1 nghìn đồng.

Bà Trần Thị Tuyết, Cục Quản lý giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí, Bộ Tài chính cho biết: "So sánh tác động của 2 phương án, phương án 2 có ưu điểm hơn, sẽ giảm được tỷ lệ hút thuốc ở nam giới vào năm 2026 xuống còn 39,7%, trong khi nếu áp dụng phương án 1, tỷ lệ giảm, nhưng vẫn ở mức 42%..."

Ảnh nh họa

Thực tế, giá thuốc lá tại Việt Nam đang ngày càng rẻ so với thu nhập, dẫn đến sức mua thuốc lá tăng. Đáng nói, với sức mua thuốc lá tăng 700.000 bao trong năm 2023 thì ước tính thuốc lá là nguyên nhân gây hơn 80.000 trường tử vong mỗi năm.

Từ thực tế này, bà Thu, Tổ chức Chiến dịch vì trẻ em không khói thuốc đề xuất: "Đối với thuốc lá, chúng tôi mạnh dạn đề xuất thêm phương án thứ 3. Đó là đến năm 2030 áp thuế bổ sung thêm 15.000 đồng đối với một bao thuốc lá. Bởi lẽ, tính thuế thêm 15.000 đồng một bao, nghe tưởng là lớn nhưng mà đến năm 2030 thì giá trị không còn lớn nữa, do lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng khi đó đã tăng lên…"

Về dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt được Bộ Tài chính và Chính phủ trình lấy ý kiến, bà Angela Pratt, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam cho rằng, luật được đề xuất là một bước đi đúng hướng. Song, chỉ điều này thì vẫn chưa đủ để đạt được mục tiêu giảm tỉ lệ hút thuốc của chiến lược quốc gia:

"Với Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt trong quá trình sửa đổi, WHO tin rằng, Việt Nam đang có một cơ hội đặc biệt để hướng tới mục tiêu cao hơn và đạt được nhiều lợi ích hơn nữa tới sức khỏe của người dân. Cụ thể, mô hình của chúng tôi cho thấy, tới năm 2030, việc áp dụng mức thuế tiêu thụ đặc biệt là 15.000 đồng/bao thuốc, cộng thêm với mức thuế sản phẩm bằng 75% giá xuất xưởng hiện tại, sẽ giúp giảm tỷ lệ hút thuốc ở nam giới xuống dưới 36% vào năm 2030, phù hợp với mục tiêu quốc gia".

Quan trọng hơn, theo WHO, việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ làm tăng đáng kể doanh thu thuế hàng năm, mang lại thêm 29,3 nghìn tỷ đồng vào năm 2030 so với năm 2020. Mức thuế cao hơn này là một khuyến nghị rất mạnh mẽ của WHO.

Ảnh nh họa

Đồng quan điểm, Thạc sĩ Nguyễn Hạnh Nguyên, đại diện Tổ chức Nhịp cầu sức khỏe Canada (Healtha Bridge) đề nghị:

"Chúng tôi khuyến nghị rằng chính sách thuế của thuốc lá Việt Nam cần chuyển đổi, cải cách để áp dụng phương pháp tính thuế hiệu quả theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đó là bổ sung thuế tuyệt đối bên cạnh thuế tỷ lệ để chuyển sang hệ thống thuế hỗn hợp, đồng thời cần tăng mạnh mức thuế thuốc lá để đạt được mục tiêu quốc gia về giảm tỷ lệ hút thuốc và tiến tới mức thuế đạt ít nhất từ 70 đến 75% giá bán lẻ theo khuyến cáo của WHO. Thuế thuốc lá cần được tăng định kỳ và % hường xuyên có thể hằng năm để đảm bảo giá thuốc lá không sẻ đi khi thu nhập của người dân tăng lên".

Đóng góp ý kiến về mức áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá, chuyên gia kinh tế Đào Thế Sơn nêu quan điểm:

"Để đạt mục tiêu về sức khoẻ ở Việt Nam thì cần đề xuất tăng lên xuất phát điểm là 5.000 từ năm 2026 và tăng dần đến 15.000 đồng đến năm 2030 thì mới đạt được mục tiêu phòng chống tác hại thuốc lá ở Việt Nam. Còn trong 2 phương án của BTC thì tôi cho rằng, phương án số 2 tốt hơn. Mặc dù điểm cuối cùng là giống nhau nhưng điểm đầu tiên nhanh hơn vì vấn đề sức khoẻ, người nghèo đã cấp bách rồi. Nếu chúng ta tăng mức cao ngay những năm đầu tiên thì số người giảm sẽ mạnh hơn".

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, rất cần tăng thuế ở mức đủ lớn để làm chậm lại đà tăng trưởng về tiêu thụ và giảm tiêu dùng.