Đề xuất mở rộng visa điện tử, đơn phương miễn thị thực

Chính phủ vừa có tờ trình gửi Quốc hội về đề xuất mở rộng visa điện tử, đơn phương miễn thị thực vào nghị quyết chung của Quốc hội tại kỳ họp thứ năm, diễn ra tháng 5/2023.

Nhấn mạnh sự cần thiết của việc này, Chính phủ nêu bối cảnh sau đại dịch, dù các nước đã bắt đầu khôi phục hoạt động nhập cảnh, lượng người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam vẫn thấp, chỉ bằng 32,6% so với năm 2019 (thời điểm trước dịch Covid-19). Tình hình này đã hạn chế sự phát triển kinh tế, xã hội, nhất là phát triển du lịch, kinh doanh, thương mại và đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Bên cạnh đó, sau khi Việt Nam mở lại hoàn toàn các hoạt động đón khách quốc tế, số lượng người nước ngoài đến Việt Nam có tăng theo từng tháng nhưng không đạt được mục tiêu đón 5 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2022.

Các cơ quan vì thế nhiều lần kiến nghị "nới" chính sách về quản lý xuất nhập cảnh để tạo thuận lợi cho phát triển du lịch. Do những chính sách này được quy định trong luật nên thẩm quyền sửa đổi là của Quốc hội, nhưng nếu chờ sửa luật sẽ không thể đáp ứng nhu cầu cấp bách trước mắt. Vì vậy, Chính phủ đề xuất đưa chính sách mở rộng cấp thị thực điện tử và nâng thời hạn tạm trú cho người nước ngoài nhập cảnh theo diện đơn phương ễn thị thực vào nghị quyết chung của Quốc hội tại kỳ họp thứ 5.

Xung quanh vấn đề này, phóng viên VOV Giao thông có cuộc trao đổi với ông Phùng Quang Thắng - Phó chủ tịch thường trực Liên chi hội Lữ hành Việt Nam.

PV: Ông đánh giá như thế nào về đề xuất của Chính phủ cấp thị thực điện tử cho công dân tất cả các nước, vùng lãnh thổ, nâng thời hạn thị thực điện tử từ không quá 30 ngày lên không quá 3 tháng, có giá trị một lần hoặc nhiều lần; đồng thời cho phép người nước ngoài nhập cảnh theo diện đơn phương ễn thị thực được tạm trú đến 45 ngày?

Ông Phùng Quang Thắng: Tăng thời gian lưu trú của khách tại Việt Nam từ 15 ngày lên gấp đôi hoặc hơn thế nữa rất phù hợp với nhu cầu của khách đi du lịch, đặc biệt là khách ở những thị trường xa thông thường có nhu cầu lưu trú dài hơn từ 2 tuần-1 tháng.

Những thị thực được kéo dài thời hạn giúp khách xây dựng được chương trình du lịch phong phú hơn, đồng thời cạnh tranh rất nhiều điểm đến trong vấn đề cấp thị thực cho khách. Tuy nhiên vẫn có nhiều yếu tố khác liên quan đặc thù từng thị trường, từng điểm đến. Và trong tùy lịch trình, khách có thể lựa chọn 1 điểm đến duy nhất, hay nhiều điểm đến.

Do vậy, thị thực có thể xuất nhập cảnh nhiều lần thì rất thuận lợi cho khách nhập cảnh vào Việt Nam nối tour một nước khác trong khu vực, sau đó quay trở lại du lịch Việt Nam.

Tất cả những thuận lợi đó sẽ giúp khách dễ dàng xây dựng hành trình khi đến một điểm đến mang tính khu vực.

Ông Phùng Quang Thắng, Phó Chủ tịch Liên chi hội Lữ hành Việt Nam, cho rằng, việc tăng thời gian lưu trú của khách nước ngoài sẽ giúp tăng hấp dẫn cho Việt Nam như một điểm đến khu vực

PV: Vậy trước đề xuất này, các doanh nghiệp lữ hành nói riêng và các đơn vị du lịch nói chung cần chuẩn bị ra sao để đón đầu những thuận lợi từ chính sách?

Ông Phùng Quang Thắng: Các doanh nghiệp cần bám sát những thông tin từ cơ quan quản lý nhà nước với các đơn vị liên quan để rõ chi tiết, nhằm tư vấn trước cho đối tác, khách hàng về những điều chỉnh đó. Tất nhiên đây mới là những dự kiến đề xuất. Khi thực hiện rồi thì chúng ta đã sẵn sàng chuẩn bị để giúp khách hàng, đối tác xây dựng sản phẩm du lịch phù hợp.

Điểm quan trọng nữa, ngoài thuận lợi về thời hạn, thủ tục xuất nhập cảnh, trong thời gian tới, với điều kiện mới, các doanh nghiệp cần chú trọng đảm bảo chất lượng dịch vụ, tăng yếu tố hấp dẫn của sản phẩm, nhấn mạnh về sự thuận lợi của chính sách mới sẽ thu hút khách quốc tế hơn.

PV: Xin cảm ơn ông!