Đề xuất làm Quốc lộ 5 trên cao: Sáng kiến hợp lý, tiết kiệm

Quốc lộ 5 - Tuyến đường bộ huyết mạch khu vực phía Bắc, nối liền giữa Hà Nội và Hải Phòng dự kiến sẽ có đường trên cao. Đây là đề xuất của Sở GTVT tỉnh Hải Dương nhằm ứng phó với tình trạng mãn tải (lưu lượng xe vượt 6 lần lưu lượng thiết kế), nguy cơ TNGT cao trên Quốc lộ này.

Xung quanh đề xuất, PV VOV Giao thông có cuộc trao đổi với ông Khương Kim Tạo - nguyên phó chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia.

PV: Ông đánh giá thế nào về sự cần thiết của việc “làm mới” Quốc lộ 5?

Ông Khương Kim Tạo: Tuyến chạy từ Hà Nội đi Hải Phòng là huyết mạch giao thông chuyên chở hàng hóa từ Cảng Hải Phòng lên Thủ đô, nhu cầu giao thông rất lớn, gồm cả vận chuyển hàng hóa và hành khách.

Trước đây, chúng ta có Quốc lộ 5 cũ. Thời điểm bấy giờ đáp ứng được. Nhưng với sự phát triển kinh tế xã hội, chúng ta đã có thêm cao tốc Hà Nội-Hải Phòng. Mặc dù vậy, nhu cầu đi lại của bà con vẫn cao. Để giải quyết vấn đề quá tải, cần thiết phải nâng cao, phát triển hạ tầng giao thông đường bộ và đường sắt.

Do mật độ phương tiện tham gia giao thông trên tuyến tăng nhanh gấp nhiều lần so với lưu lượng thiết kế, QL5 thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông, đặc biệt là đoạn qua địa phận tỉnh Hải Dương

PV: Thay vì mở rộng mặt đường, duy trì các giao cắt đồng mức, Sở GTVT Hải Dương đã đề xuất Bộ GTVT thực hiện đường trên cao Quốc lộ 5. Quan điểm của ông ra sao về tính khả thi?

Ông Khương Kim Tạo: Tôi thấy đây là một sáng kiến tốt. Nhiều người có thể đã ấp ủ nhưng Hải Dương đề xuất đầu tiên. Điều này thể hiện việc thấm nhuần tư tưởng của Tổng Bí thư về thực hành tiết kiệm. Trong đó, cần tiết kiệm tài nguyên đất nước. Phải sử dụng tiết kiệm đất đai, sử dụng hiệu quả theo chiều cao, cột đứng, chứ không phải theo chiều ngang. Nếu tràn lan phát triển chiều ngang thì sử dụng đất hiệu quả thấp.

Đây là ý tưởng hay, vì chi phí mở rộng Quốc lộ 5 rất lớn, vấn đề giải phóng mặt bằng cũng liên lụy đến kinh tế xã hội, tính khả thi không tốt. Vì vậy, ở góc độ chuyên môn, chúng tôi hoàn toàn ủng hộ sáng kiến này.

Hiện nay, nhiều ngành có xu hướng quy hoạch, phát triển theo chiều ngang. Nếu trước đây có nhiều đất bỏ hoang, hướng đi ấy hợp lý. Nhưng giờ đây, quỹ đất eo hẹp, chúng ta cần phải triển theo chiều đứng. Ví dụ như Nhật Bản dành hẳn tầng thượng của tòa nhà làm bãi xe, bãi sát hạch lái xe. Họ rất có ý thức tiết kiệm diện tích đất.

PV: Về mặt ATGT, phương án đường 5 trên cao có ưu điểm gì?

Ông Khương Kim Tạo: Một trong những nguyên nhân dẫn đến TNGT là những xung đột trong quá trình di chuyển, giao cắt. Vì vậy, cần giảm số lượng giao cắt, và nếu giao cắt phải là giao cắt an toàn, hạn chế các góc xung đột cao. Chúng ta bổ sung thêm một con đường trên cao Hà Nội-Hải Phòng, chúng ta sẽ làm các điểm tiếp cận khác mức.

Nó giống như cao tốc thôi, đường trên cao này vẫn chạy hai chiều, có thể rẽ xuống các địa phương, các đường nhánh tiếp cận được. Nhưng với hướng tiếp cận sẽ là đường 1 chiều, giữa có dải phân cách để các phương tiện di chuyển nhan hơn, an toàn hơn.

Ví dụ chỉ cho phép ô tô chạy thôi. Tôi cho rằng, đây là phương án hợp lý, cần nghiên cứu tỉ mỉ về hiệu quả kinh tế, so sánh các giải pháp với việc mở rộng đường, khía cạnh ATGT, chi phí giải phóng mặt bằng, thi công. Về mặt tổng thể, ý tưởng đó là tuyệt vời.

PV: Xin cảm ơn ông!

Sở GTVT Hải Dương đề nghị Bộ GTVT đầu tư xây dựng QL5 để giảm tải cho tuyến đường hiện hữu

Theo đề xuất, kiến nghị của Sở GTVT Hải Dương, việc đầu tư theo phương án này sẽ có nhiều ưu điểm hơn so với phương án mở rộng.

Cụ thể, không phải bố trí quỹ đất mới, tiết kiệm đất, sử dụng đất một cách hiệu quả, thông nh, không phải giải phóng mặt bằng trên tuyến chính, đặc biệt là các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu dân cư hiện trạng hai bên tuyến đường, từ đó giảm đáng kể chi phí đầu tư.