Để trái bưởi tươi chinh phục thị trường Mỹ

Sau 5 năm đàm phán, bưởi da xanh Việt Nam đã được xuất khẩu chính ngạch sang Mỹ, mở ra nhiều cơ hội cho loại trái cây này của miền tây. Đây trở thành loại trái cây thứ bảy của nước ta được phép xuất khẩu vào thị trường Mỹ.

Sau xoài, nhãn, vải, thanh long, chôm chôm và vú sữa, mới đây, Bộ Nông nghiệp Mỹ quyết định cho phép nhập khẩu trái bưởi tươi của Việt Nam. Việc trở thành loại trái cây thứ 7 được phép nhập khẩu vào Mỹ mở rộng đầu ra cho loại trái cây được nhiều bà con ĐBSCL canh tác.

Để chinh phục thị trường khó tính này, trái bưởi tươi của nước ta cần phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về vùng trồng, dư lượng thuốc BVTV, chiếu xạ và nhiều yêu cầu của nước sở tại.

Sau hơn 5 năm đàm phán, Bộ Nông nghiệp Mỹ đã thông báo chính thức cho phép nhập khẩu trái bưởi tươi của Việt Nam. Dự kiến vào tháng 11/2022, Công ty CP Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, tại huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre sẽ thực hiện xuất lô bưởi da xanh đầu tiên sang thị trường này.

Đây là tín hiệu vui cho nhà vườn tỉnh Bến Tre nói riêng và nhà vườn trồng bưởi ĐSBCL nói chung trong việc nâng cao giá trị và chất lượng bưởi da xanh.

Để triển khai Chương trình xuất khẩu bưởi sang Mỹ, Cục Bảo vệ thực vật phối hợp với các bên liên quan triển khai đồng bộ các giải pháp, đặc biệt là tập trung tập huấn cho người sản xuất, các doanh nghiệp xuất khẩu bưởi về các yêu cầu nhập khẩu của Mỹ.

ảnh: thanhnien.vn

Tỉnh Bến Tre có gần 10.000 ha bưởi da xanh, được trồng nhiều ở TP Bến Tre, huyện Châu Thành, Giồng Trôm, Ba Tri… Toàn tỉnh đã xây dựng chuỗi sản xuất bưởi da xanh với 32 tổ hợp tác, 9 HTX, thu hút hơn 1.400 nhà vườn tham gia với tổng diện tích trên 540 ha. Bước đầu đã hình thành 18 liên kết tiêu thụ sản phẩm của các tổ hợp tác, HTX.

Nhằm chuẩn bị tốt nhất các điều kiện cho trái bưởi xuất ngoại sang thị trường Mỹ, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Bến Tre đã triển khai xây dựng mã vùng trồng đối với cây bưởi da xanh cho các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác và nông dân trên địa bàn.

Điều này, nhận được sự hưởng ứng tích cực của bà con nông dân. Bởi hơn ai hết, họ hiểu rằng, canh tác nông nghiệp thời đại 4.0 cần tích cực áp dụng các biện pháp canh tác đạt tiêu chuẩn sạch, VietGAP, GlobalGAP, mô hình hữu cơ…

Nhờ sản xuất theo tiêu chuẩn khắc khe đó, đến nay, tất cả đang sẵn sàng cho việc xuất khẩu lô bưởi da xanh đầu tiên của Việt Nam sang Mỹ.

Ông Trịnh Ngọc Trung, nhà vườn sản xuất 01 ha bưởi da xanh theo tiêu chuẩn Viet Gap tại xã Quới Sơn, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre chia sẻ: Nói chung  từ nào giờ sản xuất bưởi theo tiêu chuẩn Viet GAP đi theo đúng quy trình. Nếu bán được sang Hoa Kỳ tôi nghĩ rất có lợi cho nông dân. Thị trường Mỹ là khó nhất trên thế giới, mình cũng mừng là trái bưởi sẽ có giá rồi. Có nhiều đầu ra thì cạnh tranh mới được,  nhưng mà nông dân phải thực hiện đúng theo quy trình, đúng quy định của người ta thì mới có giá chứ theo kiểu ” ăn xổi ở thì ” thì không được ”.

Ông Phạm Văn Đông, chủ vườn bưởi GAP tại huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre chia sẻ, cây bưởi nhà ông trồng theo mô hình GAP đã được hơn 5 năm nay. Các tiêu chuẩn quy định về giống, xử lý thuốc bảo vệ thực vật cũng như quy trình thu hoạch được ông và các nông dân trong vùng tuân thủ. Với ông Đông, đây không chỉ là để nâng cao giá trị nông sản mà xa hơn là khẳng định chất lượng là uy tín của nhà vườn đối với bạn bè quốc tế:

- Thuốc bảo vệ thực vật phải sử dụng đúng liều lượng, tuyệt đối không sử dụng các loại khác tiêu chuẩn. Thời gian xịt thuốc tuân thủ đúng đảm bảo cả thời gian cách ly đến trước thời điểm thu hoạch. Mỗi tháng bón phân cho bưởi 1 lần, đảm bảo dinh dưỡng cho cây trong 15 ngày. Giá bưởi nếu cứ đạt trên 20.000 đồng/kg là người trồng bưởi có lãi.

Không chỉ Bến Tre mà Hậu Giang cũng là một trong những địa phương có diện tích canh tác bưởi lớn. Nông dân ở đây từ lâu đã bắt đầu học hỏi, sản xuất theo quy trình mà Hợp tác xã trái cây sinh học OCOP, ở thị trấn Ngã Sáu, huyện Châu Thành là một ví dụ. Đơn vị hiện có trên 265 hộ nông dân liên kết, diện tích 300ha. HTX đang làm hồ sơ thực hiện mã số vùng trồng hơn 100ha, trung bình 1 ha mỗi năm, khoảng 30-40 tấn bưởi.

Thời gian qua, Hợp tác xã trái cây sinh học OCOP là điểm sáng trong việc tiên phong đưa nông sản Hậu Giang đi xuất ngoại, giải quyết câu chuyện đầu ra, vốn phụ thuộc nhiều vào thương lái với giá cả bấp bênh. Xác định mấu chốt là khâu kết nối thị trường thì tìm khách hàng trước rồi mới liên kết với thành viên, tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn khách hàng yêu cầu là yếu tố thành công của đơn vị. Điều này như một sợi dây, làm khâu trung gian gắn chặt giữa người sản xuất với người tiêu thụ.

Ông Trần Bá Sơn, Giám đốc Hợp tác xã trái cây sinh học OCOP, chia sẻ: HTX đang xúc tiến hồ sơ, mã số vùng trồng đang xin phép, tiêu chuẩn yêu cầu về dư lượng, ATVS thực phẩm, dư lượng thuốc BVTV, phải có mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói rồi đăng ký mã số rồi sau đó phải chiếu sạ. Thì cơ bản đầy đủ hết rồi, chỉ còn giấy tờ, thủ tục đi làm thôi.

ảnh: vov.vn

Theo quy định của Mỹ, vùng trồng và cơ sở xử lý trái bưởi tươi của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ phải được đăng ký với Cục Bảo vệ thực vật và Cơ quan kiểm dịch động thực vật của Mỹ. Trái bưởi không được nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật mà Mỹ quan tâm; được xử lý chiếu xạ và được Cục Bảo vệ thực vật cấp giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật.

Trường hợp không tuân thủ thì lô hàng có thể bị từ chối nhập khẩu, tiêu hủy hoặc xử lý lại nếu có biện pháp kỹ thuật phù hợp. Vùng trồng có liên quan sẽ bị tạm dừng xuất khẩu để điều tra nguyên nhân và có biện pháp khắc phục.

Theo thống kê, nước ta có 105.400ha trồng bưởi, sản lượng gần 905.000 tấn. Riêng ĐBSCL có khoảng 32.000 ha với sản lượng khoảng 369.000 tấn. Tìm được thị trường nhập khẩu vừa rộng đầu ra cho nông sản vừa giúp người nông dân làm giàu trên mảnh vườn của mình, không còn tình trạng ly hương, bỏ vườn khoác áo công nhân.

Để triển khai chương trình xuất khẩu bưởi sang Mỹ, Cục Bảo vệ thực vật cho biết sẽ phối hợp với các bên liên quan triển khai đồng bộ các giải pháp, đặc biệt sẽ tập trung tập huấn cho người sản xuất, các doanh nghiệp xuất khẩu bưởi về các yêu cầu nhập khẩu của Mỹ. Đồng thời, thực hiện đăng ký, duy trì mã số vùng trồng xuất khẩu và điều kiện nhập khẩu bưởi vào Mỹ, giám sát chặt chẽ sinh vật gây hại và hướng dẫn phòng trừ tại vùng trồng, bảo đảm tránh tái lây nhiễm sinh vật gây hại tại cơ sở đóng gói.

Có thể thấy, vào được thị trường Mỹ là thành công bước đầu của người trồng bưởi Việt Nam, tuy nhiên, để nối dài sự thành công này thì đòi hỏi sự chuẩn bị dày công và kỹ lưỡng từ các nhà vườn, doanh nghiệp.

Dù tiêu chuẩn của nước bạn có khắc khe nhưng cũng rất rõ ràng, điều còn lại là các doanh nghiệp, nông dân cần liên kết để sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, đáp ứng các yêu cầu thì tin rằng trong tương lai, danh sách những loại trái cây Việt Nam được vào thị trường Mỹ sẽ nối dài.