Để người khuyết tật không phải đứng ngoài nhìn công viên, vườn hoa

Bình quân mỗi người dân Hà Nội có 3 m2 diện tích không gian công cộng. Riêng quận Hoàn Kiếm, mỗi người dân chỉ có khoảng 0,1 m2. Không chỉ thiếu không gian công cộng, mà các công viên, vườn hoa trong thành phố rất khó cho người khuyết tật tiếp cận.

Với trên 112.000 người khuyết tật ở Hà Nội và hơn 7 triệu người khuyết tật trên cả nước, hiện có bao nhiêu công viên, vườn hoa thiết kế để người khuyết tật có thể tiếp cận? Việc quy hoạch không gian, thiết kế không gian công cộng cho người khuyết tật cần lưu ý gì?

Diễn đàn 91, phát sóng trực tiếp lúc 12h30-13h30, thứ Năm (21/11/2024) trên tần số FM91 của Kênh VOV Giao thông và vovgiaothong.vn với chủ đề: Để người khuyết tật không phải đứng ngoài nhìn công viên, vườn hoa 

Với sự tham gia của các vị khách mời: Bà Đỗ Thị Huyền, Chủ tịch Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội và KTS Trần Huy Ánh, Hội viên Hội Kiến trúc sư Hà Nội

  Công viên chỉ để nhìn ngắm, người khuyết tật khó tiếp cận

Bạn Hồ Thị Thu Mai, một người khuyết tật vận động kiếm sống bằng nghề bán vé số dạo  tại TP.HCM những lúc mệt mỏi muốn cùng bạn bè ra công viên, vườn hoa thư giãn. Tuy nhiên, không phải công viên nào cũng cho phép xe máy 3 bánh của người khuyết tậ đi vào:

"Công viên Gia Định nằm gần bệnh viện 175 Chỉ biết công viên đó không cho, tới thấy xe của bọn em là quản lý đuổi liền nhưng một số công viên cho phép tụi em vào như công viên Lê Thị Riêng, công viên Hoàng Văn Thụ, cứ tới vào thoải mái, bảo vệ không nói gì hết.

Hầu như không có cái gì dành cho người khuyết tật, dành cho người bình thường tập thể dục. Ngoài đó người ta thiết kế cho người bình thường tập thể dục mà, người khuyết tật ra đó chỉ ngồi nhìn thôi".

Ảnh nh họa nhandaovtv.vn

Theo Bà Nguyễn Bích Thủy, Phó Chủ tịch Hội người khuyết tật quận Ba Đình, Hà Nội, trên địa bàn quận có nhiều công viên, vườn hoa và các công trình lịch sử, mặc dù thời gian qua, chính quyền địa phương, các điểm tham quan đã quan tâm hơn đối với khả năng tiếp cận của người khuyết tật, song vẫn còn một số bất cập. Đơn cử như khu vực vườn hoa Hàng Đậu hay vườn Trúc, xe lăn không thể vào được vì vỉa hè không có đường dốc để đi lên.

Bà Thủy phản ánh: "Hoàng thành Thăng Long có lắp đặt đường dốc để vào chỗ bán vé và cửa Hoàng thành. Tuy nhiên, những công trình trong Hoàng thành không có những trang thiết bị như vậy, chúng tôi gặp khó khăn chỉ có thể đi ở trong sân mà không nhìn thấy các hiện vật bên trong các nhà đó.

Thứ hai nữa là những công trình vườn hoa trong khu nhà dân, ví dụ khu 7,2 héc ta mình thấy có đường dốc nhưng mà muốn vào tuyến đường đó thì lại không lên được vỉa hè. Đường dốc không đúng chuẩn, vẫn có một cái gờ nhỏ, khoảng 20cm hoặc quá dốc nên rất khó vào được. Có chỗ vào được, nhưng có chỗ chỉ trông vào mà cười chứ không thể lên vỉa hè"

Cũng theo bà Thủy, ngay cả công viên lớn của thành phố Hà Nội, lối vào của Công viên Thống Nhất ở đường Đại Cổ Việt cũng bị chắn, người khuyết tật chỉ có thể đi vào bằng cổng ở Nguyễn Đình Chiểu. Mặt khác, nhiều khu vực có bậc cao nên người khuyết tật cũng không thể tiếp cận toàn bộ không gian trong công viên.

Ông Phạm Quang Khoát, Chủ tịch Hội người khuyết tật quận Hoàng Mai cho biết, hiện nay những công viên mới được xây dựng cũng đã chú trọng đến khả năng tiếp cận người khuyết tật, nhưng những công viên đã được xây dựng từ lâu vẫn còn nhiều bất cập:

"Bởi vì khi sửa sang lại hoặc khi mà xây dựng ban đầu chưa tính đến người khuyết tật, người già, người sử dụng xe lăn. Điển hình như các điểm lên xuống trước cổng của các công viên chưa có lối dành cho người khuyết tật để họ có thể đi lại được.Công viên ở hồ Đền Lừ, lối lên xuống hoặc khu nhà chơi ở bên trong cũng chưa có lối lên xuống dành cho cho người khuyết tật. Công viên chưa có những đường hỗ trợ người khiếm thị sử dụng gậy".

Một công viên có thiết kế đường dốc dành cho người đi xe lăn di chuyển dễ dàng hơn - Ảnh Baoxaydung.com.vn

Ghi nhận của phóng viên chương trình, công viên Thiên Văn học của quận Hà Đông cũng đã thiết kế và xây dựng những làn đường dốc dành cho xe lăn, nhưng số lượng người khuyết tật tham gia các hoạt động tại công viên hầu như không có.

Còn tại một số những vườn hoa, công viên nhỏ ở trong các khu dân cư hầu như chưa có sự quan tâm đến khả năng tiếp cận của người khuyết tật. Đơn cử như khu vực hồ Trung Văn, toàn bộ 2 cổng vào đều làm rào chắn để ngăn xe máy đi vào trong hồ điều này đồng nghĩa với việc tước đi cơ hội của những người khuyết tật muốn sử dụng không gian công cộng. Một người dân phản ánh: "Ở đây họ ngăn hết cái này thì người đi xe lăn không thể vào được, nhưng chỗ này hoàn toàn người khiếm thị đi được, chỉ bỏ một số lối chặn đi là có thể vào được"

Việc tiếp cận các vườn hoa, công viên khó khăn khiến người khuyết tật bị mất đi cơ hội được hòa nhập cộng đồng và ảnh hưởng đến quyền lợi của họ trong sử dụng các không gian công cộng nói chung và vườn hoa, công viên nói riêng.

Không gian công cộng hòa nhập tốt, người khuyết tật không cần trợ giúp

Phóng viên VOV Giao thông có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Tiêu Quốc Đạt, người đồng sáng lập doanh nghiệp xã hội Think Play ground, đơn vị đang xây dựng cuốn sách về tính hòa nhập trong thiết kế không gian công cộng. 

PV: Thưa ông, đâu là những nguyên tắc thiết kế không gian công cộng hòa nhập?

Ông Nguyễn Tiêu Quốc Đạt: Hiện nay chúng tôi vẫn đang trong quá trình hoàn thiện, lấy ý kiến của các chuyên gia, đồng nghiệp, cộng đồng người khuyết tật để hoàn thiện cuốn sách hướng dẫn những người thiết kế, nhà hoạch định chính sách thiết kế không gian tốt nhất cho người khuyết tật.

Hiện có một số tiêu chí để mình nói về không gian công cộng thành công: ví dụ như sạch sẽ, đa dạng hoạt động, bảo khả năng tiếp cận an toàn, an toàn hòa nhập. Nếu mà nhìn 4 yếu tố đó thì chúng ta sẽ thấy được rằng không gian công cộng của Việt Nam bị thiếu những cái gì. Ví dụ như là có an toàn không, có hòa nhập không để tiếp cận tốt, không về các hoạt động đa dạng không.

Chúng ta thấy, không gian công cộng ở Hà Nội thường đơn điệu phục vụ một nhóm cụ thể, không phải là nhóm yếu thế mà là nhóm những người lành lặn, những người khỏe mạnh và những người có quyền lực quyết định trong việc chi tiêu ngân sách để mà lắp đặt thiết bị phù hợp với hoạt động của họ mà thôi

Để đảm bảo được các tiêu chí, chúng tôi cho rằng có những nguyên tắc trong thiết kế không gian công cộng hòa nhập. Ví dụ như là nó phải đảm bảo mọi người sử dụng một cách bình đẳng, hữu ích và dễ tiếp cận cho người sử dụng với nhiều khả năng khác nhau.

Thứ hai là nó có thể sử dụng linh hoạt, một thiết bị đấy không thể chỉ cho một hoạt động mà nếu được dùng cho nhiều hoạt động khác nhau thì rất là tốt.

Không gian công cộng tại các thành phố lớn rất cần được thiết kế thân thiện với người khuyết tật - Ảnh Baoxaydung.com.vn

Thứ ba là, những thông tin hướng dẫn sử dụng rất là trực quan, chỉ định rõ chỗ nào cho người khuyết tật.

Thứ tư là dễ nhận biết, mọi người có thể biết được những chỗ vui chơi cho người khuyết tật. Ví dụ như người bị mắt kém có thể cảm nhận được, không chỉ là những viên gạch nổi vân mà còn màu sắc để họ phân biệt được là nơi nào  thực sự an toàn cho họ và  quan trọng là không gây tốn sức. Nếu mà tiếp cận dễ dàng, ít dốc, ít bậc thang, bậc thang không quá cao sẽ tốt hơn.

Các đường lăn dốc khi thiết kế phải tính toán kích thước, độ rộng và không gian dễ tiếp cận dễ sử dụng. Ví dụ có những nơi là có đường lăn dốc nhưng lại  không đủ không gian cho xe lăn quay xe thì nó cũng sai. Việc thiết kế phải rất chi tiết và hiểu được thực tế sử dụng. Vì cùng là đi xe lăn nhưng có nhiều loại xe đẩy tay, xe lăn chạy pin… đặc điểm sẽ khác nhau. 

PV: Thưa ông, việc tham vấn ý kiến của người khuyết tật khi thiết kế, không gian công cộng quan trọng như thế nào?

Ông Nguyễn Tiêu Quốc Đạt: Việt Nam có Hội người khuyết tật, mỗi quận, huyện đều có các hội, nên việc tham vấn trực tiếp các hội người khuyết tật đấy để lắng nghe là điều vô cùng quan trọng. Chúng tôi làm việc với Hội khuyết tật người khuyết tật quận Hoàn Kiếm, người khuyết tật quận Đống Đa, Hội người khuyết tật Hà Nội, chúng tôi thấy rằng họ là những người rất hiểu cái cốt lõi của vấn đề của không gian công cộng, không chỉ không gian tiếp cận khó nhưng mà họ còn hiểu được sự tự ti của chính người khuyết tật khi tiếp cận không gian công cộng.

Hiện nay không gian loại trừ rất phổ biến, ở đó không chú trọng gì đến những nhóm yếu thế, họ hầu như không thể tiếp cận được. Không gian phân biệt có nghĩa chúng ta xếp hoạt động của người khuyết tật ra một khu vực riêng, tức là các không gian này chỉ tồn tại trung tâm để hỗ trợ giảng dạy cho người khuyết tật. Điều này cũng gây ra sự phân biệt và kỳ thị. Đã có một số nơi họ tích hợp được vào nhưng chưa đủ tốt để chúng ta có thể tiến tới hòa nhập.

Hòa nhập ở đây là không có thiết bị nào dành riêng cho người lành hay người khuyết tật mà có thể sử dụng chung được. Không gian đấy khiến cho người khuyết tật không thiệt thòi, yếu thế và thay đổi về tâm lý, và người bình thường cảm thấy sự hiện diện của họ là bình thường, không phải hỗ trợ người khuyết tật. 

Ảnh Baoxaydung.com.vn

PV: Ông có đề xuất  gì với các cơ quan quản lý nhà nước, những nhà hoạch định chính sách trong việc thiết kế, xây dựng không gian công cộng cho người khuyết tật?

Ông Nguyễn Tiêu Quốc Đạt: Trước hết, chúng tôi hy vọng là khi cuốn sách của chúng tôi hoàn thiện và  được đặt lên bàn của các thầy giáo, cô giáo dạy học trong trường ĐH kiến trúc, ĐH xây dựng, các nhà hoạch định chính sách, thậm chí các đại biểu Quốc hội để mà thông tin đấy cái cái cái cái nguyên lý cơ bản để nó trở nên dễ hiểu và có thể được phổ biến rộng rãi hơn.

Thứ hai, cần sửa Luật, các quy định về các công trình có khả năng tiếp cận để cập nhật hơn với thực trạng về không gian đô thị, Luật nên đi vào chi tiết hơn. Ngoài ra cũng cần có những chế tài cho các công trình thiết kế sai, không đạt tiêu chuẩn.

Theo kinh nghiệm chúng tôi để làm được nhưng không gian hòa nhập cũng rất cần các nguồn lực để thiết kế tốt, vì các công trình không thể làm một cách cẩu thả, cần những thiết bị tốt nhất để đảm bảo an toàn. Việt Nam có Hội người khuyết tật, mỗi quận, huyện đều có các hội, nên việc tham vấn trực tiếp các hội người khuyết tật đấy để lắng nghe là điều vô cùng quan trọng.

PV: Vâng. Xin cảm ơn ông!