Để giáo viên đến trường thấy mỗi ngày thực sự là một ngày vui

Việc giáo viên bỏ việc, hay sinh viên không tha thiết vào ngành sư phạm đang là một thực tế . Điều này không chỉ diễn ra ở TP Hồ Chí Minh, Hà Nội mà ở nhiều tỉnh, thành khác; tình trạng thiếu giáo viên trầm trọng đang diễn ra phổ biến ở năm học này.

Ngành giáo dục các địa phương đang tìm cách co kéo để lấp đầy khoảng trống này như là cho giáo viên dạy các môn kiêm nhiệm; kêu gọi người đã nghỉ hưu tham gia; hợp đồng thêm các nguồn từ bên ngoài.

Bởi dù thiếu thế nào thì cũng vẫn phải đảm bảo con em đến trường được học hành có thầy cô. Vì thầy cô chính là nhân tố quyết định để truyền đạt kiến thức cho các em, nhất là các bậc học từ dưới phổ thông cơ sở.

Vậy nên đã đến lúc cần nhìn thẳng vào sự thật là mức thu nhập của giáo viên hiện là thấp so với mặt bằng chung của nhiều ngành nghề, nhất là ở các đô thị lớn.

Theo tìm hiểu, một giáo viên mới ra trường, mức lương khởi điểm, cộng với các khoản thu nhập đứng lớp chỉ vỏn vẹn dưới 5 triệu đồng. Giáo viên có thâm niên trên 10 năm cũng chỉ khoảng dưới 10 triệu.

Bản thân nhiều giáo viên cũng là trụ cột chính trong gia đình, còn phải nuôi con, chăm lo sức khỏe và nhiều nhu cầu khác trong cuộc sống. Với mức thu nhập như vậy thì khó nói là hấp dẫn để người trẻ có trình độ muốn vào ngành sư phạm.

Với giáo viên hiện nay, hầu hết đều tâm huyết với nghề, tận tâm vì sự nghiệp. Nhưng trước những cơn bão giá, đối mặt với khó khăn trong đời sống, tình yêu nghề dễ bị lung lay và mai một. Tình trạng giáo viên bỏ việc, đi dạy thêm, làm thêm diễn ra ngày một nhiều.

Đây là một thách thức lớn cho ngành giáo dục và toàn xã hội. Về phần nghiệp vụ chuyên môn, căn bệnh trầm kha thành tích trong ngành giáo dục đang khiến nhiều giáo viên tiêu tốn quỹ thời gian rất lớn.

Đó là những cuộc thi giáo viên giỏi các cấp cấp cũng khiến nhiều giáo viên quay quắt. Với giáo viên chủ nhiệm vừa dạy lại còn phải chăm lo, quán xuyến cả việc đốc thúc thu nộp học phí, các khoản quỹ khuyến học; xử lý hàng chục tình huống phát sinh ở lớp mỗi ngày.

Các giáo viên bộ môn thì đối mặt với giáo án, tài liệu, sổ sách giấy tờ, kê khai, thống kê, báo cáo đủ loại; nhiều người làm việc đến khuya mà chưa xong. Sức ép thi đua năm sau phải cao hơn năm trước cả trong học tập lẫn văn nghệ, thể thao, hoạt động kỹ năng đều khiến nhiều thầy cô mệt mỏi.

Thời gian để nghiên cứu, sáng tạo cho bài giảng bị giảm sút. Chưa kể, ở các đô thị lớn, học sinh có khi lên đến hơn 40 em/lớp nên khó có thời gian mà quan tâm đến từng em. Bản thân trong 1 trường học, không phải Ban giám hiệu, tổ chuyên môn nào cũng điều hành khoa học, tạo sự phấn khởi cho thầy cô.

Rồi tính đổi mới, mạnh dạn áp dụng sáng kiến của một bộ phận giáo viên còn chậm; không ít người cũng ngại sự thay đổi. Trong khi không ít gia đình, bậc phụ huynh ỷ hết việc giáo dục con em cho nhà trường; lơ là việc nhắc nhở các em học tập. Có cách nhìn nhận tiêu cực và nghề giáo, ngành giáo.

Rõ ràng đã đến lúc gạt bỏ bệnh thành tích mang tính hình thức trong trường học mà đi đầu phải là cơ quan quản lý. Việc thực học, thực thi cần được  lãnh đạo chính quyền, ngành giáo dục địa phương nhất quán xuyên suốt xuống tận nhà trường.

Vì thực tế bản thân ngành giáo dục nếu để kết quả năm sau không bằng năm trước cũng dễ bị phê bình, kiểm điểm và căn bệnh thành tích lại đổ xuống đầu giáo viên, gây bao hệ lụy.

Tiếp đó là thực hiện chính sách nâng cao chế độ lương thưởng cho giáo viên để họ yên tâm đứng lớp. Đội ngũ quản lý giáo dục, ban giám hiệu các trường thể hiện năng lực quản trị thay đổi trong môi trường giáo dục số.

Giảm gánh nặng về báo cáo, văn bản giầy tờ, họp hành mang tính hành chính để giáo viên có thời gian chăm chút cho bài giảng.

Có chính sách thu hút người giỏi, người tài vào ngành sư phạm. Các bậc phụ huynh hiểu rõ, muốn con em chăm ngoan, học giỏi, thành người có ích không chỉ do nhà trường mà cần có sự đồng hành của mỗi gian đình và cả xã hội.

Tạo cho giáo viên đến trường, đến lớp mỗi ngày cảm thấy thực sự là một ngày vui. Đấy chính là cơ sở để họ cống hiến, phụng sự và không rời bỏ. Đây cũng chính là căn gốc để giải quyết bài toàn thiếu giáo viên hiện nay.