Để doanh nghiệp không hụt hơi dịp cuối năm

Để tồn tại, các doanh nghiệp đang phải tìm giải pháp để xoay xở vượt qua khó khăn trước mắt như cắt giảm lợi nhuận để có thể duy trì sản xuất, tiết kiệm chi phí hạ giá thành, chấp nhận giảm bớt lợi nhuận để không tăng giá bán và thực hiện chương trình khuyến mãi để kích cầu tiêu dùng.

Thế nhưng bên cạnh sự chủ động từ các doanh nghiệp, các sở ngành cần có các giải pháp hỗ trợ như kích hoạt các gói vay vốn, mở rộng thị trường xuất khẩu, từ đó góp phần vực dậy nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch vừa qua.

Đúng như dự báo của nhiều chuyên gia, hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp trong cả nước đều gặp nhiều khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ. Nguyên nhiên liệu tăng cao, nhất là giá dầu đang ở mức rất cao. Giá nhân công đồng thời cũng biến động và luôn thiếu hụt trầm trọng.

Chi phí giá thành vì thế đội lên nhiều lần. Sản phẩm, hàng hóa làm ra nhiều nơi bị đình đốn vì chưa tìm được thị trường tiêu thụ, do đứt gãy chuỗi cung ứng vì chiến tranh, dịch bệnh.

Đặc biệt trong bối cảnh để không lạm phát, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, các ngân hàng đang thực hiện chủ trương siết chặt thị trường tiền tệ, hạn chế cho vay để tránh rủi ro.

Doanh nghiệp vì thế đã gồng gánh nhiều áp lực giờ lại chồng chất những mối lo mới, khi chỉ còn 3 tháng nữa là kết thúc năm.

Mục tiêu, kế hoạch gần  như xa tầm với. Trong khi các chi phí như lương công nhân, mặt bằng, kho bãi vẫn phải trả. Ngay lúc này, các cơ quan quản lý phải xắn tay hỗ trợ doanh nghiệp nhiều nhất.

Trước mắt là việc khẩn trương hỗ trợ để doanh nghiệp có đủ điều kiện được tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất ưu đãi 2% nhanh nhất. Ngân hàng thực hiện các chính sách nới room tín dụng,  cung cấp thêm “ oxy” để giúp doanh nghiệp không bị ngục ngã vì thiếu vốn. Nhất là đối với các doanh nghiệp thực sự làm ăn chân chính, cho ra sản phẩm thực sự.

Vì vốn là điều kiện tiên quyết để duy trì và mở rộng sản xuất, nhất là thực hiện được các hợp đồng, đơn đặt hàng cho dịp cuối năm. Vấn đề bất ổn thị trường xăng dầu, giá cả leo thang cũng chính là nguyên nhân bài toán chi phí tăng vọt mà doanh nghiệp đang rất đau đầu. Việc điều tiết, bình ổn để doanh nghiệp yên tâm sản xuất lúc này vì thế rất cần thiết.

Ảnh nh họa

Nhà nước mà cụ thể ở đây là Bộ Công thương bằng công cụ điều tiết được giao, thiết lập ngay trật tự trong kinh doanh xăng dầu; xử phạt, thậm chí là đóng cửa các cửa hàng có biểu hiện găm hàng, bán nhỏ giọt, khiến doanh nghiệp và người dân lao đao.

Một yêu cầu nữa là việc mở rộng cánh cửa xúc tiến thương mại ở nhiều thị trường khác nhau, nhất là thị trường Mỹ, EU khi các thị trường truyền thống như Trung Quốc và một số nước Đông Nam á có dấu hiệu chững lại. Các cơ quan, đại diện tham tán thương mại tại các nước chính là những người mở lối giúp cho hàng hóa Việt đi vào các thị trường khó tính này.

Bản thân các doanh nghiệp sẽ phải nhận diện rõ trong “ nguy” có “ cơ”, tái cấu trúc lại sản xuất theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm, hoạch toán lỗ lã đầy đủ để bảo đảm nguồn vốn quay vòng, duy trì sản xuất.

Tiếp cận dần với sản xuất các sản phẩm xanh sạch để đi vào các thị trường tiềm năng kể trên. Trong đó đặc biệt là tham gia vào chuỗi sản xuất cung ứng toàn cầu khi nhiều doanh nghiệp lớn của thế giới hiện đang đổ bộ vào Việt Nam với tần suất cao.

Đây chính là những “đại bàng” sắp làm tổ,tạo cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp phụ trợ trong nước được tham góp vào dây chuyền sản xuất tiên tiến, hiện đại bậc nhất của toàn cầu. Chuyển đổi và ứng dụng kinh tế số triệt để vào trong sản xuất và tiêu thụ.

Trong quá trình thúc đẩy doanh nghiệp tiến lên, không thể thiếu vai trò bệ đỡ của  các cơ quan quản lý, nhất là thủ tục hành chính nếu chỉ nói trên kế hoạch và thiếu thực chất sẽ là lực cản rất lớn khiến doanh nghiệp vừa tốn thời gian, mất nhiều tiền bạc và bỏ qua nhiều cơ hội làm ăn.

Việc gỡ bỏ các rào cản này vì thế phải được coi là xuyên suốt và thể hiện nhất quán; cơ quan quản lý luôn đồng hành cùng doanh nghiệp trong mọi tình huống.

Đừng để doanh nghiệp hụt hơi trong sản xuất nhất là dịp cuối năm.