Để Bạc Liêu là thủ phủ ngành tôm công nghiệp của cả nước

Thủy sản được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn ở Bạc Liêu. Tuy nhiên, khó khăn cũng được nhận diện rõ là thiếu vốn đầu tư và nguy cơ ô nhiễm môi trường. Điều này đòi hỏi Bạc Liêu phải “hoá giải” cho được thách thức để trở thành “thủ phủ” ngành tôm công nghiệp của cả nước.

Về vùng Đông Hải, nơi được mệnh danh là “rốn muối” của tỉnh Bạc Liêu. Ngày nay, những cánh đồng rộng hàng nghìn hecta đã bớt phủ trắng muối mà thay vào đó là vuông tôm. Nông dân cơ cấu lại mùa vụ và chuyển từ nghề muối sang nuôi tôm đủ loại từ: siêu thâm canh, thâm canh, bán thâm canh hay mô hình quảng canh cải tiến kết hợp đối với 2 loại chủ lực là tôm sú và tôm thẻ.

Huyện Đông Hải đang sở hữu hơn 1.000 hecta diện tích mặt nước nuôi tôm, đóng góp sản lượng cho tỉnh trung bình 112.000 tấn/năm. Nông dân đang “theo đuổi” mô hình nuôi tôm siêu thâm canh vì có tỷ lệ thành công trên 70%, năng suất hơn 22 tấn/hecta/năm, thời gian nuôi ngắn, kích cỡ lớn, chất lượng tôm đảm bảo.

Ông Hồ Thanh Tuấn – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đông Hải cho biết: Địa phương tiếp tục quy hoạch 05 xã phía Đông, nơi gò cao để nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh và siêu thâm canh. Dự kiến đến năm 2025 thì mình có đến 1.800 hecta.

Những cánh đồng muối giờ thành những cánh đồng tôm bao la

Hiện diện tích nuôi trồng thủy sản của Bạc Liêu là 145.000 hecta, trong đó nuôi tôm siêu thâm canh, thâm canh và bán thâm canh là hơn 27.000 hecta. Năm 2022, tổng sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản của tỉnh Bạc Liêu đạt 460.900 tấn, trong đó tôm đạt gần 235.000 tấn. Năm 2023, tỉnh phấn đấu tăng sản lượng tôm lên 257.000 tấn và đề ra chỉ tiêu xuất khẩu tôm đạt 1 tỷ USD.

Được xem là thủ phủ tôm của cả nước, nhưng kim ngạch xuất khẩu tôm của Bạc Liêu năm 2022 chỉ đạt 853 triệu USD, kém xa Cà Mau và Sóc Trăng. Tuy nhiên, Bạc Liêu có lợi thế là địa phương đầu tiên của cả nước ứng dụng công nghệ cao cho hiệu quả tích cực đã khoác cho ngành tôm Bạc Liêu một chiếc áo mới, “đẳng cấp” hơn.

Năm 2020, UBND tỉnh Bạc Liêu đã phê duyệt Đề án “Xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước”. Hiện toàn tỉnh có 25 công ty, 7 hợp tác xã và 818 hộ dân đang đầu tư nuôi tôm siêu thâm canh công nghệ cao, với diện tích hơn 4.600 hecta. Mục tiêu đến năm 2025, Bạc Liêu sẽ sản xuất được 40 - 45 tỷ con giống, đáp ứng nhu cầu giống tôm nuôi của tỉnh Bạc Liêu và các tỉnh lân cận.

Diện tích nuôi tôm đạt 147.900 hecta, trong đó nuôi theo mô hình ứng dụng công nghệ cao, thâm canh, bán thâm canh 35.900 hecta. Phát triển năng lực chế biến tôm, đưa tổng công suất thiết kế đạt 160.000 tấn/năm. Để đạt được những mục tiêu đề ra Bạc Liêu đã và đang triển khai nhiều giải pháp từ nuôi đến chế biến và tiêu thụ.

Ông Lưu Hoàng Ly, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu cho biết: Giai đoạn 2021 – 2025 chỉ đạo chung của tỉnh là đẩy mạnh mô hình nuôi tôm siêu thâm canh, siêu ứng dụng công nghệ cao. Tiếp tục hoàn thiện Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao mà Chính phủ đã giao cho Bạc Liêu để phát triển ngành công nghiệp tôm.

Nuôi tôm công nghệ cao cho năng suất 22 tấn/hecta/năm

Tuy nhiên, thách thức của mục tiêu cũng được nhìn nhận là nguy cơ ô nhiễm môi trường nước và thiếu nguồn vốn đầu tư, trong khi Đề án cần trên 3.000 tỷ đồng. Vấn đề này, Bạc Liêu đang đề xuất Bộ - Ngành TW tạo điều kiện thuận lợi để các hộ dân (đặc biệt là hộ dân nuôi tôm) tiếp cận được nguồn vốn tín dụng đầu tư cho nông dân sản xuất.

UBND các huyện, thị xã, thành phố là đơn vị được giao nhiệm vụ theo dõi sát tình hình xử lý môi trường trong nuôi trồng thủy sản. Kiên quyết ngăn chặn hộ nuôi phát triển mô hình nuôi siêu thâm canh có diện tích dưới 01 hecta, hệ thống chứa, xử lý nước thải không đảm bảo. Đồng thời kiểm tra dự án có quy mô dưới 50 hecta có phát sinh nước thải, bắt buộc các hộ nuôi tôm lập hồ sơ thủ tục cấp giấy phép môi trường gửi UBND cấp huyện thẩm định cấp phép.

Ông Lê Tấn Cận – Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bạc Liêu khẳng định, địa phương tuyệt đối không đánh đổi môi trường để lấy kinh tế: Về môi trường là một vấn đề nan giải, biện pháp hiện nay là tỉnh có quy định về bảo vệ môi trường trong vùng quy hoạch nuôi tôm. Trước mắt là vận động mọi tổ chức – cá nhân nuôi tôm phải tuân thủ quy định bảo vệ môi trường vì nếu một hộ không tuân thủ sẽ gây ảnh hưởng cho tập thể xung quanh. Nếu cố tình vi phạm thì tỉnh sẽ xử lý nghiêm.

Để xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm phát triển ngành tôm của cả nước, địa phương đang tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ đa dạng hóa sản phẩm chế biến, nhất là ở phân khúc chế biến sâu, có giá trị gia tăng cao. Cung cấp kịp thời thông tin về nhu cầu thị trường tiêu thụ cũng như các rào cản kỹ thuật để doanh nghiệp biết mà chủ động trong sản xuất.

Nuôi tôm công nghệ cao đạt hiệu quả trên 70%, ngắn ngày và tôm chất lượng.

Bạc Liêu là một trong 6 tỉnh trọng điểm tôm của cả nước có vai trò quan trọng trong nhiều khâu của “chuỗi cung ứng tôm”. Là địa phương có nhiều mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao hàng đầu quốc gia. Điều này thôi thúc Bạc Liêu phải “hoá giải thách thức" để thực sự là thủ phủ ngành tôm công nghiệp của cả nước.

Làm gì để Bạc Liêu trở thành thủ phủ ngành tôm công nghiệp của cả nước?

Từ lâu Bạc Liêu đã nổi tiếng là “tỉnh muối”, “tỉnh lúa”. Khoảng 30 năm trở lại đây, Bạc Liêu chuyển mình “đeo đuổi” con tôm, cho hiệu quả kinh tế rõ nét, làm thay đổi diện mạo của nhiều vùng đất, mang lại "áo ấm cơm no" cho nhiều người dân. Con tôm đã làm nên thương hiệu cho vùng đất Bạc Liêu, trở thành tài nguyên để phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa của vùng đất này.

Giấc mơ trở thành “thủ phủ” ngành công nghiệp tôm đã đặt ra cho Bạc Liêu lộ trình phấn đấu để đạt như kỳ vọng mà Chính phủ giao. Nhưng trước xu thế biến động thị trường, cạnh tranh thương hiệu và biến đổi khí hậu cực đoan đã đặt ra cho Bạc Liêu vô vàng thách thức từ tác động bên ngoài đến nội tại. Đòi hỏi Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân phải đồng lòng thực hiện.

Đối với nuôi trồng thủy sản, tỉnh nên tiếp tục tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn với xây dựng cánh đồng lớn. Tạo điều kiện để các doanh nghiệp, hộ gia đình mở rộng quy mô sản xuất theo hướng trang trại, phát triển bền vững. Nhân rộng mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ giữa các doanh nghiệp và nông dân theo hình thức hợp tác sản xuất quy mô lớn.

Bạc Liêu xưa nay nổi tiếng là đất muối. Nhưng nhiều năm nay, nông dân đã bỏ muối "theo đuổi" tôm.

Cùng với việc phát triển con tôm công nghiệp, tỉnh cũng cần chú trọng phát triển ổn định, bền vững mô hình nuôi tôm sinh thái, nuôi tôm sạch (tôm - lúa, tôm - rừng, rừng - tôm) và ứng dụng rộng rãi nuôi trồng thủy sản có chứng nhận như: VietGAP, GlobalGAP, ASC…

Đối với lĩnh vực chế biến, tỉnh Bạc Liêu đang ưu tiên đầu tư phát triển công nghiệp chế biến sâu, chế biến tinh, chế biến sản phẩm ăn liền để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm, nhất là đối với sản phẩm từ tôm.

Thách thức lớn nhất để Bạc Liêu chinh phục ước mơ trở thành “thủ phủ” ngành tôm đó là nguồn vốn và môi trường. Nhu cầu vốn đầu tư cho Đề án tương đối lớn, trong khi nguồn lực đầu tư của tỉnh có giới hạn, khả năng tiếp cận nguồn vốn của người dân đầu tư vào lĩnh vực thủy sản còn hạn chế. Bạc Liêu đã nhận diện và xác định huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực nhà nước và xã hội. Tranh thủ chính sách hỗ trợ của nhà nước trong đầu tư phát triển nông nghiệp, nguồn kinh phí Ngân hàng thế giới.

Về môi trường, nuôi tôm công nghệ cao thì nguy cơ ô nhiễm môi trường cũng cao là có thật. Trên thực tế, tại nhiều vùng nuôi ở Bạc Liêu, môi trường kênh mương tự nhiên đang ô nhiễm do nước xả thải lén từ các ao nuôi công nghệ. Điều này phải được Bạc Liêu quyết liệt xử lý vi phạm. Vì nếu phát triển nóng diện tích nuôi tôm công nghệ cao mà để xảy ra “thảm họa” môi trường thì công tác cải tạo tốn rất nhiều tiền mà cũng mất hàng chục năm.

Đối với người nuôi tôm cần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong hoạt động nuôi trồng thủy sản vì cộng đồng người nuôi tôm.