Đẩy mạnh xuất hóa đơn điện tử bán lẻ xăng dầu sau từng lần bán

Theo Tổng cục Thuế, việc xuất HĐĐT sẽ góp phần đảm bảo môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch giữa các thành phần kinh tế.

Có thể thấy, xuất hoá đơn điện tử (HĐĐT) theo từng lần bán hàng không những giúp đẩy mạnh công tác chuyển đổi số của các doanh nghiệp và hệ thống bán lẻ xăng dầu trên phạm vi toàn quốc mà còn tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế và hướng đến mục tiêu bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng trước vấn nạn buôn lậu xăng dầu và kinh doanh trái phép xăng dầu giả gây tổn thất cho phương tiện của người dân và gây ảnh hưởng nghiêm trọng trong hoạt động sản xuất kinh doanh và cuộc sống của người dân.

Xuất hóa đơn điện tử cho khách hàng ngày tại một trạm xăng dầu ở TPHCM

So với thời điểm 31/3/2024 số cửa hàng bán lẻ xăng dầu sử dụng giải pháp kết nối tự động để phát hành hóa đơn điện tử từng lần bán hàng chiếm 47% tổng số cửa hàng trên toàn quốc và giải pháp này được đánh giá là giải pháp tối ưu hơn các giải pháp khác. Tuy nhiên, vẫn còn 52% số cửa hàng sử dụng giải pháp máy POS/máy tính bảng để phát hành hóa đơn điện tử từng lần bán hàng. Khi sử dụng giải pháp này, người bán phải nhập thủ công thông tin từng lần bán hàng vào máy POS/máy tính bảng, do đó việc phát hành hóa đơn điện tử từng lần bán hàng phụ thuộc hoàn toàn vào công tác nhập dữ liệu của người bán.

Từ tháng 4 đến hết tháng 9 năm 2024, cơ quan thuế các cấp đã thực hiện gần 10.000 lượt kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định về phát hành hóa đơn điện tử từng lần bán hàng tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu. Tuy nhiên, xăng dầu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, công tác kiểm tra, giám sát của cơ quan thuế chưa thực sự phát huy hiệu quả.

Nhằm tiếp tục thực hiện các giải pháp đảm bảo cung ứng xăng dầu cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 99 ngày 23/9/2024, ngày 11/11/2024, Bộ Tài chính đã ban hành công văn số 12311 gửi các đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị tiếp tục phối hợp chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện quy định về hóa đơn điện tử từng lần bán hàng đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu, cụ thể một số nội dung trọng tâm như sau:

Một là, chỉ đạo các cơ quan, ban ngành tại địa phương (công thương, công an, thông tin và truyền thông, kế hoạch và đầu tư, khoa học và công nghệ, … ) phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế các cấp thành lập các Đoàn/Tổ kiểm tra liên ngành thực hiện kiểm tra thường xuyên hoặc đột xuất việc chấp hành quy định về kinh doanh xăng dầu, quy định về quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử từng lần bán hàng tại từng doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh bán lẻ xăng dầu trên địa bàn theo đúng quy định.

Trường hợp phát hiện các cửa hàng, doanh nghiệp cố tình vi phạm quy định, đề nghị xem xét thu hồi Giấy phép đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ.

Tổ chức quản lý, giám sát lượng xăng dầu hợp pháp bán ra trên địa bàn đảm bảo thu đủ số tiền thuế phải nộp theo quy định, đồng thời kiên quyết đấu tranh chống các hoạt động mua bán trái phep, gian lận tiền thuế.

Hai là, tiếp tục chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông, các đài, báo tại địa phương phối hợp với cơ quan thuế đẩy mạnh và đa dạng hóa các biện pháp, giải pháp tuyên truyền đến người tiêu dùng, các đơn vị kinh doanh, bán lẻ xăng dầu trên địa bàn hiểu rõ để nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật trong hoạt động kinh doanh xăng dầu, quy định về xuất hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng theo quy định.

Ba là, chỉ đạo Sở khoa học và công nghệ phối hợp với cơ quan thuế, Sở Thông tin và Truyền thông hướng dẫn, khuyến khích và tạo điều kiện để các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn chuyển đổi áp dụng giải pháp kết nối dữ liệu tự động để phát hành hóa đơn điện tử từng lần bán hàng, hạn chế tối đa sự tác động của con người góp phần chống gian lận trong hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu.