Đầu tư mạnh mẽ cho nghề muối Bạc Liêu

Với 56km bờ biển, thời tiết 2 mùa mưa - nắng rõ rệt đã tạo điều kiện cho tỉnh Bạc Liêu hình thành nghề làm muối hơn 100 năm nay. Tuy nhiên, phương pháp sản xuất thủ công nên năng suất và chuỗi giá trị của hạt muối chưa cao như mong đợi...

Với 1.500 hecta, tỉnh Bạc Liêu được xem là nơi có diện tích sản xuất muối lớn nhất Việt Nam. Tại những cánh đồng ở Bạc Liêu, năm nào cũng thừa muối, nhưng thực tế đáng buồn là nước ta vẫn bỏ ra cả tỉ USD để nhập khẩu muối.

Có tài nguyên nhưng lại phát huy chưa mạnh là một trong những trăn trở của diêm dân. Mục tiêu của cánh đồng muối Bạc Liêu thời gian tới là cần có mức đầu tư mạnh mẽ về kỹ thuật, nguồn vốn… để sản xuất phục vụ đủ cho thị trường nội địa và vươn ra xuất khẩu.

Đến vùng đất “trắng trời” huyện Đông Hải – nơi nghề muối xuất hiện đầu tiên của tỉnh Bạc Liêu, cho ra hạt muối lọt tốp ngon nhất Việt Nam, diêm dân đang tất bật chuẩn bị cho niên vụ mới. Trên những cánh đồng đầy nắng, thừa gió và đậm vị mặn, hộ gia đình của chị Giang Út Đèo và nhân công đang xả nước mưa tích trữ trong ruộng, sên vét kênh mương bồi lắng để dẫn nước biển vào ô kết tinh.

Từ khi được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, nghề làm muối ở Đông Hải được Trung ương và tỉnh Bạc Liêu quan tâm, hỗ trợ kinh phí 130 tỉ đồng để đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng đồng muối chất lượng cao, sản xuất muối theo cách cơ giới hóa và phương pháp trải bạt, cho năng suất tăng gấp 2 lần so với cách làm muối truyền thống, tiết kiệm thời gian và nhân công.

Chị Giang Út Đèo, diêm dân xã Điền Hải, huyện Đông Hải cho biết: Muối trải bạt bán có giá hơn muối đất, muối bạt nhẹ nhân công hơn, mình chỉ vác muối lên và lau sân thôi chứ không phải lăn cho sân cứng lại như cách làm truyền thông muối đất.  Nói chung đầu mùa tới giờ vui lắm, cào thấy muối là phấn khởi.

Nghề làm muối Bạc Liêu có lợi thế về điều kiện tự nhiên nhưng lại thiếu vốn đầu tư và chậm đổi mới về công nghệ.

Trong số 1.500 hecta sản xuất muối của Bạc Liêu thì huyện Đông Hải chiếm gần 1.200 hecta. Năm 2022 là một trong những năm “cá biệt” giá muối tăng đột biến 3.000 đồng/kg thay vì chỉ giao động từ 1.400 -1800 đồng/kg như mấy năm trước đây. Bước sang năm 2023, diêm dân bán muối trắng tại ruộng với giá 2.400 đồng đến 2.800 đồng/kg, với muối đen thì từ 1.600 đồng/kg đến 2.200 đồng/kg. Tuy giá có chênh lệch nhưng diêm dân vẫn có lãi và có động lực để giữ vững diện tích muối.

Ông Nguyễn Hoàng Quốc, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Diêm nghiệp Huy Điền cho biết: Giá muối 3.000 đồng/kg là diêm dân sống khỏe, nếu giá muối cứ duy trì ổn định thế này thì bà con xã viên sống ổn định. Ngành nghề muối là cha truyền con nối, cứ hễ tới mùa là dân người ta lại muốn làm muối, mặc dù ảnh hưởng rủi ro thời tiết nhưng mà bà con ở HTX vẫn còn yêu nghề muối lắm.

Trong niên vụ năm 2023, sản lượng muối toàn tỉnh Bạc Liêu đạt trên 27.000 tấn, trong đó muối trắng trải bạt là hơn 7.300 tấn, còn lại là muối sản xuất truyền thống. Năng suất trung bình đạt gần 17 tấn/hecta (đối với sản xuất muối truyền thống) và trên 37 tấn/heca (đối với muối trải bạt). Tổng số hộ sản xuất muối năm 2023 trên địa bàn tỉnh là 767 hộ, với 1.520 lao động. Mặc dù đã được công nhận chỉ dẫn địa lý, công nhận Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và xuất khẩu, nhưng diêm dân chưa thể giàu lên từ muối. Ngược lại, diện tích ngày càng thu hẹp.

Theo thống kê chưa chính thức, nhu cầu tiêu dùng muối hàng năm của nước ta hiện là 1,4 triệu tấn, trong đó sản xuất trong nước 700 nghìn tấn, chủ yếu sử dụng để làm muối ăn. Mỗi năm, Việt Nam nhập khẩu khoảng 600 nghìn tấn muối trắng có độ tinh khiết cao để phục vụ các ngành công nghiệp. Ngoài ra, có vài chục nghìn tấn muối đặc biệt sạch được nhập về để phục vụ ngành y tế. Tất cả các muối biển sản xuất trong nước hầu như không đạt theo quy chuẩn, tiêu chuẩn muối công nghiệp và muối y tế.

Mặc dù đã nỗ lực áp dụng quy trình công nghệ để chế biến các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong nước và định hướng xuất khẩu nhưng Bạc Liêu cũng thẳng thắn nhìn nhận nghề sản xuất muối của tỉnh còn nhiều khó khăn. Ngoài biến đổi khí hậu và mưa trái mùa thì việc tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật của diêm dân còn hạn chế, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm sản xuất truyền thống, thiếu vốn đầu tư.

Để phát huy tiềm năng, giúp nghề muối tận thu giá trị, Bạc Liêu đang cần sự hỗ trợ từ Bộ NN&PTNT để triển khai có hiệu quả Đề án “Phát triển ngành muối giai đoạn 2021 – 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2020. Theo đó, Bộ NN&PTNN sẽ hỗ trợ tỉnh nghiên cứu hoàn thiện quy trình sản xuất muối theo hướng cơ giới hóa, hiện đại hóa, đồng bộ từ khâu cung cấp nước biển đến thu hoạch, vận chuyển, làm sạch và bảo quản. Tỉnh đang nỗ lực “bảo tồn” diện tích muối còn lại, chú trọng đầu tư thêm hệ thống cơ sở hạ tầng, liên kết, hỗ trợ tiêu thụ, quảng bá sản phẩm và đảm bảo được đầu ra về giá cả để diêm dân tiếp tục gắn bó với nghề muối.

Để thay "áo mới" cho hạt muối Bạc Liêu, ngoài đầu tư vốn, công nghệ thì bản thân nông dân cũng cần mạnh dạng thay đổi tư duy sản xuất. Tuy nhiên hạt muối Bạc Liêu đang đứng trước nguy cơ mai một thì diêm dân bỏ muối nuôi tôm. Chính vì thế, ngành chuyên môn phải định hướng để động viên diêm dân giữ lại diện tích muối.

Ông Hồ Thanh Tuấn – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Đông Hải cho biết các chính sách hỗ trợ diêm dân giữ lại diện tích muối hiện nay: Bộ NN&PTNN có hỗ trợ cho Bạc Liêu đề án nâng cấp cánh đồng muối, đề án này 130 tỉ.

Trong đề án có 3-4 dự án nhỏ. Thứ nhất là nâng cấp hạ tầng cánh đồng muối, các hộ dân nằm trong dự án sẽ được đầu tư điện, nâng cấp lộ, nạo vét thủy lợi. Thứ hai, dự án nâng cao hiệu quả và chất lượng muối. Ở dự án này nếu trước đây sản xuất truyền thống thì nay chúng ta sẽ sản xuất theo phương pháp công nghệ để tăng sản lượng gấp 3 lần.

Thứ ba, kêu gọi nhà đầu tư vào lĩnh vực chế biến muối để xây dựng thương hiệu, khi có nhà đầu tư vào nghiên cứu chế biến muối thực phẩm, muối dược liệu, quà tăng du lịch… thì ngành muối sẽ phát triển.

Thứ tư, sẽ xây dựng khu trưng bày muối, công cụ phương tiện sản xuất muối và lịch sử hình thành ngành muối để kết nối du lịch. Xây dựng mô hình điểm thể thu hút khách du lịch đến đây trải nghiệm. 

Muối Bạc Liêu thành phẩm, thuộc vào tốp muối ngon của Việt Nam. Nhưng muối ở Bạc Liêu cũng được nhân định là chưa có nhiều sản phẩm đa dạng.

Nghề sản xuất muối ở Bạc Liêu có thế mạnh về điều kiện tự nhiên và diêm dân chăm chỉ, cần cù, kinh nghiệm. Tuy nhiên, để hạt muối đi xa, Bộ NN&PTNT cho rằng Bạc Liêu cần sản xuất đa dạng hóa các loại sản phẩm về muối.

Thỏa mãn nhu cầu muối trong nước trước tiên, sau đó từng bước thay thế lượng muối nhập khẩu và tiến đến xuất khẩu, nhất là muối phục vụ tiêu dùng và công nghiệp thực phẩm.

Bạc Liêu kiến nghị Bộ NN&PTNT tổ chức Festival muối tại tỉnh vào năm 2024, qua đó giúp quảng bá, giới thiệu sản phẩm muối trong nước nói chung, muối Bạc Liêu nói riêng; xúc tiến đầu tư, thương mại kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, chế biến và thương mại muối; tạo động lực để ngành muối trong nước cạnh tranh được với muối nhập khẩu tại thị trường nội địa.