“Cuộc đua” gỡ thẻ vàng

Dự kiến tháng 10/2024, đoàn kiểm tra của Ủy ban Châu Âu (EC) sẽ đến Việt Nam để kiểm tra đánh giá việc thực thi pháp luật, chống khai thác hải sản bất hợp pháp và không theo quy định (IUU). Đây có thể xem là cơ hội cuối để ngành thủy sản Việt Nam gỡ được “thẻ vàng”

Ngư trường Cà Mau – Kiên Giang thuộc tốp 4 ngư trường trọng điểm của Việt Nam có đến 14.000 phương tiện khai thác thủy sản, cung ứng cho thị trường ít nhất 800.000 tấn tôm cá/năm.

Ông Cô Hồng Khởi, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm ngư tỉnh Kiên Giang cho biết, ở vùng biển biển Kiên Giang, nổi cộm nhất là tình trạng nhiều phương tiện “3 không”: không đăng ký; không đăng kiểm; không có giấy tờ khai thác và khai thác sai vùng nhưng vẫn thực hiện đánh bắt. Toàn tỉnh chỉ có 9.000 tàu đăng ký khai thác thủy hải sản, chiếm khoảng 64%, trong đó có nhiều phương tiện hết hạn giấy phép và có trên một nghìn tàu ở nơi khác tìm về khai thác chung ngư trường.

Năm 2023, quá trình kiểm tra giám sát, Chi cục Kiểm ngư của tỉnh đã phát hiện 259/ 439 tàu cá có dấu hiệu vi phạm. Trong đó, có 2 tàu cá không số chở 13 thiết bị giám sát hành trình của các tàu cá khác.

Ông Khởi cho biết thêm: “Hiện nay trước mắt tập trung làm việc với một số đối tượng không đăng ký, không đăng kiểm, không có giấy phép. Sau đó là làm việc với đối tượng tắt thiết bị giám sát hành trình. Tình trạng tắt thiết bị giám sát hành trình rất phức tạp, chúng tôi tăng cường theo dõi để xử lý vấn đề tắt kết nối. Hy vọng qua đây sẽ giải quyết được một số vấn đề lớn của công tác phòng chống khai thác IUU và quả lý tàu cá”.

Các cảng các ở ĐBSCL kiên quyết không cho xuất bến, nhập bến, cập cảng, rời cảng đối với các tàu không có đủ giấy tờ, chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định.

Bộ NN&PTNN đã xác định 03 điểm lớn để tập trung khắc phục theo khuyến cáo của EC. Một là, tàu cá còn vi phạm ở vùng biển nước ngoài. Thứ hai là tàu cá còn tắt thiết bị giám sát hành trình. Thứ ba là những đội tàu chưa được đăng ký, đăng kiểm, không giấy phép khai thác và đây là tàu không số. Thời gian gần đây, với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, các địa phương cũng tích cực hơn trong việc tham gia, cải thiện những khuyến nghị của Đoàn thành tra EC.

Đơn cử là tỉnh Tiền Giang, toàn tỉnh hiện có 721 tàu cá hoạt động trên biển trong tổng số 1.025 phương tiện. Trong số này, có 963 tàu cá đã lắp thiết bị giám sát hành trình theo quy định, còn lại 60 phương tiện nằm bờ chưa lắp đặt thiết bị này. Trong những tháng đầu năm nay, do thời tiết bất lợi nhất là sóng to, gió lớn nên công tác đánh bắt hải sản của ngư dân Tiền Giang đạt hiệu quả không cao, sản lượng giảm. Trong 4 tháng qua, tại cảng cá Mỹ Tho và cảng cá Vàm Láng có 150 lượt tàu cá cặp cảng, sản lượng hải sản bốc xếp lên cảng hơn 10.750 tấn; so với cùng kỳ năm ngoái giảm gần 400 tấn.

Điều đáng ghi nhận là dù đánh bắt hải sản trên biển gặp khó khăn, nhưng ngư dân Tiền Giang thực hiện nghiêm các quy định, không có trường hợp nào khai thác vi phạm vùng biển nước ngoài; 100% tàu cá trong diện bắt buộc khi ra khơi đều lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và thực hiện tốt các quy định về chống vi phạm IUU.

Ông Nguyễn Văn Lý, chủ đoàn  tàu đánh cá tại xã Tân Mỹ Chánh, thành phố Mỹ Tho chia sẻ: “Bây giờ tôi có 3 cặp ghe cào, 10 ghe tải. Tôi đánh bắt ở trong vùng biển Đông của Việt Nam thôi, hoạt động cũng tạm nhưng không bằng năm rồi vì càng ngày càng giảm sản lượng, do lượng tàu ngày một nhiều. Tôi có gắn thiết bị theo quy định của nhà nước, có theo dõi hàng ngày. Nếu không may thiết bị thiết hỏng thì cán bộ điện thoại nhắc nhở suốt”.

Tại Cà Mau, ngoài việc xác định, lập danh sách tàu cá có nguy cơ cao vi phạm khai thác IUU để theo dõi, địa phương này còn thành lập thêm 9 chốt kiểm tra, kiểm soát lưu động tại cửa biển ngoài 10 trạm kiểm soát biên phòng hiện có. Từ ngày 1/1/2023 đến ngày 15/3/2024, UBND tỉnh Cà Mau đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuỷ sản 134 trường hợp, phạt tổng số tiền hơn 4 tỷ 342 triệu đồng.

Ông Châu Công Bằng – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau cho biết: “Đến thời điểm này đã phát hiện 356 trường hợp vi phạm và xử phạt trên 1 tỷ đồng. Đối với hành vi mua bán, chế tạo, tàng trữ công cụ đánh bắt thủy sản tận diệt như: xung điện, kích điện… thì mức phát cao nhất 10 triệu đồng. Hành vi sử dụng công cụ khai thác thủy sản tận diệt thì bị phạt đến 50 triệu. Còn hành vi sử dụng chất nổ khai thác thủy sản là phạt 70 triệu đồng. Hành vi nghiêm trọng hơn là truy cứu trách nhiệm hình sự là phạt tù 3 năm. Ngoài ra, tất cả các công cụ tang vật đều bị tịch thu tiêu hủy. Đối với cá nhân nào sử dụng dụng cụ tận diệt khai thác mà để lại hậu quả là có chế tài cưỡng chế để khắc phục hậu quả”.

Ngoài ra còn có Bến Tre, trong 3.000 phương tiện thì đã có gần 2.000 tàu đánh bắt xa bờ. Về đăng kiểm đã đạt 87,82%, trong đó tàu chưa đăng kiểm 289 tàu. Tổng số tàu được cấp giấy phép đạt 80,37%, trong đó tàu chưa được cấp lại giấy phép 594 tàu. Hiện tỉnh Bến Tre có 1.117 tàu thuộc diện “3 không”, đây là mặt tồn tại mà Bến Tre đang quan tâm giải quyết. Đặc biệt, tại các xã trọng điểm về tàu vi phạm vùng biển nước ngoài, đã triển khai sàng lọc tàu có nguy cơ cao và phân công cán bộ, đảng viên ở địa phương phụ trách đến từng chủ tàu.

Để phòng chống IUU, UBND tỉnh Bến Tre đã chỉ đạo cơ quan Biên phòng kiểm soát chặt chẽ tàu xuất, nhập bến, các cảng cá kiểm soát chặt chẽ tàu cập cảng, rời cảng kiên quyết không cho xuất bến, nhập bến, cập cảng, rời cảng đối với các tàu không có đủ giấy tờ, chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định. Ông Nguyễn Văn Buội, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre cho biết: “Tàu cá thuộc diện “3 không” hiện nay đã được đăng ký cấp phép là 263 tàu đạt gần 25% (tàu dưới 12 m). Công tác đăng ký tàu cá này cũng gặp nhiều khó khăn do yêu cầu nghiêm ngặt về đăng kiểm như hồ sơ, kỹ thuật, xác định máy chính, đưa tàu lên ụ để kiểm tra… UBND tỉnh đã giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức đối thoại, tuyên truyền, hợp tác các bên liên quan để thực hiện”.

Hiện Việt Nam có 524 doanh nghiệp chế biến thuỷ sản được phép xuất khẩu và EU. Nếu thoát khỏi thẻ vàng, các doanh nghiệp này sẽ có cơ hội lấy lại vị thế, đảo ngược mũi tên sụt giảm xuất khẩu thuỷ sản vào thị trường EU. Thậm chí là lấy lại thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 thế giới vốn lập được trước đó. Kể từ sau khi vướng thẻ vàng cuối năm 2017, thị trường EU đã giảm từ vị trí thứ 2 xuống thứ 4 sau Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc.

Việc gỡ thẻ vàng IUU là nhiệm vụ quan trọng vì EU nằm trong top 5 thị trường xuất khẩu lớn nhất của thủy sản Việt Nam và lấy lại hình ảnh, vị thế của thủy sản Việt Nam.

EC cảnh báo thẻ vàng đối với ngành hàng khai thác hải sản Việt Nam vào tháng 10/2017. Việt Nam được xem là quốc gia có thời gian giữ thẻ vàng lâu nhất. Vi phạm trong khai thác thủy sản tại ĐBSCL xuất phát từ những nhu cầu khách quan và tinh thần chủ quan.

Khách quan ở chỗ, ĐBSCL có đường bờ biển dài, người dân mưu sinh nghề cá với nền văn nh biển cả lâu đời. Trữ lượng hải sản ngày càng giảm đi, vì sinh kế nên những chuyến vươn khơi không thể kiểm soát mà vi phạm vùng biển nước ngoài. Thậm chí khai thác kiểu tận diệt để bắt được cả cá lớn và cá nhỏ. Ngành hàng thủy sản tại ĐBSCL cũng chứng kiến hoàn cảnh thiếu nguồn nhân lực để kiểm soát theo sự dịch chuyển của các đội tàu vươn khơi.

Chủ quan nằm ở chỗ, tất cả những khuyến cáo của EC và những điều cấm trong khai thác IUU đều đã có trong Luật Thủy sản 2017. Những khuyến cáo đó đã được Việt Nam cấm từ trong luật nhưng cấp độ thực thi lại chưa tốt. Mấu chốt nằm ở quyết tâm của lãnh đạo địa phương và tinh thần phối hợp liên thông để cùng xử lý vấn đề.

Việc gỡ thẻ vàng IUU là nhiệm vụ quan trọng vì EU nằm trong top 5 thị trường xuất khẩu lớn nhất của thủy sản Việt Nam và lấy lại hình ảnh, vị thế của thủy sản Việt Nam. Phòng chống đánh bắt IUU đã được Chính phủ xác định là cần tập trung vào 2 việc: Không để có tàu cá bị bắt ở nước ngoài; xử lý nghiêm các vi phạm vật liệu nổ trong đánh bắt hải sản. Vậy thì địa phương phải hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan chống khai thác IUU để xử lý dứt điểm tàu cá “3 không”. Nâng cao năng lực thực thi pháp luật, xử lý các hành vi vi phạm khai thác IUU; đặc biệt là hành vi môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân Việt Nam đi khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.

Sức khỏe biển, môi trường biển là nơi nuôi dưỡng nguồn lợi thủy sản, do đó, chủ trương của Chính phủ là phải giảm khai thác, tăng nuôi trồng và bảo tồn biển. Việc gỡ thẻ vàng của EC mới chỉ là bước đầu, về lâu dài phải quan tâm đến vấn đề nh bạch trong khai thác thủy sản, có sinh kế bền vững cho người dân để hướng đến phát triển thủy sản bền vững. Dù còn nhiều thách thức nhưng nếu chúng ta hành động đầy đủ, thực thi quyết liệt thì sẽ đạt được kết quả.