Công nghệ nào cho rác?

60.000 tấn rác thải phát sinh mỗi ngày trên phạm vi cả nước, riêng Hà Nội và TP.HCM xả gần 10 nghìn tấn. Tốc độ trăng trưởng rác liên tục ở mức 2 con số. 70% chất thải rắn đang được xử lý bằng cách chôn lấp, tỉ lệ tái chế không đáng là bao.

Điều đáng nói, rác được chôn lấp hợp vệ sinh chỉ chưa đến 20%. Trong khi, nhiều nơi đang chịu ô nhiễm từ chính các lò đốt rác!

Chôn lấp, đốt rác thu điện, hay lý - hóa - sinh, công nghệ nào phù hợp để xử lý rác thải của Việt Nam? Nếu lựa chọn phân loại rác tại nguồn, thì định hướng nào cho công nghệ?

"Công nghệ nào cho rác?" - hãy lên tiếng cùng Diễn đàn 91 của VOV Giao thông vào 16h, thứ Bảy (16/9/2023).

Với sự tham gia của các khách mời: Ông Nguyễn Quang Huân - Phó Chủ tịch Hội nước sạch và môi trường Việt Nam và Ông Nguyễn Trung Việt - Chuyên gia về xử lý chất thải rắn (nguyên Trưởng phòng chất thải rắn Sở TN&MT TP.HCM).

 

Khi công nghệ “hụt hơi” với rác

Sinh sống tại một chung cư trên địa bàn quận Thanh Xuân được 4 năm, bạn Vũ Thanh Hải nhận thấy rõ lượng rác phát thải ở khu dân cư của mình có sự gia tăng rõ rệt, nhất là khi các gia đình trẻ có thêm nhân khẩu. Bạn Hải phản ánh:

"Trước đây khi tôi đi đổ rác vào buổi tối, chỗ chứa rác chỉ khoảng một nửa thôi nhưng bây giờ lần nào ra rác cũng đầy, thậm chí chúng tôi phải để ra bên ngoài. Đặc biệt là ở chung cư nhiều gia đình trẻ nên số lượng rác thải là bỉm của trẻ con rất nhiều, rất nhiều ni lông nhưng chắc chắn không có ai phân loại rác cả, chỉ để riêng. Có những lúc cô đi thu dọn rác không kịp dẫn đến đầy cả nhà rác như vậy".

Không khó để bắt gặp những tuyến phố, những khu vực trong nội thành - nơi tập hợp các xe thu gom rác luôn trong tình trạng quá tải, bốc mùi khó chịu. Rác cũng xuất hiện ở khắp mọi nơi, vỉa hè, lòng đường và ở các khu vực công viên, hồ nước.

Từ những lần đi thực tế nhặt rác, chị Mỹ Linh, thành viên Hội yêu rác khu vực Hà Đông phản ánh:

"Trong quá trình nhặt rác, chúng thấy vẫn có những thành phần chính là rác vô cơ, rác hữu cơ và rác tái chế. Những năm gần đây, chúng tôi thấy xuất hiện nhiều loại rác dùng một lần, như hộp xốp, chai nhựa dùng 1 lần, nhiều hộp đựng đồ ăn nhanh, cốc. Những loại rác đó đang có xu hướng tăng lên và nhiều hơn".

Không chỉ gia tăng về số lượng rác phát sinh mỗi ngày, các thành phần rác thải cũng trở nên phức tạp hơn, bị bỏ ra môi trường. Một số ý kiến phản ánh:

"Rác thải điện tử ở Việt Nam hiện nay phát sinh một lượng lớn khá lớn. Tuy nhiên, rác thải điện tử chưa được quản lý tốt, vì bị xả thải ra môi trường, chưa có quy trình thu hồi những linh kiện tái tạo được hay những thành phần gây hại cho môi trường".

"Gần như hàng ngày thấy xuất hiện những chăn màn, bàn ghế hỏng, chậu rửa mặt, bệ vệ sinh, nội thất… tất cả những đồ gì gia đình không dùng bỏ ra những nơi không có người, chỗ vỉa hè".

Không khó để bắt gặp những tuyến phố, những khu vực trong nội thành - nơi tập hợp các xe thu gom rác luôn trong tình trạng quá tải, bốc mùi khó chịu

Số liệu thống kê cho thấy, mỗi năm Việt Nam trung bình phát sinh 25 triệu tấn chất thải rắn sinh hoạt, trong đó hơn 50% là chất thải rắn sinh hoạt đô thị, rác thải nhựa chiếm từ 10-20%.

Trong số 63 tỉnh, thành trên cả nước, có tới gần 50 tỉnh, thành phố phát sinh lượng rác trên 1.000 tấn/ ngày. Đặc biệt, một số đô thị lớn như Hà Nội phát sinh từ 6.500-7.000 tấn/ngày, Tp.HCM phát sinh trên 9.000 tấn rác/ngày.

Mặc dù có sự gia tăng cả về trọng lượng và chủng loại, nhưng công tác phân loại rác tại nguồn tại Việt Nam còn gặp nhiều bất cập và chưa đồng bộ, công tác xử lý rác, đặc biệt là chất thải rắn còn nhiều bất cập, xuất hiện nhiều sự cố tại các khu xử lý rác thải, gây ùn ứ trong nội thành.

TS Trần Văn Miều,Trưởng ban truyền thông Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam phân tích: "Đối với rác hữu cơ, người ta có thể xử lý ngay tại nhà, làm phân, chôn, hầm bioga. Những loại rác về công nghiệp, xây dựng phát sinh nhiều nhưng chưa có công nghệ xử lý. Công nghệ tiên tiến, có rồi nhưng về mặt tài chính, quy hoạch và nhận thức của dân chưa đồng tình, cho nên mình đang gặp khó khăn trong việc đưa công nghệ tiên tiến vào xử lý rác".

Một số chuyên gia cho biết, số lượng rác phát thải của Hà Nội dự kiến tăng khoảng 5%/năm, trong khi công nghệ xử lý rác chủ yếu là chôn lấp chiếm tới 89%.

Nhiều công nghệ xử lý rác trong và ngoài nước đã được áp dụng tại Việt Nam như công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh, đốt tiêu hủy, đốt phát điện, sản xuất phân com- pốt…giải quyết một lượng lớn rác thải cho các địa phương, nhưng sau một thời gian áp dụng cũng bộc lộ một số bất cập, làm phát sinh những vấn đề ô nhiễm trường.

Tính đến giữa năm 2022, Hà Nội có khoảng 17 khu xử lý rác theo quy hoạch, trong đó 9 khu đầu tư mới. Tuy nhiên, hiện nay mới chỉ  có 03 nơi đang hoạt động là Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn, Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn và Khu xử lý chất thải Cầu Diễn.

Tình trạng quá tải khu xử lý rác dẫn đến nhiều lần các khu xử lý rác buộc phải đóng cửa, người dân  đã liên tục chứng kiến những lần rác tồn đọng tại nhiều tuyến phố của thủ đô trong mấy năm qua, gây bức xúc trong dư luận.

 

Mục tiêu nào, công nghệ đó

Giáo sư Hoàng Xuân Cơ, nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quan trắc và mô hình hóa môi trường, trường Đại học khoa học Tự nhiên cho rằng, xử lý rác bằng biện pháp chôn lấp có nhược điểm là tốn diện tích, xảy ra tình trạng quá tải và ô nhiễm. Theo Giáo sư Hoàng Xuân Cơ, lựa chọn công nghệ rác phải phù hợp với đặc thù của rác thải của Việt Nam:

"Rác sinh hoạt phần lớn là rác hữu cơ. Như vậy nếu không tận dụng được, đem đốt hoàn toàn thì có lẽ không tốt bằng nếu tận dụng nó để đem làm phân composte. Đốt cũng không tốt lắm đâu".

Ông Đinh Đăng Hải, chuyên gia cao cấp Dự án Thành phố sống tốt, Tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam cho rằng, với tình trạng rác của Việt Nam đa dạng, phức tạp về chủng loại, rất khó có một công nghệ nào có thể xử lý được toàn bộ các vấn đề.

Do vậy, trong chính sách quản lý rác thải, Việt Nam nói chung và chính quyền các thành phố nói riêng cần phải ưu tiên giảm thiểu rác thải, từ đó giảm số lượng rác ra môi trường và giảm gánh nặng trong khâu xử lý rác.

Theo ông Hải, việc lựa chọn công nghệ xử lý đối với rác không thể tái chế, cần lưu ý: "Tùy theo thành phố và các quốc gia có chiến lược khác nhau mà chúng ta lựa chọn những công nghệ phù hợp với loại chất thải mà chúng ta có, phù hợp  với điều kiện kỹ thuật trong nước làm sao để làm chủ công nghệ và thu hồi tối da. Với rác của Hà nội và một số thành phố khác có lượng rác hữu cơ lớn thì chúng ta nên ưu tiên công nghệ tái sử dụng và tái chế hữu cơ trong rác thải là rất quan trọng".

TS Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Việt Nam cho rằng, để xử lý rác thải ngày càng gia tăng nhanh chóng, một số địa phương chuyển sang công nghệ đốt rác. Tuy nhiên, các chủ đầu tư chào nhiều công nghệ đốt rác khác nhau, khiến nhiều địa phương còn gặp nhiều lúng túng.

Ông Tùng lưu ý: "Hiện nay công nghệ đốt rác phổ biến trên thế giới. Công nghệ phổ biến nhất là lò ghi chuyển động. Khi nhà đầu tư chào công nghệ này, chúng ta cần phải chú ý hết sức về quy mô, thì còn phải chú ý đến vấn đề khí thải và bụi thải, đặc biệt là dioxin, độ bền. Các địa phương cũng không nên ham rẻ mà các chủ đầu tư cắt đi một số công đoạn xử lý".

Một số ý kiến cho rằng, lựa chọn chính sách xử lý rác thải của mỗi đô thị, không chỉ là lựa chọn công nghệ xử lý rác phù hợp với điều kiện tài chính và đặc thù rác thải của địa phương, mà còn không làm phát sinh thêm khí phát thải hay những chất thải rắn mới ra môi trường.

Bên cạnh đó, chính sách xử lý rác thải cũng cần hướng đến việc giảm thiểu lượng rác phát thải ra môi trường.