Chủ tịch phường đối thoại với dân 2 lần/năm: Cần kiểm tra, giám sát để tránh hình thức, đối phó

Chủ tịch phường ở Hà Nội phải tổ chức hội nghị đối thoại với dân tối thiểu 2 lần/năm về những vấn đề liên quan đến quyền lợi và nguyện vọng chính đáng của công dân ở địa phương.

Đây là nội dung đáng chú ý trong Dự thảo nghị định quy định chi tiết tổ chức, hoạt động UBND phường của thành phố Hà Nội trong thực hiện quy định tại Luật Thủ đô.

Xung quanh nội dung Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến, PV VOV Giao thông có cuộc trao đổi với chuyên gia chính sách Ngô Dương.

Hội nghị đối thoại đối thoại giữa Chủ tịch UBND phường Tân Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội với nhân dân - Ảnh Báo Giao thông

PV: Ông đánh giá thế nào về đề xuất Chủ tịch phường cần đối thoại với dân ít nhất 2 lần/năm?

Ông Ngô Dương: Chúng ta có thể thấy, người đứng đầu đơn vị hành chính cấp phường sẽ có cơ hội lắng nghe người dân một cách trực tiếp, không thông qua kênh trung gian. Người dân được trình bày thẳng thắn nguyện vọng của mình, phản ánh bất cập trong hoạt động kinh tế-xã hội, hoạt động quản lý của đơn vị tại địa phương.

Còn ở bên thứ ba, có thể thấy đây là một quy trình dân chủ. Người đứng đầu chính quyền phải lắng nghe để có thêm tư liệu trong hoạt động quản lý. Vừa cập nhật tình hình, vừa có cơ hội kiểm tra các báo cáo của phòng, ban xem có gì chưa phù hợp, thống nhất với thực tiễn.

PV: Đề xuất này nếu hiện thực hóa sẽ có tác động đến các chủ thể ra sao, thưa ông?

Ông Ngô Dương: Ông chủ tịch phường là người có nghĩa vụ phải làm, là người ảnh hưởng trực tiếp. Điều này đỏi hỏi ông chủ tịch phường phải lập kế hoạch kỹ hàng năm. Ở các chính quyền địa phương, họ không chỉ theo định kỳ dựa vào các đề xuất phòng ban đưa ra quyết định, mà có nhiều công việc đột xuất. Tôi hiểu thì một ông chủ tịch phường sẽ phải họp rất nhiều cuộc họp trong một năm.

Nếu hai cuộc họp này được quy định bắt buộc, ông ta phải lập kế hoạch vào thời gian nào để không chồng lấn các cuộc họp khác. Đối thoại với người dân mà hoãn hay hủy bỏ thì đó vi phạm, mất uy tín. Vì vậy, cần chuẩn bị kỹ các tình huống điều hành trơn tru, địa điểm, thời gian, tổng hợp các ý kiến. Từ đó, phát hiện các vấn đề mới để kịp thời quyết định ngay trong phạm vi, thẩm quyền, hoặc báo cáo lên cấp trên.

Theo quan điểm của tôi, quy định này nếu thông qua sẽ tạo ra một nghĩa vụ nặng nề cho ông chủ tịch phường. Chuẩn bị một cuộc họp đâu đó 3-4 ngày. Còn 1 năm trừ ngày nghỉ, ngày lễ chỉ có khoảng 200 ngày làm việc thôi. Hiện nay, công việc của họ cũng tương đối nhiều rồi.

Rủi ro thứ nhất là vỡ kế hoạch do địa phương rất bận, cái rủi ro thứ hai, vì nặng nên có thể sẽ được tổ chức họp qua loa, chiếu lệ, hình thức. Có thể họ sẽ mời những người dân ít nêu ý kiến, không có tính phản biện, không có góc nhìn đa chiều.

Đối phó với rủi ro này, có lẽ các cơ quan cấp trên cần kiểm tra, giám sát ủy ban cấp phường có làm thực chất hay không, hay chỉ làm tính chất đối phó, hình thức.

PV: Xin cảm ơn ông!