Chủ động kiểm soát lạm phát với biến động giá cả thị trường

Năm 2024, áp lực lạm phát không quá lớn, tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, từ nay tới cuối năm còn nhiều biến số khó lường tác động đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) như tác động từ các cuộc điều chỉnh giá dịch vụ y tế và giáo dục trong quý 3 năm 2023.

Trong bối cảnh chịu sức ép tăng giá từ cả yếu tố nội và ngoại, cần chủ động kiểm soát lạm phát thế nào?

Ảnh nh họa: Thời báo Tài chính Việt Nam

Nếu nhìn vào tốc độ tăng CPI trong 6 tháng đầu năm nay, có thể thấy áp lực lạm phát đang ở mức vừa phải. Cụ thể, so với cuối năm 2023, CPI mới chỉ tăng 1,4%, tương đương trung bình khoảng 0,23%/tháng. Nếu xét riêng trong quý II/2024, CPI chỉ tăng trung bình 0,1%/tháng.

Ông Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính cho rằng, lạm phát so với cùng kỳ và lạm phát trung bình ở mức cao như hiện nay chủ yếu là do tác động từ các cuộc điều chỉnh giá dịch vụ y tế và giáo dục trong quý 3 năm 2023.

Trong quý 3 năm 2024, khi hiệu ứng từ việc điều chỉnh giá này giảm dần và nếu không có sự điều chỉnh giá quy mô lớn đối với các mặt hàng được Nhà nước quản lý, lạm phát so với cùng kỳ sẽ giảm mạnh và lạm phát trung bình cũng sẽ giảm theo.

Ông Nguyễn Đức Độ nhìn nhận: "Nếu tính trong quý 2 GDP đã tăng trưởng 6,42% nhưng tính trung bình 5 năm thì vẫn chỉ ở mức 5%, dưới rất nhiều so với mức trung bình của giai đoạn 2014-2024 là 6%, tức là nền kinh tế hoạt động dưới tiềm năng. Thứ hai là tốc độ tăng trưởng cầu tiêu dùng luôn luôn thấp so với cả tốc độ tăng trưởng GDP, người dân đang có xu hướng tăng tiết kiệm. Yếu tố thứ ba là tỷ giá, 6 tháng đầu năm thì tỷ giá đã tăng khá mạnh. Còn lãi suất dù mức thấp nhưng vẫn duy trì thực dương. Tốc độ tăng trưởng tín dụng thì 6 tháng đầu năm tăng trưởng khoảng 4,5%, cũng là mức khá thấp. Những mức tăng trưởng này phù hợp với bối cảnh hiện nay là nền kinh tế mới đang phục hồi, chưa phục hồi hoàn toàn".

Trong bối cảnh chịu sức ép tăng giá từ các yếu tố nội tại và các yếu tố bên ngoài, lạm phát vẫn được kiểm soát trong tầm mục tiêu. 6 tháng cuối năm nay, áp lực lạm phát được dự báo cũng sẽ không lớn nhưng cũng không thể chủ quan.

PGS,TS. Ngô Trí Long - chuyên gia kinh tế cho rằng: "6 tháng cuối năm thì Chính phủ đề ra rất nhiều giải pháp cụ thể…. Thủ tướng đề ra rất cụ thể, từng giải pháp cụ thể, từng ngành, từng bộ. Ví dụ đối với Tài chính như thế nào, thu chi ngân sách đảm bảo cân đối, đối với Công Thương thì về giải quyết vấn đề giữa cung cầu hàng hóa, đặc biệt đối với công tác về quản lý giá và công tác quản lý thị trường..".

 

Năm 2024, bối cảnh lạm phát và giá cả hàng hóa thế giới đã hạ nhiệt, tại Việt Nam khả năng lạm phát tăng mạnh trong năm nay là khó xảy ra. Tuy nhiên, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cần chủ động, linh hoạt trong điều hành chính sách tiền tệ, bởi những thách thức về lạm phát tiếp tục tăng trong thời gian tới.

TS Lê Duy Bình nhận định: "Lạm phát có dấu hiệu gia tăng, khi chỉ số giá tiêu dùng vừa được công bố có dấu hiệu gia tăng so với quý trước. Áp lực lạm phát gia tăng trong những tháng cuối năm. Lượng tiền huy động vào hệ thống Ngân hàng có tăng nhưng không mạnh như thời gian trước. Điều này có nghĩa là trong những tháng cuối năm, Ngân hàng sẽ phải tăng lãi suất. Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước sẽ cần tìm những điểm cân bằng, hài hòa giữa lãi suất cho vay, lãi suất huy động. Cần tìm điểm hài hòa để đảm bảo lợi ích của người gửi tiền, đảm bảo sự an toàn của hệ thống Ngân hàng cũng như mục tiêu lãi suất thấp để hỗ trợ tăng trưởng". 

Mặc dù Chính phủ luôn thận trọng và chủ động trong điều hành giá cả thị trường và kiểm soát lạm phát, nhưng chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Minh Phong cho rằng, phải sẵn sàng các kịch bản và giải pháp ứng phó cho từng tình huống phát sinh.

"Chúng ta phải dựa vào những áp lực lạm phát, từng khía cạnh để có những giải pháp thích hợp. Đối với lạm phát chi phí đẩy, bên cạnh việc tăng lương đã trở thành hiện thực thì tăng chi phí của các dịch vụ đầu vào. Với lạm phát tiền tệ, cần phải có sự kiểm soát để tránh gia tăng đột ngột một lượng tiền vào thị trường. Cuối cùng là lạm phát ngoại nhập, ta cũng phải chủ động kịch bản vì áp lực lạm phát ngoại nhập đến từ các nguyên liệu đầu vào, đặc biệt trong đó có yếu tố liên quan dầu khí và một số nguyên liệu khác.

Do đó sẽ gây ra những căng thẳng về tỷ giá, chúng ta phải đứng trước áp lực điều chỉnh tỷ giá như nửa đầu năm. Nó đòi hỏi phải có từng chính sách riêng biệt cho từng khía cạnh để tạo ra một sự triệt tiêu những tác động mặt trái nhiều nhất".

Với những lo ngại về tăng lương sẽ có tác động đến giá cả và gây áp lực đến lạm phát trong 6 tháng cuối năm, các chuyên gia kinh tế cho rằng, mặc dù lương cơ sở được tăng từ 1/7/2024, nhưng việc điều chỉnh lương chủ yếu diễn ra trong khu vực công có quy mô không lớn trong nền kinh tế.

Tuy nhiên, cần tập trung vào các giải pháp quản lý thị trường, giám sát chặt chẽ biến động giá cả, các mặt hàng vẫn có biến động tăng giá để tham mưu chính sách, kịch bản điều hành giá phù hợp, linh hoạt, kịp thời, nhất là với những hàng hóa, dịch vụ thiết yếu có tác động lớn tới mặt bằng giá./.