Chợ hoa Hàng Lược, ký ức Tết trăm năm

Chỉ họp duy nhất mỗi năm một lần, chợ hoa Hàng Lược mang phong vị đặc biệt, là nét văn hóa truyền thống và là nơi tái hiện lại những ký ức tươi đẹp của hàng chục nghìn người dân Thủ đô Hà Nội. Trải qua thăng trầm lịch sử, chợ hoạ có tuổi đời hơn trăm năm đổi thay như thế nào?

Đi chơi chợ hoa Hàng Lược dịp cận tết Nguyên đán là một trong những sinh hoạt văn hoá quen thuộc của người dân Hà Nội (Ảnh: Quang Hùng)

BÊN DÒNG THỜI GIAN

Đào cành, đào cắm lọ, quất thế cùng nhiều loại hoa được bày dọc hai bên con phố Hàng Lược. Tiểu thương vừa chăm chút cho hoa, vừa mời chào thị dân ghé xem. Xuôi xuống ngã ba giao Hàng Mã – Hàng Đồng là chợ đồ cổ, đồ cũ. Chợ hoa lâu đời nhất đất kinh kỳ hiện ra với muôn hoa khoe sắc, chỉ khác điều có chút ảm đạm hơn so với những năm trước Covid:

"Ngày xưa thì ai cũng hào hứng, tết đến là người ta nhiệt tình thích lắm, chỉ nghĩ đến tết là đi mua sắm cái nọ cái kia về cho nhà nhiều cái mới. Cuộc sống khó khăn hơn thì người ta mua ít hơn, chỉ mua đủ thôi chứ không mua nhiều. Ví dụ như ngày xưa người ta kiếm được thì người ta mua nhiều, nhưng nói chung sau này người ta chỉ dùng đủ thôi".

Đó là tâm sự của bà Hợp, ba đời bán mã tại khu phố cổ. Chợ hàng Lược kiêu kỳ. Mỗi năm chỉ mở một phiên duy nhất, thường từ 23 tháng chạp đến 29, 30 tết. Nào đào quất, thược dược, violet, lay ơn đẹp nhất từ những làng hoa có tiếng như Ngọc Hà, Tứ Liên, Nghi Tàm, Nhật Tân, Quảng Bá được chở về, thắp sáng cả khu phố cổ chợ hoa.    

Người Hà Nội đi chợ hoa thường ngắm nhiều hơn mua, đó như một thú vui. Thế nên, có lẽ chỉ có người Hà Nội mới nói “đi chơi chợ hoa” mà không phải là “đi chợ mua hoa” như nhiều nơi khác. Nhiều người lớn tuổi tới đây, đơn giản để tìm lại không khí Tết xưa của phố phường Hà thành:

"Chợ tết ngày xưa có những cô mặc áo tứ thân, thắt lưng này; rồi những người nông dân đứng bán với những cành đào trên hai tay. Chứ còn bây giờ có những cái chậu cắm cành cắm ống. Đấy là cái khác. Nhưng mà gương mặt hồ hởi của mọi người đi ngắm hoa thì tôi thấy nó vẫn như xưa".

Rất ít người tới chợ hoa Hàng Lược để mua hoa đào. Những người Hà Nội kỹ tính thường đến thẳng các vườn hoa ở làng hoa đào Nhật Tân, hoặc chợ Quảng Bá để mua đúng loại hoa được trồng ở Nhật Tân (Ảnh: Quang Hùng)

Còn theo trí nhớ của ông Hoàng Văn Đoàn (62 tuổi) sinh ra và nối nghiệp cha ông ở con phố Hàng Mã, chỉ duy nhất một năm chợ hoa không họp, đó là Tết Đinh Hợi 1947. Lúc đó Hà Nội đang là chiến trường. Nhìn cảnh chợ hoa thời hiện đại, ông bồi hồi nhớ về cái hồi chiến tranh, khổ nhưng mà vui:

"Nó vui theo kiểu là tết đến máy bay bom đạn thả xong, bà con ra vẫn cứ vui, người nọ người kia hể hả lắm, vui vẻ. Bùm bùm đùng đoàng chui xuống hầm đấy xong lên là cầm hoa đi bán. Nói chung cái tết ngày xưa tớ cảm thấy nó đầm ấm hơn mặc dù kinh tế đói hơn bây giờ".

Cũng sinh ra và lớn lên ở phố Hàng Mã, ông Ngô Quang Lực là đời thứ ba theo nghề thủ công truyền thống của gia đình. Các mặt hàng như giỏ cua bé, bánh chưng giả, câu đối treo hai bên cửa – đều được gia đình ông làm theo lối dân gian của người Việt, không lai tạp các nước Á Đông khác. Ông kể, chợ hoa bây giờ khác xưa nhiều:

"Ngày xưa người ta nặng cái truyền thống. Có những khu vực có ông đồ nho viết chữ như đầu hàng lược, hàng mã là những ông đồ nho. Hàng Lược bán cây cảnh hoa tết với cá cảnh. Bây giờ theo thời buổi hiện đại khác hơn, sau một thời gian nó tây hoá nhiều hơn".

Ảnh: Quang Hùng

Không chỉ vậy, người đi chơi chợ hoa cũng có đôi nét khác biệt:

"Ngày xưa người ta hiểu biết hơn, người ta dạy cho con trẻ mình biết những đồ chơi gì, nên mua những cái gì treo ngày tết. Nhưng bây giờ lớp thanh niên khi chúng tôi bán hàng lại phải tư vấn hướng dẫn cho người ta cách để người ta trở lại truyền thống cổ của mình".

Không ít các thế hệ người Hà Nội năm nào cũng đến đây, đến một lần hoặc vài lần ngắm những cành đào, quất cảnh để tìm lại một phần ký ức của mình và cũng nhận trong lòng sảng khoái, ấm áp hơn. Hay đơn giản là để con trẻ biết về một nét đẹp của người Hà Nội xưa:

"Tết thì gia đình chúng tôi thường cho cháu đi tham quan chợ hoa. Một phần cho cháu biết không khí tết và biết thêm các loại hoa của Việt Nam và những nước khác".

"Hàng năm gia đình vẫn cố gắng sắp xếp thời gian để đưa bé đến tham quan tại đây. Đến đây bạn có thể hoà vào không khí tết của Hà Nội xưa, với cũng đc thăm quan nhiều loại hoa và đồ dùng cho dịp tết. Đây cũng là cách để mình giáo dục hướng dẫn bạn nhiều hơn về phong tục tập quán của người Việt".

Chợ Tết chính là bức tranh muôn màu cuộc sống của người Hà Nội. Dường như, dù cuộc sống đầy những biến thiên, đôi khi ai đó phải thảng thốt: mai một nét sinh hoạt xưa mất rồi. Nhưng rõ ràng cái hồn chợ Tết xưa với thú chơi xuân của đất Hà thành thì chưa khi nào mất đi...

Ảnh nh họa: ANTĐ

SỐNG Ở HÀ NỘI

Tết ngày nay ở Hà Nội khác xưa, không còn cảnh ngược xuôi tất bật lo tết như thời chiến tranh, thời bao cấp khiến người ta lại càng da riết, bùi ngùi về tết một thời. Ôi nhớ chiều ba mươi Tết – là nhan đề bài viết của nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến sẽ kể với chúng ta câu chuyện Tết xưa. 

Nhạc sĩ Hoàng Hiệp tập kết ra Bắc năm 1954, gia đình ông sống trong căn phòng chỉ 24m2 ở khu tập thể Kim Liên. Sự nghiệp sáng tác của ông đồ sộ với nhiều ca khúc đi cùng năm tháng. Những ca khúc rung động tâm hồn con người đa phần được ông viết trong thời kỳ đất nước bị chia cắt và năm tháng Mỹ đánh bom Hà Nội. Dù đề tài gì nhưng đều toát lên tinh thần lạc quan tràn đầy hy vọng.

Năm 1975, đất nước thống nhất, ông trở về quê hương ền Nam tiếp tục viết nhạc. Sống ở quê hương hòa bình song lòng ông khôn nguôi nhớ ngày trên đất Bắc như câu thơ của Chế Lan Viên “Khi ta ở chỉ là  nơi đất ở/Khi ta đi đất đã hóa tâm  hồn”. Nỗi nhớ dâng đầy để rồi ông viết ca khúc “Nhớ về Hà Nội”. Ca khúc mờ đầu bằng câu có tính khẳng định “Dù có đi bốn phương trời/Lòng vẫn nhớ về Hà Nội/Thủ đô yêu dấu/Một thời đạn bom/Một thời hòa  bình”.

Tháng ngày sống và thở cùng nhịp phố phường, Hà Nội hiện ra thật bình dị, đó là phố Quang Trung, Nguyễn Du dậy mùi hoa sữa nồng nàn, là tiếng tầu điện leng keng đi về chở những tâm hồn nhẹ nhàng, bao dung. Nhưng da riết nhất ông nhớ về ngày tết “Ôi nhớ chiều ba mươi  tết, chen giữa đào hoa tươi  thắm, đường phố đông vui chờ đón tân niên, là phút thiêng liêng lắng nghe thơ Người. Hà Nội ơi!” Trong nỗi nhớ  thoáng qua  chút buồn song  không bi lụy, nó trong sáng và thanh lịch.

Tiếng tết nghe thật bình thường vì năm nào cũng có song ai xa quê hương, xa Hà Nội, ăn tết, đón xuân ở xứ người, đất lạ mãi không quen mới thấy tết quê thiêng liêng thế nào. Ký ức sâu đậm trong mỗi  con người thường là những nghịch cảnh, khó khăn, bất hạnh họ phải trải qua, hứng chịu. Thời bao cấp, để  ăn mấy ngày tết, người Hà Nội phải lo từ nhiều tháng trước.

Ảnh nh họa: ANTĐ

Mua chút mộc nhĩ treo lên gác bếp để gói món giò sào. Đảo qua chợ này chợ kia mua  chút nấm  hương cho món nấm thả, món truyền thống của mâm cỗ tết. Lại mua nắm đậu xanh  cho vào vò bịt kín chống mọt làm nhân bánh chưng và đĩa xôi gấc. Ai cũng bảo thiếu thốn thì đơn giản, cầu  kỳ, bầy vẽ  làm gì cho vất vả song có cầu kỳ và bầy  vẽ đâu, chỉ là những món một năm nấu một lần.

Gần tết người lớn càng mất ngủ, tết sầm sập  mà đứa lớn chưa có áo mới, quần đứa bé đã cũ trong khi phiếu vải mỗi năm chỉ có 4 mét phải làm sao đây? Dù sáng kiến là lấy  quần cũ của  đứa lớn cắt ra may lại cho đứa bé, dỗ dành con mà lòng mẹ nhói buốt. Tháng cận tết không dám ăn thịt, chỉ là đậu  phụ, lạc rang muối vì dành phiếu thịt dồn vào với tiêu chuẩn tết mới đủ thịt làm nhân bánh chưng, gói cây giò sào, nấu nồi thịt đông. 

Nhà nào cũng hối hả cũng chuẩn bị nên các cửa hàng lương thực, bách hóa người xếp hàng dài dằng dặc, sốt ruột vì còn nhiều việc đành phải dằn lòng. Mua được túi hàng tết thấy nhẹ người. Nồi bánh chưng là quan trọng nhất, có đủ nguyên liệu cũng chưua dám gói vì phải chắc chắn mượn được nồi luộc. Có tết, sáng ngày ba mươi, người người đi mua thêm đào mà trên vỉa hè nhiều phố vẫn còn đỏ lửa luộc bánh.

Tết ngày nay ở Hà Nội khác xưa, không còn cảnh ngược xuôi tất bật lo tết như thời chiến tranh, thời bao cấp khiến người ta lại càng da riết, bùi ngùi về  tết một thời. Nên nhớ ký ức là tài sản cũng là  năng lượng để sống tiếp.   

Hình ảnh chim lạc sẽ là điểm nhấn của chương trình Rực rỡ Thăng Long 2025 (Ảnh: Corex)

TIN YÊU

- Trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, người dân và du khách sẽ được vui Xuân, trải nghiệm không khí Tết cổ truyền tại Thủ đô. Sở Du lịch Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị, doanh nghiệp tăng cường chất lượng dịch vụ, đảm bảo an ninh trật tự và xây dựng nhiều chương trình hấp dẫn phục vụ du khách vui chơi dịp Tết.

- Sáng 22/1, tại Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội tổ chức thực hành nghi lễ "Tống cựu nghinh Tân" dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025. Chương trình thể nghiệm những lễ nghi trong dịp Tết Nguyên đán đã từng diễn ra trong cung đình Thăng Long xưa, thể hiện mong muốn hưng thịnh cho quốc gia, sự bình an no ấm cho Nhân dân “tống cựu nghinh tân” tiễn năm cũ đón năm mới.

- Lễ hội Gióng đền Sóc là lễ hội truyền thống lâu đời diễn ra trên địa bàn huyện Sóc Sơn, đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) vinh danh là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại. Theo truyền thống, lễ hội được tổ chức vào ngày mùng 6 tháng Giêng hằng năm. Năm nay, Lễ hội Gióng đền Sóc sẽ được tổ chức trong 3 ngày, từ ngày 3 đến 5-2-2025 (tức ngày mùng 6 đến mùng 8 tháng Giêng năm Ất Tỵ).

- Hội chợ sách xuân 2025 chủ đề “Tết tri thức - sum vầy” sẽ diễn ra tại Trung tâm Sách quốc gia, 24 Quang Trung, Hoàn Kiếm, Hà Nội, đến hết ngày 12/2. Điểm nhấn của Hội chợ sách xuân 2025 là trưng bày 3.000 tựa sách hay và mới với chủ đề mừng Đảng, mừng Xuân; các sách chuyên ngành chuyên khảo, sách phục vụ đời sống, tư tưởng, văn hóa, sách cho giới trẻ, sách văn học, nghệ thuật...