Cháy nổ cận Tết, cần hành động thay vì cảnh báo

Bây giờ là thời điểm người dân tất bật chuẩn bị đón Tết Nguyên Đán Ất Tỵ 2025. Thế nhưng, bên cạnh niềm vui và sự háo hức, nỗi lo lắng cũng đang bao trùm khi các vụ cháy nổ nghiêm trọng liên tiếp xảy ra tại nhiều địa phương trên cả nước, gây thiệt hại lớn trong những ngày qua.

Từ nhà dân đến cơ sở kinh doanh, từ khu chung cư đến chợ Tết… chỉ một phút bất cẩn, hậu quả có thể không thể đo đếm. Chúng ta đang thiếu đi giải pháp nào để bảo vệ sự an toàn cho mỗi mái ấm trước nguy cơ cháy nổ?

Về nội dung này, PV VOV Giao thông có cuộc trao đổi với Nhà giáo Nhân dân, Đại tá, PGS, TS Ngô Văn Xiêm, Nguyên Phó hiệu trưởng Trường Đại học Phòng cháy Chữa cháy.

Hiện trường vụ cháy nhà trọ ở TP. Thủ Đức ngày 27/12 làm 2 người tử vong

Thưa ông, tình trạng cháy nổ liên tiếp xảy ra trong thời gian gần đây, đặc biệt lại đúng dịp đón Tết Nguyên đán, gây thiệt hại nghiêm trọng, khó hồi phục. Ông đánh giá như thế nào về nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng này?

Có mấy nguyên nhân chính sau đây. Thứ nhất, trước sự phát triển mạnh của kinh tế xã hội, của đất nước, nhiều cơ sở vật chất đã được xây dựng, đặc biệt gần đây nhiều loại hình cơ sở xây dựng. Trong khi đó, các cơ sở pháp lý về khoa học kỹ thuật chưa được nghiên cứu trước hoặc là những nghiên cứu cơ bản về vấn đề thiết kế, bố cục, đường đi, lối lại, các điều kiện khác để an toàn chưa được nghiên cứu cơ bản. Người dân cũng chủ yếu là lo về lợi ích lợi nhuận, điều kiện an toàn thì gần như không đáp ứng được.

Thứ hai nữa là ý thức của người dân trong việc chấp hành các quy định về an toàn phòng cháy, chữa cháy còn rất chủ quan, có những lúc thậm chí còn coi thường.

Thứ ba nữa là kiểm tra, giám sát việc xử lý kiên quyết các vi phạm về các điều kiện an toàn chưa làm nghiêm, xử phạt việc chấp hành của người dân cũng như các chủ cơ sở, các nhà đầu tư cũng chưa đến nơi đến chốn.

Theo báo cáo thống kê của Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy, hơn 70% số vụ cháy xảy ra có liên quan đến hệ thống thiết bị điện không an toàn, trong tổng số hơn 2.500 vụ đã được điều tra, kết luận về nguyên nhân vụ cháy.

Ảnh nh hoạ

Trước thực tế đáng lo ngại này, các biện pháp cụ thể nào cần được triển khai để tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy trong dịp cận Tết Nguyên đán? Giải pháp nào nhằm đảm bảo an toàn tại các khu vực đông dân cư và địa điểm nguy cơ cao, đặc biệt là khu vực diễn ra hội chợ, thương mại phục vụ Tết, thưa ông?

Trước hết, các lực lượng chức năng được Nhà nước giao nhiệm vụ quản lý an toàn phòng cháy, chữa cháy cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn cho người dân về kiến thức, kỹ năng, và kỹ thuật phòng cháy chữa cháy. Khi người dân nhận thức được trách nhiệm của mình, họ sẽ tích cực chấp hành đầy đủ các quy định an toàn.

Thứ hai, người dân cần tích cực tham gia vào các hoạt động phòng cháy, chữa cháy tại cơ sở. Huy động sức mạnh của cộng đồng vào các hoạt động này là rất quan trọng. Đồng thời, cần nghiêm khắc hơn trong việc hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc cư dân chấp hành quy định; nếu không tuân thủ, cần có hình thức xử lý thích hợp, trước hết có thể là trách nhiệm dân sự và đạo đức. Trong trường hợp vi phạm nghiêm trọng, mức xử lý hình sự cũng cần được áp dụng một cách kịp thời và có tính răn đe cao.

Đối với an toàn phòng cháy, chữa cháy trong dịp cuối năm, các lễ hội, triển lãm và sự kiện có liên quan đến nhiều yếu tố có thể gây cháy, như tập trung hàng hóa dễ cháy, chất rắn, lỏng, khí. Hơn nữa, việc sử dụng hệ thống điện cho quảng cáo và tuyên truyền trong hội chợ cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Thứ ba, ở đây là nơi có nguy cơ nguy hiểm, tập trung đông người, nếu như không chấp hành tốt các quy định thì dẫn đến cháy, nổ hoặc là sự cố, tai nạn.

Theo kinh nghiệm, có vài biện pháp cần thực hiện: Thứ nhất, hàng hóa cần được phân khu rõ ràng theo loại, với các khu vực riêng biệt cho hàng dễ cháy, nhựa, và các chất lỏng, khí khác. Thứ hai, thiết kế hệ thống điện phải đảm bảo an toàn, sử dụng ống gen để bảo vệ dây điện khỏi các tác động cơ học có thể gây ra nguồn nhiệt. Cũng nên cấm đốt hương và hút thuốc tại các khu vực khác nhau. Thứ ba, thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở người dân về việc tuân thủ các quy định an toàn.

Đối với khu dân cư, vai trò và trách nhiệm của tổ trưởng tổ dân phố, tổ bảo vệ an ninh, và các cán bộ phòng cháy, chữa cháy là rất quan trọng. Họ cần khai thác và sử dụng hiệu quả các điểm chữa cháy công cộng cũng như tổ liên gia phòng cháy, chữa cháy đã được thành lập trong khu dân cư.

PV: Xin cảm ơn ông