Ngoài 70 tuổi, có 3 thế hệ cư ngụ trên “huyện đảo” Cù Lao Dung, ông Ong Văn Hùng đã bao lần chứng kiến sự thay da đổi thịt của mảnh đất trù phú này. Nhưng có lẽ, 2023 mới chính là thời khắc quan trọng, đánh dấu mốc Cù Lao Dung “thay áo mới” nhờ vào Dự án cầu Đại Ngãi.
Cù Lao Dung xanh thẳm – nơi Ông Hùng và xóm làng sinh sống được ví von là “ĐBSCL thu nhỏ” vì có biển, có sông, lợi thế nuôi trồng - đánh bắt thủy hải sản. Thiên nhiên còn nguyên sơ, trong lành, đất đai trù phú, cây trái sum xê. Trong quy hoạch tổng thể, “huyện đảo” này sẽ là “thiên đường” du lịch sinh thái độc đáo của Tây Nam Bộ.
Tiềm năng là vậy, nhưng bao đời nay, Cù Lao Dung phải lụy phà đã dẫn đến hạn chế trong giao thương và kêu gọi đầu tư. Dự án cầu Đại Ngãi khởi công, đã hiện thực hóa ước mơ cháy bỏng của nhiều thế hệ người dân sống trên Cù Lao Dung, giúp địa phương thoát cảnh lụy đò, xóa thế cô lập, kết nối giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế.
Ông Ong Văn Hùng – sống tại huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng bộc bạch: Bản thân tôi và Nhân dân Cù Lao Dung khi nghe xây dựng cầu Đại Ngãi là trong lòng rất mừng. Đây cù lao ngăn sông cách trở, từ chỗ đó vận chuyển, đi đứng rất khó khăn. Có cầu đi lại sẽ giúp việc đi đứng, vận chuyển hàng hóa rất thuận lợi.
Chung niềm vui lớn này, người dân tỉnh Trà Vinh cũng hồ hỡi và kỳ vọng vào Dự án cầu Đại Ngãi. Xưa nay, người ta ví Trà Vinh như một “ngõ cụt” vì nhiều địa phương của tỉnh nằm ở vị trí hẻo lánh, phải lụy phà và hoạt động bằng đường thủy là nhiều. Nông sản cũng chỉ buôn bán trong phạm vi nhỏ hẹp. Nay cầu Đại Ngãi bắt qua địa bàn, như đem về sức sống mới, cho Trà Vinh cơ hội “trở mình” với nền nông nghiệp truyền thống, hàng hóa vận chuyển dễ dàng, nhanh chóng.
Ông Trương Chí Vững – ngụ tại huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh cho biết: Bà con nông dân mong sao có cây cầu đi qua sớm, nhanh chừng nào tốt chừng nấy. Kể cả những người mua bán cũng thuận tiện hơn khi được vận chuyển bằng đường xe lúc trời giông bão, nhiều khi cũng rất nguy hiểm và trở ngại cả đường đi.
Dự án cầu Đại Ngãi là công trình lớn cuối cùng trên tuyến Quốc lộ 60 - trục giao thông dọc ven biển, kết nối TP. HCM với các tỉnh duyên hải ĐBSCL. Những năm qua, Bộ GTVT đã đầu tư xây dựng và hoàn thành tuyến Quốc lộ này với nhiều công trình lớn như cầu Rạch Miễu, cầu Hàm Luông và cầu Cổ Chiên. Tuy nhiên, do trên tuyến Quốc lộ 60 chưa được thông suốt hoàn toàn mà tại vị trí vượt sông Hậu thuộc địa bàn 2 tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng vẫn còn phải sử dụng phà, đã làm giảm năng lực vận tải toàn tuyến.
Cầu Đại Ngãi là nhịp nối cuối cùng để khơi thông, giảm chi phí vận tải, mở rộng giao thương hàng hóa và bỏ thế độc đạo của Quốc lộ 1A. So với Quốc lộ 1A hiện hữu thì khi có cầu Đại Ngãi, sẽ giúp rút ngắn 80km di chuyển từ Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh đi TP.HCM.
Ông Trần Văn Nguyên, Chủ tịch UBND huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng cho biết: Xác định đây là công trình trọng điểm, quan trọng, khi được triển khai sẽ kết nối và thông tuyến với quốc lộ 60 và tạo động lực để phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn. Do đó, các bước khâu triển khai rất là nhanh chóng, người dân rất là đồng thuận. Do đó, trong thời gian triển khai có nhiều điều kiện thuận lợi theo như kế hoạch và tiến độ đề ra.
Dự án cầu Đại Ngãi có tổng mức đầu tư hơn 8.000 tỷ đồng, chiều dài toàn tuyến hơn 15km. Có 2 cầu vượt chính là cầu Đại Ngãi 1 và cầu Đại Ngãi 2. Phần tuyến được thiết kế với quy mô đường cấp III đồng bằng, vận tốc thiết kế 80km/h, trong đó cầu Đại Ngãi 1 được thiết kế với quy mô mặt cắt ngang 4 làn xe, bề rộng cầu 17,5m. Riêng phần cầu chính dây văng, bề rộng 21,5m. Cầu Đại Ngãi 2 có quy mô mặt cắt ngang 4 làn xe, bề rộng cầu 17,5m. Dự án có điểm đầu giao quốc lộ 54 thuộc địa phận xã Hùng Hòa, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh và điểm cuối giao quốc lộ Nam sông Hậu thuộc địa phận xã Long Đức, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng. Do Ban Quản lý Dự án 85 (Bộ GTVT) làm chủ đầu tư.
Sau khoảng hơn 7 tháng nhận bàn giao cọc giải phóng mặt bằng, đến nay, hai tỉnh Sóc Trăng và Trà Vinh đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng. Ông Nguyễn Ngọc Hà, Giám đốc điều hành Dự án Cầu Đại Ngãi (Ban Quản lý Dự án 85), cho biết: Mặt bằng đã được bàn giao sạch gần như 100%. Có thể nói đây là một dự án điểm, một dự án mà về công tác giải phóng mặt bằng hiện nay được đánh giá là tốt nhất của Ban Dự án 85 cũng như của Bộ Giao thông Vận tải trước khi khởi công. Cũng mong trong triển khi dự án tiếp tục nhận được sự chỉ đạo của lãnh đạo 2 tỉnh cũng như sự ủng hộ của bà con để Dự án được khởi công, thi công đảm bảo được tiến độ và chất lượng.
Dự án cầu Đại Ngãi được xác định là bước đệm hoàn hảo tăng cường khả năng kết nối liên vùng và đem đến tiềm năng tăng trưởng bứt phá cho kinh tế xã hội toàn vùng ĐBSCL.
Sau thời gian dài hy vọng và chờ đợi, cuối cùng, Dự án cầu Đại Ngãi đã trở thành hiện thực. Một cây cầu kết nối hai bờ Bắc – Nam sông Hậu có ý nghĩa cực kỳ quan trọng về an ninh-quốc phòng, kinh tế - xã hội. Việc còn lại là trách nhiệm thi công nhanh, chất lượng để để bàn giao “cây cầu như mơ”. Nỗ lực này không chỉ riêng Chủ đầu tư mà còn có sự góp sức của địa phương:
“Ốc đảo” Cù Lao Dung từ xưa đến nay là vùng đất giàu tiềm năng du lịch. Nhưng người ta đến Cù Lao Dung bằng những chuyến phà vượt sông như một sự cản trở không mong muốn. Tượng tự, Trà Vinh cũng là vùng đất đậm nét văn hóa “trăm chùa”, nhưng nơi đây cũng hẻo lánh vì đường xá khó khăn. Có một cây cầu nối nhịp Bắc – Nam sông Hậu là ước mơ của nhiều thế hệ sống tại 2 địa phương này.
Ắt hẳn người dân Sóc Trăng và Trà Vinh vẫn chưa quên cái cảm giác háo hức diễn ra cách đây 8 năm. Vào tháng 12/2015, Dự án đầu tư xây dựng cầu Đại Ngãi đã làm Lễ khởi động, khi đó hoạch tính số vốn cho toàn dự án chỉ có khoảng 6.000 tỷ đồng và dự kiến xây dựng từ năm 2016 đến năm 2018 sẽ xong.
Trong khoảng thời gian 8 năm đằng đẵng ấy, người dân 2 địa phương đã không ngừng tăng gia sản xuất, nỗ lực xây dựng kinh tế, nhằm mục đích đón đầu sự đổi thay trên vùng đất “hẻo lánh” này.
Nay Dự án đã chính thức khởi công, thì để cây cầu mơ ước thành hiện thực, có 03 yếu tố then chốt là: Tiền, mặt bằng và vật liệu. Dự án cầu Đại Ngãi đã hoàn tất 2 khâu khó nhất là tiền và mặt bằng. Riêng vấn đề tìm nguồn nguyên liệu cát thì Sóc Trăng và Trà Vinh đều có khả năng đáp ứng đủ.
Cần nhất lúc này là sự quyết tâm của các nhà thầu, công nhân trên công trường. Phải “vượt nắng, thắng mưa” triển khai các dự án bảo đảm chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật, an toàn lao động, vệ sinh môi trường. Bất kỳ dự án nào đi qua địa phận của mình cũng phải được địa phương tạo thuận lợi cho thi công cán đích.
Như đã nói, cầu Đại Ngãi mở ra cơ hội giao thương cho địa phương thì trách nhiệm của Trà Vinh và Sóc Trăng phải sớm có những định hướng cụ thể để phát triển cụm dân cư dọc tuyến này. Đẩy mạnh những mô hình sinh kế thích ứng để tận dụng lợi thế từ Dự án, tận thu giá trị về cho địa phương, năng cao mức sống Nhân dân.
Khi có cầu Đại Ngãi, bộ mặt của Cù Lao Dung và một số địa phương của Trà Vinh sẽ phát triển. Người dân không còn phải lụy phà. Nhà đầu tư cũng sẽ đổ dòng tiền vào và hứa hẹn tương lai thật tươi sáng ở 2 vùng đất “trăm chùa” Trà Vinh – Sóc Trăng.